Cuộc chiến chống IS: Cơn thịnh nộ của Nga, Pháp
Tổng thống Putin ra lệnh phối hợp với Pháp đánh IS; tàu chiến Nga ở Địa Trung Hải phóng tên lửa tấn công thành trì của IS tại Syria.
Nga-Pháp dội bom thành trì IS tại Syria
Trong động thái mới nhất, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho tàu tuần tra Nga đang ở Địa Trung Hải phối hợp với nhóm tàu Pháp sắp đến đây chống Nhà nước Hồi giáo (IS).
“Một nhóm tàu Pháp được dẫn đầu bằng tàu sân bay Charles De Gaulle sắp đến khu vực các anh đang hoạt động. Cần thiết lập liên lạc trực tiếp và làm việc với họ như đồng minh. Chúng ta cần phối hợp hành động cả trên không và trên bộ”, ông Putin ra lệnh cho ông Oleg Krivorog, chỉ huy đơn vị hải quân Nga đang bảo vệ căn cứ không quân Latakia mà máy bay Nga sử dụng ở Syria.
Tàu chiến Nga phóng tên lửa hành trình từ biển Caspian tới mục tiêu IS ở Syria hôm 7/10. (Ảnh: AP)
Không chỉ vậy, thông tin trên trang Sputnik cho hay, ông Putin đã điện đàm với Tổng thống Pháp Francois Hollande và hai ông đồng ý hợp tác về mặt quân sự lẫn tình báo để chống IS. Tổng thống Pháp sẽ thăm Moscow vào ngày 26/11, sau khi dự kiến gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 24/11.
Trước đó, cũng trong ngày 17/11, các tàu chiến của hải quân Nga ở Địa Trung Hải phóng tên lửa hành trình, cùng với máy bay ném bom tầm xa tấn công Raqqa, thành trì phiến quân IS tại Syria.
Ngoài ra, trong cuộc họp của Hội đồng An ninh do Tổng thống Nga chủ trì, Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov cho hay máy bay ném bom tầm xa Nga đã phóng 34 tên lửa hành trình vào các “mục tiêu khủng bố” ở Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu cũng thông báo Nga đã triển khai phi đội máy bay ném bom để tăng gấp đôi số lượt không kích ở Syria hôm 17/11, tiêu diệt 140 “cơ sở khủng bố” ở Syria.
Theo ông Shoigu, các loại máy bay ném bom chiến lược Tu-95, Tu-22 và Tu-160 đã được huy động trong khi Bộ chỉ huy Không quân Nga bổ sung 37 máy bay mới, gồm Su-34 và Su-27, vào các nhóm không kích hiện có khoảng 50 chiếc máy bay và trực thăng.
Ông Gerasimov nói giai đoạn mới của chiến dịch chống IS có sự góp sức của 25 máy bay ném bom tầm xa xuất kích từ sân bay ở Nga. Ngay trong ngày 17/11, số máy bay này đã tấn công IS ở miền Đông Syria, bao gồm tỉnh Raqqa được cho là thành trì IS, theo tướng Anatoli Zhikharev – chỉ huy lực lượng không quân tầm xa của Nga.
Về phía Pháp, Bộ Quốc phòng nước này cũng xác nhận Raqqa là mục tiêu không kích của quân đội Pháp.
"Pháp trong 24 giờ qua triển khai không kích lần hai nhằm vào IS ở Raqqa, Syria", Bộ Quốc phòng Pháp thông báo. 10 chiến đấu cơ Rafale và Mirage 2000 đã thả ít nhất 16 quả bom. "Các mục tiêu đều bị phá hủy hoàn toàn. Chiến dịch, phối hợp với Mỹ, nhằm vào những khu vực được nhận biết trong các nhiệm vụ trinh sát mà Pháp tiến hành trước đó".
Lần đầu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean -Yves Le Drian đã đề nghị 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ quân sự cho các chiến dịch của Paris ở Trung Đông và châu Phi theo Hiệp ước Lisbon năm 2009. Đề nghị này đã nhận được sự nhất trí ủng hộ của các Bộ trưởng Quốc phòng EU.
Đức để ngỏ khả năng can dự về quân sự chống IS tại Syria
Cũng liên quan đến cuộc chiến chống IS, theo kênh truyền hình SAT 1 của Đức ngày 16/11, Thủ tướng nước này Angela Merkel vẫn để ngỏ khả năng lựa chọn hành động quân sự để tấn công tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Phát biểu khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) ở Thổ Nhĩ Kỳ, bà Merkel cho rằng việc chấm dứt cuộc chiến ở Syria phải được thực hiện theo tiến trình hoà bình đã được thông qua tại Vienna, Áo.
Tuy nhiên, bà không cho biết rõ liệu sẽ có một quyết định của Liên hợp quốc về sứ mệnh quốc tế với sự tham gia của quân đội Đức chống IS hay không.
Bà nói: "Có thể là trong tiến trình này, Liên hợp quốc cũng sẽ đóng một vai trò… Tôi không thể nói những gì tiếp theo vào lúc này. Tiến trình này đã thực sự được triển khai".
Bà cũng cho biết tiến trình này về cơ bản bao hàm một giải pháp chính trị với triển vọng về một lệnh ngừng bắn. Về cam kết chống khủng bố của G-20, Thủ tướng Merkel cho rằng các nước trước mắt phải sát cánh và hợp tác cùng nhau, bởi "chưa rõ nhiệm vụ gì sẽ đến".
Theo bà, quân đội liên bang Đức hiện đã tiến hành huấn luyện cho binh sĩ Iraq, lực lượng tham gia chống IS và như vậy Đức đã có "rất nhiều việc cần làm".
Có kẻ tấn công khủng bố thứ 9 ở Paris?
Về cuộc điều tra những kẻ đứng sau vụ khủng bố kinh hoàng tại Paris hôm 13/11, các nguồn thạo tin với cuộc điều tra vụ tấn công khủng bố ở Pháp ngày 17/11 cho biết, các điều tra viên đã thu giữ được một đoạn video có nội dung khẳng định rằng đã có kẻ tấn công thứ 9 trong số những đối tượng từng xả súng vào các quán bar và nhà hàng ở thủ đô Paris hôm 13/11.
Theo nguồn tin, đoạn video này cho thấy nhiều khả năng đã có thêm một kẻ tấn công đang lẩn trốn cùng tên Salah Abdeslam.
Hiện Pháp và Bỉ đang phối hợp truy lùng Abdeslam sau vụ khủng bố kinh hoàng khiến 129 người thiệt mạng.
Tên này được cho là đã bỏ trốn sau khi xả súng ở quán bar và cafe cùng với Brahim Abdeslam, kẻ sau đó đã tự sát ở bên ngoài quán bar trên đại lộ Voltaire.
Đoạn video nói trên hé lộ kẻ thứ ba trên chiếc Seat màu đen được sử dụng khi đi gây án, khi có tổng cộng 5 kẻ tham gia xả súng ở quán bar A La Bonne Biere lúc 21 giờ 32 phút ngày 13/11.
Đoạn video đã cho thấy kẻ tấn công xả súng từ trong xe, sau đó được phát hiện bị vứt lại ở Montreuil cùng với ba khẩu AK.
Kẻ thứ ba này hiện vẫn chưa được xác định danh tính, song theo các công tố viên, có thể vẫn đang lẩn trốn.
Cùng ngày, cảnh sát Pháp đã công bố bức ảnh của một trong số những kẻ đánh bom liều chết từng cho nổ tung thân mình ngoài sân vận động Stade de France.
Vào thời điểm này, các nước châu Âu vẫn đang đối mặt với nguy cơ khủng bố rình rập.
Trận giao hữu giữa Đức và Hà Lan tại Hannover rạng sáng 18/11 đã bị hủy bỏ sau khi cảnh sát tìm thấy thiết bị nổ trong sân vận động.
Cảnh sát đã phong toả khu vực này, trong khi theo báo Tiêu điểm, trận đấu bị huỷ do có những dấu hiệu cho thấy có nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố ở sân vận động.
Đây là trận đấu thứ hai bị hoãn vì nguy cơ khủng bố sau thảm họa ở Pháp, bởi trận đấu giữa Bỉ và Tây Ban Nha cũng đã phải hủy bỏ vì nguy cơ an ninh tại Brussels.
Theo An Nhiên (Tổng hợp)
Đất Việt