Cực từ Trái Đất dịch chuyển nhanh về phía Nga khiến giới khoa học đau đầu
(Dân trí) - Giới nghiên cứu khoa học vẫn chưa thể tìm ra câu trả lời cho hiện tượng cực bắc từ tính của Trái Đất bất ngờ dịch chuyển về phía Nga nhanh hơn.
Kể từ năm 1831, cực từ trường phía Bắc của Trái Đất vốn dịch chuyển chậm từ vùng Bắc cực phía Canada về phía Nga, đến nay đã dịch chuyển được 2.240km. Tuy nhiên, những năm gần đây, nó bất ngờ di chuyển nhanh hơn về phía Siberia của Nga với tốc độ khoảng 55km/năm, buộc các nhà khoa học phải cập nhật sớm Mô hình từ tính Trái Đất (WMM) sử dụng cho các hệ thống định vị dân sự hay cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), quân đội Anh và Mỹ.
WMM 2020 dự báo, cực bắc từ tính của Trái Đất sẽ tiếp tục xu hướng dịch chuyển về gần phía Nga.
Cứ vài trăm nghìn năm, cực từ của Trái Đất sẽ đảo chiều một lần, khi đó, cực bắc từ tính sẽ nằm ở Nam Cực. Lần đảo chiều gần đây nhất xảy ra cách đây 770.000 năm. Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, lần đảo chiều đó mất 22.000 năm, lâu hơn so với dự đoán. Một số ý kiến cho rằng, một số lần đảo chiều có thể diễn ra nhanh hơn chỉ tương đương một đời người, song đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy giả thuyết đó là đúng.
Các nhà khoa học có thể nghiên cứu hoạt động đảo chiều của cực từ tính bằng việc phân tích các khảo sát toàn cầu về các mẫu trầm tích đại dương, dòng chảy dung nham và lõi băng ở Nam Cực. Phân tích này cho thấy từ trường Trái Đất đã suy yếu, dịch chuyển một phần ổn định và đảo chiều trong hơn 1 triệu năm.
Từ trường Trái Đất là do sự tương tác giữa lõi ngoài bằng sắt lỏng với lõi trong rắn của Trái Đất. Khi hiện tượng đảo chiều xảy ra, từ trường sẽ suy yếu và có thể ảnh hưởng đến các hệ thống định vị, vệ tinh và liên lạc.
Minh Phương
Theo CBS