1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cuộc chiến dẫn độ “kẻ buôn thần chết”

(Dân trí) - Tòa án Thái Lan mới đây đã ra phán quyết dẫn độ “kẻ buôn thần chết” người Nga Viktor Bout tới Mỹ. Nhưng những tranh cãi giữa Mỹ và Nga đã khiến Bout hiện vẫn ở Bangkok, trong khi Thái Lan nỗ lực hết mình để làm vừa lòng cả hai đồng minh quan trọng.

Cuộc chiến dẫn độ “kẻ buôn thần chết” - 1

Viktor Bout
Suốt cả tuần, một chiếc máy bay tư nhân loại nhỏ đã “nổ máy” đậu sẵn trên đường băng ở một sân bay Bangkok, Thái Lan. Chiếc máy bay được chính phủ Mỹ thuê đến từ hôm thứ hai tuần trước để sẵn sàng chở “hàng” cùng với 50 người được trang bị súng ống nhằm đảm bảo món “hàng” đó, Viktor Anatoliyevich Bout, được chuyển an toàn từ nhà tù có an ninh tốt nhất Thái Lan tới đất Mỹ.

 

Nhưng vào phút chót, trục trặc “kỹ thuật” đã xảy ra. Ngày 29/8, phát biểu trên chương trình truyền hình hàng tuần, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva cho biết lệnh dẫn độ Viktor Bout đã bị hoãn lại do chính phủ Mỹ rút bớt một cáo buộc đối với nghi phạm buôn bán vũ khí này.
 
Trước đó, Mỹ đã kết tội Bout cấu kết giết hại người Mỹ, cấu kết để hỗ trợ khủng bố và cấu kết để có và sử dụng tên lửa chống máy bay. Ngoài ra, trong phiên xử mới nhất, Mỹ đã đưa ra cáo buộc mới là rửa tiền và gian lận Nếu bị kết án ở Hoa Kỳ, Bout có thể bị mức cao nhất là chung thân. 
 

“Kẻ buôn thần chết”

 

Sinh ngày 13/1/1967 tại Dushanbe (Tajikistan), Victor Bout nổi lên từ đầu những năm 1990 ở mặt trái của cuộc toàn cầu hóa. Khi Liên Xô tan rã, Victor Bout đã tận dụng tình hình lộn xộn xảy ra khắp nơi tại những nước thành viên cũ, nhất là ở Ukraine khi súng ống được bán tống bán tháo ra chợ đen. 
 

Khi mới 25 tuổi Victor Bout mua ba máy bay vận tải nhẹ Antonov với giá 120.000 USD và tham gia dịch vụ cho thuê vận tải đường dài từ Mátxcơva đến nhiều nơi trên thế giới. Một năm sau, Bout chuyển hoạt động sang Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), mở tuyến dịch vụ giữa châu Á, châu Phi và châu Âu. Đến trước năm 1996, Bout đã trở thành ông chủ công ty vận tải hàng không lớn nhất UAE, với 160 máy bay và 1.000 nhân viên.

 

Bout được cho là người thống trị con đường buôn bán và vận chuyển cho các băng nhóm ma túy, các mạng lưới khủng bố, các phong trào nổi dậy từ Colombia tới Afghanistan. Bout thậm chí còn được cho là hiểu rõ mối liên hệ giữa quân đội, tình báo Nga với bên ngoài.

 

“Tôi cho rằng Viktor Bout nắm giữ rất nhiều thông tin về đất nước này (Nga) và các nước khác”, Michael A. Braun, trưởng cơ quan điều hành hoạt động của Cục chống ma túy Mỹ (D.E.A) từ năm 2005-2008, khi cơ quan này còn đang tổ chức các hoạt động ngầm để dẫn đến vụ bắt giữ Bout tại Bangkok 2 năm trước.

 

“Huyền thoại” về người đàn ông 43 tuổi, một cựu sỹ quan không quân Liên Xô (cũ), một nhà ngôn ngữ tài năng nói được tiếng Anh, Pháp, Ả rập, và Bồ Đào Nha, thậm chí còn vượt ra ngoài câu chuyện thật về sự nghiệp của ông ta, là cơ sở cho bộ phim ăn khách năm 2005 “Chúa tể chiến tranh”.

 

Đến giữa những năm 1990, công ty hàng không tư nhân của Bout bắt đầu trở thành mục tiêu chú ý của các cơ quan tình báo phương Tây. Năm 2000, khi Lee S. Wolosky trở thành giám đốc phụ trách các mối đe dọa xuyên quốc gia của Ủy ban an ninh quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton, ông cho biết mạng lưới các công ty của Bout đã ra vào khắp các nước.

 

“Các đồng nghiệp của tôi làm việc ở châu Phi nhận thấy ông ta “tham gia” vào mọi cuộc xung đột mà họ đang cố gắng giải quyết: Sierra Leone, Cộng hòa Congo, Angola”, ông Wolosky, hiện là một luật sư ở New York, cho hay. “Ông ta có khả năng cung ứng mà rất ít nước có được”.

 

Bout được cho là có mối quan hệ với các nhân vật khét tiếng như Charles Taylor của Liberia, “ăn nằm” ngay cạnh máy bay của ông ta ở các vùng chiến sự tại châu Phi, và đôi khi nhận thanh toán bằng kim cương, mang theo cả chuyên gia riêng để đánh giá các viên kim cương đó. Vũ khí Bout bán đã làm các cuộc chiến thêm leo thang.

 

Theo các cựu quan chức Mỹ, họ đã lên kế hoạch tóm tay buôn vũ khí này và chuyển ông ta tới Bỉ hoặc Nam Phi để xét xử. Nhưng trước khi họ có thể hành động, vụ khủng bố 11/9/2001 xảy ra, khiến mức độ “ưu tiên” đối với Bout bị hạ thấp.

 

Wolosky cũng cho biết ông và các đồng nghiệp vô cùng sửng sốt khi nghe tin tức cho biết các công ty của Bout được dùng làm nhà thầu phụ cho quân đội Mỹ, để chuyển vũ khí tới Iraq vào năm 2003 và 2004, và kiếm được khoảng 60 triệu USD.

 

“Tôi đã đọc những thông tin đó và vô cùng sốc”, Wolosky cho hay. “Cá nhân tôi, tôi cho rằng đó là do sự lộn xộn của cuộc chiến Iraq”.

 

Tại Afghanistan, trước vụ 11/9, Bout được cho là đã cung cấp vũ khí cho Ahmed Shah Massoud, thủ lĩnh dân tộc Tajik, người đã có nhiều năm chiến đấu với Taliban. Sau đó, Bout cung cấp cho Taliban.

 

Năm 2007, ông Broaun, người khi đó là trưởng điều hành D.E.A cho biết ông đã được giới chức chính quyền Tổng thống Bush yêu cầu khởi tố Bout. Cơ quan này đã dụ Bout vào bẫy mà theo họ sau đó Bout đồng ý bán tên lửa đất đối không và các thiết bị quân sự khác cho người đưa tin đóng giả là thành viên của nhóm phiến quân FARC Colombia.

 

Theo hồ sơ của tòa án, tại cuộc gặp gỡ ở một khách sạn Bangkok vào tháng 3/2008, Bout đã viết ra giá ước tính, vẽ nguệch ngoạc một chiếc máy bay, và nói với khách hàng là điệp viên CIA đóng giả, rằng “Mỹ cũng là kẻ thù của ông ta”.

 

“Chiến tranh lạnh”

 

Theo các chuyên gia, vấn đề phức tạp ở mối quan hệ của Bout với Kremlin và Lầu Năm Góc. Là một cựu sỹ quan không quân Nga, các mối quan hệ của Bout được cho là rất lớn.

 

Còn bản thân Thái Lan lại tự thấy bị mắc giữa “cuộc chiến” của hai đồng minh, vừa muốn giữ “bản sắc” riêng của mình mà vừa muốn giữ được hòa khí đối với cả hai.

 

Trong khi Viktor Bout ngồi sau song sắt, gày hơn mỗi lần xuất hiện, phòng xử án đã bị đẩy về cuộc Chiến tranh Lạnh, khi giới chức Nga và Mỹ hội ý riêng với luật sư ở các góc khác nhau, nhìn nhau với con mắt đầy hoài nghi và chơi “trò chơi chiến tranh” với Viktor.

 

Theo các nhà phân tích, Nga có lẽ lo Bout có thể bị biến thành nhân chứng quốc gia và có thể một số bí mật họ không muốn Bout tiết lộ.

 

Trong khi đó, Mỹ muốn Bout phải ra vành móng ngựa ở Mỹ.

 

Chính vì vậy mà đây không phải là một cuộc chiến chỉ bó hẹp tại tòa án. Hai nước được cho là đang ráo riết vận động hành lang đằng sau mỗi phiên tòa.

 

Tòa án đầu tiên ra phán quyết vào năm ngoái với “lợi thế” nghiêng về Mátxcơva: Lệnh dẫn độ bị từ chối.

 

Nhưng một tuần sau, đơn khiếu nại được gửi lên.

 

Mỹ đưa ra 2 cáo buộc mới, trong đó có cáo buộc rửa tiền và gian lận.

 

Nhưng tòa án ra phán quyến Bout phải bị dẫn độ trong vòng 3 tháng. “Trò chơi lại có lợi thế nghiêng về phía Mỹ. Và họ cử máy bay tới.

 

Bộ trưởng Ngoại giao Nga trong khi đó gọi phán quyết là “không công bằng” và tuyên bố phán quyết có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ với Thái Lan. Còn vợ Bout cho rằng chính áp lực của Mỹ đã khiến Thái Lan đưa ra quyết định đó, trong khi luật sư người Thái của Bout bí mật ăn mừng. “Chúa đã cứu chúng tôi”, ông ta cười gằn, tự tin vì nắm rõ hệ thống luật pháp tại đây.

 

Những cáo buộc mới trên phải được dỡ bỏ trước khi Mỹ có thể có được Bout.

 

Viktor Bout giờ muốn các cáo buộc rửa tiền và gian lận trở lại tòa, bởi nếu vụ án đó có thể kéo dài trong 3 tháng, lệnh dẫn độ sẽ hết hạn và tiến trình xét xử 2 năm rưỡi qua sẽ phải bắt đầu lại từ đầu một lần nữa.

 

Từ quan điểm của người Thái Lan, nếu Bout ở tù tại đây, họ sẽ không làm buồn đồng minh nào hơn đồng minh nào.

 

Lợi thế nghiêng về Bout.

 

Nếu đã là một tay buôn vũ khí khét tiếng nhất thế giới, Bout sẽ phải có một số bạn bè lớn ở những vị trí cao.

 

Phan Anh
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm