1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc chiến gián điệp mạng Mỹ-Trung

(Dân trí) - Nhằm tránh bị nghe lén, ông Tập Cận Bình và phái đoàn của mình vào phút cuối đã quyết định tới ở một khách sạn ở trung tâm thành phố, cách xa địa điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh phi chính thức giữa lãnh đạo Trung-Mỹ.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2256/Cuu-nhan-vien-CIA-tiet-lo-bi-mat-chinh-phu-My.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Cựu nhân viên CIA tiết lộ bí mật chính phủ Mỹ </b></a>

Người ủng hộ kẻ tố giác Snowden hướng về tổng lãnh sự quán Mỹ ở Hồng Kông ngày 13/6.

Người ủng hộ "kẻ tố giác" Snowden hướng về tổng lãnh sự quán Mỹ ở Hồng Kông ngày 13/6.

Bất chấp áp lực lớn của công chúng, Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn không đạt được thỏa thuận nào trong cuộc chiến chống chiến tranh mạng tại hội nghị thượng đỉnh ở California hồi cuối tuần qua. Bắc Kinh và Washington vẫn tiếp tục cáo buộc nhau một cách nặng nề về các vụ tấn công mạng được chính phủ bảo trợ. Trong khi đó, một chương trình bí mật khai thác dữ liệu internet do cơ quan tình báo Mỹ tiến hành đã bị một “kẻ tố giác” trẻ tuổi tiết lộ. Người đó là Edward Snowden, hiện đang tị nạn tại đặc khu hành chính Hồng Kông, Trung Quốc.

 

Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh nhau gắt gao với tư cách là hai siêu cường thế giới. Và cuộc chiến mạng đã bắt đầu.

 

Ông Obama và ông Tập đã rời hội nghị ở Palm Springs, California với hàng loạt thỏa thuận quan trọng, bao phủ nhiều vấn đề nổi cộm, như chương trình hạt nhân Triều Tiên, khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, nỗ lực của Obama nhằm thuyết phục ông Tập cùng đạt được một thỏa thuận về gián điệp mạng đã hoàn toàn thất bại.

 

Nhằm tránh bị nghe lén, ông Tập và phái đoàn của mình vào phút cuối đã quyết định tới ở một khách sạn ở trung tâm thành phố, cách xa địa điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh phi chính thức giữa lãnh đạo Trung-Mỹ. Nếu muốn ngăn tình báo Mỹ tiếp cận được các cuộc đàm thoại cá nhân của mình, ông Tập cũng thừa khôn ngoan tránh xa Facebook hay Gmail.

 

Trong những tuần gần đây, Washington và Bắc Kinh thẳng thừng cáo buộc nhau là thủ phạm tấn công mạng. Trước hội nghị ở Palm Springs, một quan chức Nhà Trắng đã nhấn mạnh: “các chính phủ phải chịu trách nhiệm cho các vụ tấn công mạng diễn ra bên trong biên giới nước mình. Do đây là một phần lợi ích của Mỹ, nhằm bảo vệ các doanh nghiệp Mỹ, nên chúng tôi sẽ nêu lên với Trung Quốc mọi lo ngại của chúng tôi về các vụ xâm nhập mà chúng tôi tin rằng xuất phát từ Trung Quốc.”

 

Chính phủ Trung Quốc đã phản pháo bằng cáo buộc Mỹ cũng tấn công mạng nhằm vào Trung Quốc. Một bài viết trên tờ People’s Daily cho biết trong 5 tháng đầu năm 2013, hơn 4.000 server điều khiển ở Mỹ đã “tấn công” 2,91 triệu máy chủ ở Trung Quốc. Huang Chengqing, giám đốc của Nhóm kỹ thuật phản ứng nhanh mạng máy tính quốc gia Trung Quốc, tuyên bố, “có hàng núi dữ liệu nếu chúng tôi muốn cáo buộc Mỹ. Nhưng điều đó không giúp giải quyết vấn đề…và vấn đề chỉ có thể giải quyết qua đối thoại, chứ không phải đối đầu”.

 

Trong khi đó, lại xuất hiện thông tin cơ quan tình báo Mỹ tiến hành một hoạt động khổng lồ nhằm thu thập thông tin từ các công ty internet hàng đầu thế giới. Chương trình Prism là một cơ chế mà ở đó chính phủ Mỹ có thể tiếp cận trực tiếp với dữ liệu của Google, Microsoft, Yahoo, Facebook, AOL, Apple, và Paltalk. Nó cho phép cơ quan tình báo Mỹ xem email, thông tin tìm kiếm, chat trên mạng, hình ảnh và các cuộc gọi video sử dụng các dịch vụ trên mạng, từ Gmail cho tới Hotmail hay YouTube, Skype. Theo nguồn tin, Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã thu thập 3 tỷ mẩu thông tin điện tử từ các server máy tính Mỹ trong khoảng thời gian chỉ một tháng. “NSA đã xây dựng được hạ tầng cho phép chặn được hầu hết mọi thứ,” nguồn tin cho hay.

 

Giám đốc của NSA James Clapper đã lên tiếng bảo vệ chương trình này, cho rằng Prism là nhằm đảm bảo an ninh cho nước Mỹ và đã giúp ngăn chặn hàng chục vụ tấn công tiềm tàng.

 

Trong khi đó “Tường lửa Trung Quốc”, hệ thống chặn các mạng xã hội, tin tức, của Trung Quốc từ lâu đã là mục tiêu bị chỉ trích của các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Trong bài phát biểu năm 2010, ngoại trưởng Mỹ khi đó Hillary Clinton cảnh báo một “bức màn thông tin mới đang được hạ khắp thế giới…” Bà kêu gọi “dòng thông tin tự do” và cáo buộc Trung Quốc gia tăng kiểm duyệt internet. Những trang web tại Mỹ bị Trung Quốc chặn gồm Facebook và YouTube. Tìm kiếm Google và Gmail mặc dù không bị chặn hoàn toàn, nhưng hay bị gián đoạn bởi “tường lửa”.

 

Có vẻ như lời kêu gọi “dòng thông tin tự do” của bà Clinton bao gồm cả dòng dữ liệu cá nhân khổng lồ chảy vào kho thông tin của NSA. Bằng cách chặn Facebook và YouTube, Bắc Kinh đã tình cờ bảo vệ được thông tin cá nhân của công dân Trung Quốc, ít nhất là khỏi sự soi mói của Mỹ và ngăn chặn chính phủ Mỹ có khả năng tiếp cận các dữ liệu hữu ích về kinh tế, quân sự cũng như chính phủ Trung Quốc.

 

Khoảng 700 triệu người Trung Quốc dùng mạng, trong tổng số 2,4 tỷ người dùng mạng trên toàn cầu. Hay nói cách khác có tới 29% người dùng mạng sống ở Trung Quốc. Những cư dân mạng am hiểu có thể dễ dàng tìm cách “vượt tường lửa”. Tuy nhiên, sự bất tiện của những phương pháp “vượt tường”, trong khi mạng trong nước luôn sẵn có, đã hạn chế được người vào Facebook cùng YouTube trong thị trường Trung Quốc.

 

Chương trình Prism là cơ hội vàng cho Bắc Kinh biện minh vì sao họ lại tiếp tục giới hạn tiếp cận một số trang web. Trong khi đó lời kêu gọi “tự do thông tin” của Washington lại bị xem là đạo đức giả sau khi Prism bị “lộ tẩy”.

 

Bắc Kinh dàn dựng vụ cựu nhân viên CIA Snowden?

 

Cuộc đối đầu điện tử giữa Bắc Kinh và Washington đang trở nên gay gắt hơn, khi kẻ tố giác chương trình Prism lại đang tị nạn ở Hồng Kông. Edward Snowden, cựu nhân viên CIA, đã chọn Hồng Kông làm bến đỗ khi tiết lộ thông tin mật. Khi công khai danh tính của mình Snowden đã viện dẫn “sự tự do nổi tiếng” của thành phố, “bất chấp thành phố là một phần của Trung Quốc”.

 

Tuy nhiên, dù cách theo đuổi sự nghiệp tự do có như thế nào, cựu nhân viên CIA này chắc chắn không ngây thơ. Có lẽ lịch sử các vụ “đầu hàng khác thường” của các nghi phạm khủng bố ở các nước đồng minh phương Tây của Mỹ đã ảnh hưởng tới quyết định “Đông tiến” của Snowden.

 

Chọn Hồng Kông có thể mang lại “lưỡng tiện”. Snowden hi vọng có thể tận dụng được cả tiến trình tư pháp mở của đặc khu này và sự bảo vệ của các lực lượng an ninh bí mật của Trung Quốc.

 

Cựu quan chức CIA Robert Baer thậm chí còn đi xa hơn khi cho rằng toàn bộ vụ rò rỉ Prism là do Bắc Kinh “dàn dựng”. “Trên tất cả, có vẻ như đây là sự điều khiển của người Trung Quốc…Bạn phải hỏi chuyện gì sẽ diễn ra? Tôi cho rằng, Trung Quốc không phải là một nước thân thiện và mọi lĩnh vực của nước đó đều bị kiểm soát”. Baer cho rằng cả lựa chọn nơi chạy trốn và thời điểm tung thông tin của Snowden, vào đúng những ngày diễn ra thượng đỉnh Obama-Tập Cận Bình, cũng rất đáng ngờ.

 

Nếu thực sự Snowden đào tẩu sang Bắc Kinh, thì đây sẽ là một hành động táo bạo đối với Trung Quốc. Nhưng đặc tính nguy hiểm nhất của gián điệp mạng vẫn là sự bất ngờ, không dự đoán trước được. Cuộc chiến mạng đã bắt đầu. Prims của Mỹ và tường lửa của Trung Quốc có thể chỉ là những chỉ dấu của những gì sắp diễn ra trong cuộc đua vũ trang điện tử đang phát triển.

 

Vũ Quý

Theo Asia Times