Cuộc chiến của vũ khí không người lái trên bầu trời Ukraine
(Dân trí) - Trên chiến trường Ukraine, binh lính quan sát trên màn hình nhỏ, kết nối với những UAV bằng lòng bàn tay bay đang lơ lửng trên đầu mục tiêu.
Một cuộc chiến bắt đầu với hình ảnh xe tăng Nga lăn bánh qua biên giới Ukraine giờ chứng kiến chiều hướng hiện đại hơn khi cả hai liên tục tung máy bay không người lái (UAV) tân tiến chống lại nhau.
Với hàng trăm UAV trinh sát và tấn công hoạt động trên bầu trời Ukraine mỗi ngày, cuộc xung đột vốn bắt đầu bằng những hình ảnh thường thấy thời Thế chiến I và II đã trở thành cuộc cạnh tranh công nghệ chiếm lĩnh ưu thế trên không, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chiến tranh tương lai.
Trong các cuộc xung đột trước đây, UAV thường chỉ do một bên sử dụng, tự do hoạt động trên bầu trời để xác định và tấn công mục tiêu mà đối phương không có cách nào để khắc chế, ví dụ như trong các hoạt động của Mỹ ở Afghanistan và Trung Đông.
Tuy nhiên, trong những trận chiến giữa Nga và Ukraine, UAV được cả hai bên sử dụng rộng khắp và không ngừng mở rộng ở mọi giai đoạn chiến đấu, với đội hình UAV quy mô lớn, hệ thống phòng không và hệ thống gây nhiễu ở mỗi bên.
Đó là một cuộc chiến được tiến hành từ xa - kẻ thù thường ở cách xa nhiều km - và không có khí tài nào giúp thu hẹp khoảng cách tốt hơn UAV, giúp đôi bên có thể nhìn thấy và tấn công nhau mà không cần áp sát.
Theo nhiều quan chức Ukraine giấu tên, lực lượng nước này cũng sử dụng UAV để tấn công các mục tiêu cách xa chiến trường chính như ở bán đảo Crimea hay tại vùng Belgorod ở biên giới phía tây Nga. Thậm chí, Ukraine được cho là đã sử dụng UAV theo những cách chưa từng có, đồng thời chỉnh sửa các UAV cũ để thực hiện chức năng mới.
Tiến sĩ Matthew Schmidt, Phó Giáo sư Khoa học Chính trị và An ninh Quốc gia thuộc Đại học New Haven, nhận định rằng nếu thông tin mà phía Nga đưa ra là chính xác thì sẽ có 2 câu hỏi cần được giải đáp. Thứ nhất, những UAV này có phải do Ukraine chế tạo hay không và thứ hai là làm cách nào họ có thể vận hành và kiểm soát chúng ở khoảng cách xa như vậy.
Theo chuyên gia này, Ukraine nhiều khả năng có một số công nghệ để chế tạo những máy bay không người lái hiện đại, song ông nghi ngờ về việc Kiev có động cơ cần thiết cho UAV để chúng có thể bay tới căn cứ của Nga ở khoảng cách xa như vậy.
Khi giao tranh trên bộ không hiệu quả, quân đội Nga tăng cường tập kích Ukraine bằng các UAV tự sát, được cho là mẫu Shahed do Iran sản xuất, để tấn công cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng của Ukraine, thay thế cho các tên lửa dẫn đường tầm xa vốn rất đắt đỏ.
UAV tự sát là những mẫu máy bay được điều khiển từ xa, mang theo đầu đạn chứa 3-5kg thuốc nổ. Chúng có khả năng lượn vòng trên bầu trời trong thời gian dài để rà quét khu vực, sau đó bổ nhào xuống mục tiêu, kích hoạt đầu đạn trong thân để gây sát thương lớn nhất có thể. Do có kích thước nhỏ, trần bay thấp và không có nhiều chi tiết bằng kim loại, UAV này rất khó bị radar phát hiện.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin, các cuộc tấn công bằng UAV tự sát của Nga đã giảm đáng kể trong hai tuần gần đây do nguồn cung đã cạn kiệt.
"Biểu tượng thực sự của chiến tranh hiện đại"
UAV đã trở thành vũ khí quan trọng trên chiến trường đến nỗi đôi khi chúng được sử dụng để tiêu diệt các UAV khác.
Đầu tháng 9, chỉ vài ngày trước khi Ukraine mở cuộc phản công ở khu vực đông bắc Kharkov, một UAV trinh sát của Ukraine đã bay qua khoảng trống giữa hai hệ thống gây nhiễu gần biên giới Nga. Nó băng qua lãnh thổ Nga và quay về phía bắc qua khu vực Belgorod, nơi Moscow đặt các thiết bị hỗ trợ cho cuộc chiến ở miền đông Ukraine.
Ukraine thường triển khai UAV trinh sát để đánh dấu tọa độ của các sở chỉ huy, khẩu đội pháo, hệ thống tác chiến điện tử và kho đạn của Nga. Sau đó, khi pháo phản lực HIMARS do phương Tây cung cấp khai hỏa vào những mục tiêu này, UAV được dùng để xác nhận tên lửa đã bắn trúng mục tiêu hay cần phải hiệu chỉnh tọa độ bắn. Đôi khi, các UAV tự giáng đòn.
Các cuộc tấn công Ukraine đã làm suy yếu quân Nga và tạo tiền đề cho lực lượng bộ binh tiến lên. Khi họ làm như vậy, UAV sẽ bay lơ lửng, cho phép người chỉ huy chiến dịch theo dõi trực tiếp quá trình quân đội di chuyển.
Đại tá Oleksandr Syrsky, Chỉ huy lực lượng mặt đất Ukraine cho biết: "Chúng tôi đã có bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến". Kết quả là Ukraine đã đạt được hiệu quả trong cuộc phản công này.
Hai cuộc tấn công vào hôm 5/12 và cuộc tấn công thứ 3 vào ngày 6/12 đã được Ukraine thực hiện bằng UAV có niên đại từ Chiến tranh Lạnh. Trong khi đó, những chiếc UAV Bayraktar TB-2 được trang bị tên lửa, điều khiển bằng vệ tinh mà Kiev mua từ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang được sử dụng hiệu quả để chống lại các xe tăng Nga.
Samuel Bendett, một nhà phân tích quân sự tại nhóm nghiên cứu CNA có trụ sở tại Virginia, Mỹ, cho biết: "Hai yếu tố chính sẽ tác động đến xung đột trong tương lai là UAV chiến đấu để tiến hành các hoạt động tấn công tầm xa và UAV chiến thuật giá rẻ để yểm trợ tầm gần".
Ở Ukraine, tương lai được đề cập đến là thực tế hiện tại. Quan trọng hơn cả, UAV chính là "con mắt" trên chiến trường.
Để theo dõi các động thái của đối thủ, quân đội Ukraine đã thành lập một đơn vị gồm các đội UAV trinh sát mang tên "Ochi", tiếng Ukraine có nghĩa là "đôi mắt". Những đội nhóm 4 người này đang được bố trí rải khắp mặt trận miền đông, điều khiển UAV mỗi ngày, trừ khi trời mưa.
Hồi tháng 9, các thành viên các đội nheo mắt nhìn vào màn hình cầm tay của họ và cười khúc khích. Trên màn hình, họ có thể nhận ra một số người mặc quân phục di chuyển trên một cánh đồng ngô bên kia sông Oskil, thuộc vùng Kharkov, khi đó vẫn do Nga kiểm soát. UAV có thể theo dõi nhóm binh sĩ này cho đến khi họ trở về căn cứ để thông báo tọa độ cho lực lượng pháo binh.
Lái một chiếc ô tô không bọc thép, một nhóm Ochi chọn vị trí gần tiền tuyến, cắm pin UAV dự phòng vào máy phát điện và kích hoạt kết nối Internet Starlink, để mọi thứ họ nhìn thấy có thể được truyền tới các lữ đoàn gần đó.
UAV của họ, một chiếc Matrice-300 với 4 cánh quạt nặng khoảng 3,6kg cùng những thiết bị đi kèm, gồm cả màn hình, có giá khoảng 40.000 USD, khiến nó trở thành một trong những công cụ chiến đấu rẻ tiền nhất nhưng lại mang đến hiệu quả cao.
Chính những UAV thương mại này, thường nhỏ gọn, tương đối rẻ và khá phổ biến, đã làm cho cuộc xung đột ở Ukraine trở nên khác hơn, mang lại khả năng quan sát chưa từng có và nâng cao độ chính xác của hỏa lực pháo binh thường không chính xác.
Các UAV chiến đấu cấp quân sự như Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất được Ukraine sử dụng hay Shahed-136 do Iran sản xuất được Nga triển khai, đang đóng một vai trò quan trọng nhất trong cuộc chiến. Nhưng loại UAV phổ biến nhất mà mỗi bên sử dụng có thể nằm gọn trong tay, giống một con bọ hơn là một con chim.
Đó là UAV 4 cánh quạt Mavic từ nhà sản xuất DJI Trung Quốc chỉ có giá bán dưới 4.000 USD trên mạng. Trong một cuốn sách về các chiến lược quân sự tiên tiến xuất bản năm nay, ông Yuri Baluyevsky, cựu tướng từng là người đứng đầu lực lượng vũ trang Nga, gọi nó là "biểu tượng thực sự của chiến tranh hiện đại".
Việc sử dụng UAV Mavic trong các lực lượng quân đội phổ biến đến nỗi các binh sĩ Ukraine cho biết họ thường không biết UAV mà họ phát hiện là "bạn hay thù". Họ chỉ biết rằng, nếu một con bay lơ lửng quá lâu thay vì chỉ đi ngang qua, đó là điều đủ đáng ngờ để bắn hạ nó.
DJI không cung cấp UAV cho Ukraine hay Nga và đã ngừng bán hàng ở hai nước này, nhưng điều đó không ngăn được các tình nguyện viên mua lượng lớn UAV Mavic từ các nhà bán lẻ nước ngoài rồi chuyển tới Ukraine.
Khi các lực lượng Ukraine tiến vào khu vực phía nam Kherson vào tháng trước, một đơn vị lực lượng đặc biệt đã tái chế lon Coca thành chất nổ để thả từ Mavic xuống các bãi mìn. Đây được là giải pháp rà phá bom mìn chi phí thấp, nhằm mở đường cho quân đội.
Gây sức ép về tâm lý
Tuy nhiên, một cách sử dụng phổ biến Mavic hơn cả là biện pháp gây sức ép về tâm lý.
Tại Kharkov, Tiểu đoàn tình nguyện Khartia đã sử dụng chúng để thả những quả nổ hình trụ vào căn cứ Nga. Chất nổ không thể gây sát thương nghiêm trọng cho xe tăng nhưng có thể khiến kẻ thù hoang tưởng, lo sợ một cuộc tấn công lớn hơn bất cứ lúc nào.
"Chúng tôi có thể biến cuộc sống của họ thành ác mộng bất cứ lúc nào", phi công điều khiển UAV Oleksandr Dubinskyi Khartia, cho biết.
Và Mavic chỉ là một trong vô số mẫu UAV đang được sử dụng trên chiến trường Ukraine. Một tổ chức từ thiện do Serhiy Prytula, một ngôi sao truyền hình Ukraine, điều hành đã mua UAV từ khắp nơi trên thế giới, như mẫu Vector của Đức hay Poseidon của Síp, để quyên góp cho quân đội Ukraine.
Các chỉ huy cấp cao của Ukraine và Nga, nhiều người trong số đó đã được đào tạo từ thời Liên Xô, từng hoài nghi về UAV. Bây giờ, họ đang gấp rút đào tạo hàng nghìn phi công điều khiển chúng.
Vào cuối tháng 8, đội Ochi của Bars được chuyển đến khu vực Kharkov, được giao nhiệm vụ quan sát quân Nga và xác định mục tiêu.
Thông thường, các đội Ochi được lệnh liên tục theo dõi và bám sát mục tiêu để cung cấp dữ liệu cho chỉ huy. Những người lính tham gia chiến dịch tấn công chớp nhoáng ở phía đông bắc này cho biết họ chưa bao giờ thấy nhiều UAV trinh sát trên không với mức độ chi tiết như vậy.
Ngày 6/9, cuộc phản công của Ukraine ở Kharkov bắt đầu, nhắm vào những mục tiêu mà Ochi đã đánh dấu, như kho đạn hay sở chỉ huy. "Chúng tôi đã cung cấp cho họ một bức tranh hỗ trợ kèm chỉ dẫn, nên đi đâu hoặc vòng tránh thế nào", Felix nói.
Sản xuất không kịp nhu cầu
Hầu hết binh sĩ Ukraine đều đã có một cuộc chạm trán đáng sợ với Orlan-10 của Nga - UAV trinh sát hàng đầu của Nga, cũng có khả năng tác chiến điện tử.
Đối với trung úy Oleksandr Sosovskyy, phó tiểu đoàn trưởng Lữ đoàn Cơ giới số 93 Ukraine, cuộc chạm trán đó xảy ra hồi cuối tháng 4, khi ông đang cùng 4 binh sĩ đến một ngôi làng gần tiền tuyến ở vùng Kharkov. Sau khi đỗ xe giữa hai ngôi nhà, ông nghe thấy tiếng vo vo kỳ lạ trên đầu. Ông không thể nhìn thấy đối phương, nhưng đối phương đang quan sát nhóm của ông.
Trong vài giờ tiếp theo, pháo kích bắn theo bất cứ nơi nào họ đi. Nhóm binh sĩ cố gắng tách ra, di chuyển quanh làng và bò sát đất để trú ẩn. Nhưng UAV Orlan đã giúp Nga điều chỉnh hỏa lực pháo kích. "Họ muốn phá hủy chiếc xe và rõ ràng là tiêu diệt chúng tôi", ông Sosovskyy nói.
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, Sosovskyy nhận thấy có ít UAV Orlan xuất hiện hơn. Trước đó, quân đội Nga thường triển khai hai chiếc mỗi lần, một để trinh sát, một để hiệu chỉnh tọa độ pháo kích. Từ mùa hè, những lần nhìn thấy hai chiếc Orlan xuất hiện cùng lúc trở nên hiếm hơn.
Với việc UAV ngày càng được sử dụng rộng rãi, Ukraine và Nga đang cố gắng đẩy mạnh năng lực sản xuất trong nước. Nhưng sự sụt giảm đáng kể ở Orlans đã cho thấy thách thức mà Nga đối mặt trong việc sản xuất khí tài thời chiến.
Orlan-10 là phương tiện chủ lực của quân đội Nga trên bầu trời, nhưng không rõ Moscow còn số lượng bao nhiêu. Nhiều chiếc đã bị bắn hạ và có rất ít dữ liệu về mức độ sản xuất.
Vào tháng 9, sau khi quân đội Nga bị đánh bật khỏi Kharkov, Alexander Khodakovsky, chỉ huy tiểu đoàn Vostok của Nga, đã than thở về tình trạng thiếu UAV.
Đại tá Yurii Solovey, người đứng đầu lực lượng phòng không Ukraine, cho biết đơn vị của ông đã phá hủy hơn 580 chiếc Orlan-10 kể từ khi xung đột bùng phát hồi cuối tháng hai đến nay. "Họ đang bắt đầu sử dụng một số UAV mới, đây là dấu hiệu cho chúng tôi biết họ về cơ bản đã hết Orlan", ông nói.
Tìm kiếm lựa chọn thay thế là rất khó. Các hệ thống quân sự của Nga - đặc biệt là UAV - phụ thuộc vào các linh kiện vi điện tử được sản xuất tại Mỹ, châu Âu và châu Á, những thứ mà Moscow hiện gặp khó khăn trong việc mua sắm do các lệnh trừng phạt.
Bộ Quốc phòng Nga cũng thừa nhận về tình trạng thiếu hụt linh kiện sản xuất UAV. "Bộ Quốc phòng đưa ra yêu cầu kỹ thuật và chiến thuật phù hợp cho UAV", đại tá Nga Igor Ischuk nói trong cuộc họp hội đồng chính phủ hồi tháng 9. "Thật không may, hầu hết các nhà sản xuất không thể đáp ứng chúng".
Điều đó mang lại cho Ukraine một lợi thế, đẩy mạnh sản xuất UAV bên trong các nhà máy trông như những văn phòng làm việc. Vị trí của chúng đã được xóa khỏi Google Maps để tránh các cuộc không kích.
Ukraine hiện sở hữu một số UAV chiến đấu do nước ngoài sản xuất, trong đó có cả mẫu UAV tự sát Switchblade do Mỹ cung cấp. Tuy nhiên, mẫu UAV Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một biểu tượng.
UAV Shahed được cho là giải pháp Nga có thể bù đắp cho vấn đề sản xuất trong nước. Kiev và các đồng minh phương Tây nói rằng, Nga đã mua hàng trăm chiếc Shahed-136 của Iran. Tuy nhiên, Nga và Iran đã bác bỏ các cáo buộc này.
Thanh Thành
Theo Washington Post, Guardian