1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc chạy đua vũ trang siêu thanh khuấy động Đông Á

(Dân trí) - Cuộc chạy đua vũ trang tên lửa siêu thanh Mỹ - Trung tại Đông Á có thể gây ra leo thang căng thẳng nhanh chóng giữa hai bên, tạo nên những bất ổn nghiêm trọng tại khu vực này, một chuyên gia quân sự Mỹ nhận định.

Cuộc chạy đua vũ trang siêu thanh khuấy động Đông Á

Mẫu máy bay WaveRider được gắn vào tên lửa dưới cánh máy bay B-52 trong một chuyến bay thử nghiệm. (Ảnh: Independent.uk)

Cuộc chạy đua vũ trang tên lửa “cực siêu thanh” giữa Mỹ và Trung Quốc có thể dẫn đến leo trang quân sự nhanh chóng tại khu vực Đông Á, tạo ra tình trạng bất ổn, Tiến sĩ Eleni G. Ekmektsioglou, cố vấn nghiên cứu tại Đại học Quốc tế Dịch vụ Mỹ, cho biết.

Theo nữ học giả, “tư duy quân sự đến nay đã bị chi phối bởi việc sử dụng sức mạnh vũ lực thay vì sức mạnh ép buộc vốn cho phép đối phương có quyền đưa ra lựa chọn cuối cùng”.

“Sức mạnh ép buộc sẽ thích hợp hơn trong một bối cảnh xung đột khu vực mà Mỹ phải đối mặt với một cường quốc hạt nhân khác, đồng thời mục tiêu có nguy cơ thất bại không thể biện minh cho một nỗ lực chiến tranh toàn diện”, bà phân tích.

Mỹ mở màn cuộc chơi

Washington mở màn trong cuộc chạy đua , cho bay thử nghiệm lần thứ tư mẫu máy bay cực siêu thanh đầu tiên của Mỹ X-51 WaveRider, được phóng đi từ dưới cánh máy bay ném bom B-52 khi phi cơ bay ở độ cao 21.000m. Trong chuyến bay thử nghiệm này, X-51 WaveRider đã bay nhanh hơn 425km, với tốc độ 6.126 km/h.

Hiện nay, Mỹ đang theo đuổi công nghệ tấn công tức thời mọi điểm trên toàn cầu theo quy ước (CPGS), nhằm “tấn công một mục tiêu ở bất cứ đâu trên trái đất trong vòng 1 giờ”. Quy ước được đưa ra từ cuối thập niên 1970. Ý tưởng này tiếp tục được mở rộng dưới thời Thổng thống Bush, từ sau sự kiện khủng bố 11/9/2001.

Ban đầu CPGS mang ý nghĩa các hoạt động chống khủng bố, nhưng không lâu sau khái niệm này được biến đổi thành hoạt động tấn công “phản hạt nhân” tức thời. “Phản hạt nhân” mang nghĩa rộng hơn và toàn diện hơn so với phản kháng, vì nó nhắm tới mọi đầu đạn hạt nhân, mọi hệ thống C4ISR (chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc tình báo và trinh sát) cũng như các cơ sở sản xuất và kho chứa”, nữ học giả phân tích.

Trung Quốc "hưởng ứng"
 
Chính quyền Obama ủng hộ việc phát triển chương trình CPGS. Tuy nhiên, đường hướng của Washington đã khiến giới chức Bắc Kinh lo ngại chương trình này nhằm vào Trung Quốc.

“Các chuyên gia Trung Quốc thường xuyên thảo luận viễn cảnh Bắc Kinh trở thành nạn nhân của Washington, một mối lo ngại chủ yếu dựa trên ưu tiên hạt nhân của Mỹ. Ưu tiên này vùng với chương trình Phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) và CPGS của Mỹ đã tạo động cơ cho Trung Quốc thúc đẩy khả năng trả đũa”, bà Ekmektsioglo nhấn mạnh.

Để giải quyết nguy cơ từ Mỹ, Trung Quốc cũng khởi động các dự án tên lửa cực siêu thanh của mình. Các vụ thử tên lửa của Trung Quốc vào tháng 1 và tháng 8/2014 thể hiện rõ rằng Bắc Kinh đã "bước vào cuộc chơi".

“Vài năm gần đây, các cuộc hội đàm được hâm nóng với chủ đề tên lửa đạn đạo đối hạm (ASBM) DF-21D, một loại đầu đạn cơ động với tầm bắn lên tới 1.500km, của Bắc Kinh đã khiến nhiều chuyên gia và quan chức chính quyền cao cấp Mỹ kinh ngạc”, Tiến sĩ Ekmektsioglo cho biết thêm.

Tên lửa đạn đạo đối hạm DF-21D của Trung Quốc. (Ảnh:

Tên lửa đạn đạo đối hạm DF-21D của Trung Quốc. (Ảnh: Wiki)

Công nghệ CPGS được xem là "kẻ thay đổi cuộc chơi" trong trận chiến truyền thống. Trên thực tế, độ chính xác và tốc độ của nó cho phép xuyên thủng hệ thống BMD của đối thủ, từ đó hỗ trợ đáng kể cho tiềm năng quân sự của Mỹ và Trung Quốc. Song mặt khác, nó cũng dẫn đến “tình trạng leo thang song phương” tại Đông Á.

Một cuộc tấn công bất ngờ và một phản ứng dữ dội sẽ “không chừa chỗ trống cho tín hiệu và ngoại giao”. Việc kiểm soát leo thang dường như chỉ là “mộng tưởng” trong môi trường khu vực đầy phức tạp của Đông Á, chuyên gia Ekmektsioglou nhận định.

“Các loại vũ khí siêu thanh sẽ càng làm phức tạp tình hình và khiến tình trạng đối đầu ngày càng leo thang. Đây là điều mà cả hai bên cần lên kế hoạch một cách cẩn trọng”, nữ học giả nhấn mạnh.

Nghi Phương
Theo Sputnik