1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cục diện Thái Lan trước cuộc tổng tuyển cử

(Dân trí) - Nhiều ý kiến cho rằng cuộc bầu cử quốc hội Thái Lan ngày mai là cuộc đua song mã giữa đảng của đương kim Thủ tướng Abhisit Vejjajiva và đảng do cựu Thủ tướng Thaksin kiểm soát. Nhưng có nhiều nhân tố đang tác động và có nhiều dự báo về kết quả bầu cử.

 
Cục diện Thái Lan trước cuộc tổng tuyển cử - 1

Bà Yingluck Shinawatra và đương kim Thủ tướng Abhisit Vejjajiva.
 
“Sức mạnh” của song mã

Cuộc bầu cử lần này là cuộc đua song mã giữa đảng Dân chủ của đương kim Thủ tướng Abhisit và đảng đối lập Pue Thai do cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra kiểm soát. Do đang sống lưu vong ở nước ngoài, ông Thaksin đã “đưa” em gái là bà Yingluck Shinawatra làm lãnh đạo Pue Thái ra tranh cử với ông Abhisit.

Tương quan lực lượng giữa đảng Puea Thai và đảng Dân chủ không nghiêng hẳn về một bên. Theo các cuộc thăm dò, hiện đảng Puea Thai giành được 41-43% phiếu bầu, đại đa số những người ủng hộ đảng này ở phía Bắc Thái Lan trong vùng nông thôn và người nghèo ở các thành phố lớn. Ngược lại, đảng Dân chủ giành được khoảng 37-39% phiếu bầu. Đảng này hiện giành được phần lớn phiếu ủng hộ ở miền Nam Thái Lan, đa số là thành phần có tiền, những người trong chính quyền và những công ty lớn.

Cũng có kết quả thăm dò cho rằng đảng đối lập - đảng Puea Thai - sẽ thắng cử, nhưng sẽ không nắm đủ đa số ghế để thành lập riêng một chính phủ, mà phải liên minh với các đảng nhỏ.

Nhưng đảng Dân chủ của Thủ tướng đương nhiệm Abhisit Vejjajiva lại được quân đội ủng hộ và không loại trừ khả năng tuy về thứ hai, nhưng đảng này vẫn có thể lập được chính phủ liên minh. Thái Lan ngoài hai đảng lớn ra còn có hơn 30 đảng nhỏ nên số phiếu sẽ bị phân tán. Có lẽ đảng nào được 42% phiếu bầu sẽ thắng cử nhưng cũng phải thương lượng với các đảng nhỏ để lập một chính phủ liên minh.

Cả hai đảng đều cho rằng họ sẽ tạo nên “bất ngờ vào phút chót” nhằm làm tăng cơ hội kiếm được sự ủng hộ của các cử tri, nhất là đối với trên 30% số cử tri hiện chưa quyết định bầu cho đảng nào.

Nếu không đảng nào đủ đa số ghế...

Kết quả dự báo dường như chắc chắn sẽ không có đảng nào nắm đa số ghế đủ để một mình đứng ra thành lập chính phủ mà phải liên minh với những đảng khác.

Với Pue Thai, mặc dù uy tín của Pue Thai dường như đang lên, song chưa chắc đảng này sẽ giành được một đa số rõ ràng. Chính vì thế, chắc chắn Pue Thai cần phải thành lập một liên minh để điều hành đất nước.

Mặc dù đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận, song có khả năng Pue Thai vẫn chỉ là phe đối lập trong quốc hội. Pue Thai cũng lo ngại quân đội hoặc các đồng minh có thể tạo ra cái gọi là "một cuộc đảo chính trong im lặng", một sự can thiệp thận trọng mà theo đó thuyết phục các đảng khác từ chối mọi đề nghị của Pue Thai và về phe với đảng Dân chủ.

Phong trào biểu tình của phe Áo đỏ ủng hộ Thaksin chắc chắn đang đứng đằng sau Puea Thai. Phe Áo đỏ có thể phản đối nếu Puea Thai giành được đa số phiếu bầu nhưng không thể thành lập chính phủ.

Với đảng Dân chủ, đảng này có các mối quan hệ hùng mạnh và hẳn sẽ không gặp khó khăn gì khi thành lập một liên minh nếu họ giành được đa số phiếu bầu. Điều này có nghĩa là đảng Dân chủ vẫn có thể cầm quyền nếu họ đứng thứ hai trong cuộc bỏ phiếu với một số lượng lớn ghế trong quốc hội.

Mặc dù có một số người bất mãn với các hoạt động của chính phủ do đảng Dân chủ lãnh đạo, song có thể các cử tri còn đang do dự sẽ nghiêng về Thủ tướng Abhisit Vejjajiva hơn so với một thủ tướng khác được Thaksin hậu thuẫn, người hầu như chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối rộng rãi trong quốc hội.

Theo Hiến pháp Thái Lan, đảng đứng thứ hai trong cuộc bầu cử có thể thành lập một liên minh nếu đảng thắng cử không thể làm như vậy.

Nhân tố “quân đội”

Về mặt chính thức, các lực lượng vũ trang đóng vai trò trung lập về chính trị và một số sĩ quan cấp cao khẳng định sẽ tôn trọng kết quả bầu cử. Tuy nhiên, có nhiều phân tích cho rằng sự phản đối của họ đối với Puea Thai và cựu Thủ tướng Thaksin là "rõ như ban ngày" và không loại trừ khả năng xảy ra một cuộc đảo chính nếu Puea Thai thành lập chính phủ.

Tuy nhiên, Tư lệnh Lục quân Thái Lan Prayuth Chan-ocha - nhân vật chủ chốt trong cuộc đảo chính lật đổ Thaksin và trong các chiến dịch đàn áp các cuộc nổi dậy chống chính phủ của phe Áo Đỏ vào năm 2009 và 2010 - liên tục có những tuyên bố nhấn mạnh quân đội sẽ không can thiệp vào cuộc bầu cử. Ông Prayut Chan-Ocha kêu gọi các quân nhân đứng ngoài chính trị và giữ quan điểm trung lập trong quan hệ với các lực lượng chính trị.

Theo báo chí Thái Lan, nhiều đơn vị quân sự đang ở trong tình trạng cảnh giác cao và tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận quân sự. Cơ quan an ninh Thái Lan không loại trừ tình hình chính trị trong nước xấu đi ngay sau khi kết thúc cuộc bỏ phiếu.

Nhân tố “nữ”

Chính trường Thái Lan thường do nam giới chi phối, với 18 cuộc đảo chính và 23 chính phủ quân sự kể từ năm 1932 đến nay. Phụ nữ chỉ chiếm không quá 15% tổng số ứng cử viên và hầu như chưa bao giờ có quyền lực thực sự. Nhưng năm nay lại khác - Yingluck Shinawatra, 43 tuổi, em gái út của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, đang nổi lên dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận và có thể trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan.

Bà Yingluck mới được anh trai mình "tuyển dụng" để đứng đầu đảng Puea Thai ủng hộ Thaksin. Tuy nhiên, sức hấp dẫn cá nhân của bà Yingluck dường như đã thuyết phục được cử tri. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự ủng hộ đối với đảng Puea Thai tiếp tục tăng lên vì dân chúng dường như muốn trao cho bà Yingluck cơ hội trở thành nữ thủ tướng đầu tiên.

Tuy nhiên bà Yingluck có dễ trở thành thủ tướng mới hay không vẫn là một câu hỏi lớn đặt ra.

Để lên nắm quyền, đảng Puea Thai và bà Yingluck trước hết cần đảm bảo các chính đảng khác hợp tác với Puea Thai sau khi đảng này giành nhiều ghế nhất nhưng không quá bán trong Hạ viện gồm 500 ghế. Tiếp theo, Puea Thai và bà Yingluck sẽ phải giải quyết “các nhân tố bên ngoài”. Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã nhận ra rằng đối với đảng Puea Thai, con đường tới Tòa nhà Chính phủ không trải đầy hoa hồng.

Nhân tố Thaksin

Một trong những hứa hẹn quan trọng của đảng Puea Thai trong chiến dịch tranh cử là tuyên bố ân xá cho các nhà chính trị bị bắt kể từ cuộc đảo chính năm 2006, mở đường cho sự trở lại của Thaksin, người đã hứa hẹn với những người ủng hộ rằng ông ta sẽ trở lại Thái Lan vào tháng 12 để dự đám cưới của con gái ông.

“Điều đó cho thấy cuộc bầu cử ngày 3/7 không phải là cuộc chạy đua chính sách mà thực chất là một cuộc trưng cầu dân ý đối với ông Thaksin, cựu Thủ tướng bị lật đổ bằng đảo chính quân sự và sống lưu vong ở nước ngoài suốt 5 năm qua”, một nhà phân tích trong nước nói.

Nhiều người Thái đặt câu hỏi liệu quân đội và các lực lượng chống Thaksin, vốn cương quyết ngăn chặn Thaksin trở về, có sẵn lòng chấp nhận một thắng lợi của bà Yingluck hay sẽ thúc đẩy một cuộc đảo chính nữa nếu ông Abhisit thất cử sau 30 tháng nắm quyền?

Dư luận trong và ngoài nước

Trong những ngày gần đây, giới đầu tư cũng như các cơ quan nghiên cứu và phân tích nước ngoài hết sức quan tâm về triển vọng của Thái Lan sau bầu cử.

Về mặt kinh tế, hiện còn quá sớm để hy vọng có những thay đổi vì chính sách tranh cử của hai đảng lớn nhất không có sự khác biệt đáng kể. Về chính trị, hiện chưa thể dự báo tình hình một cách sát thực vì còn phụ thuộc vào kết quả bầu cử và vào việc đảng nào sẽ lãnh đạo chính phủ mới.

Bất chấp xung đột chính trị kéo dài hơn 6 năm qua và nhiều tác động bất lợi từ bên ngoài, nhưng Thái Lan vẫn duy trì đà tăng trưởng kinh tế tương đối mạnh mẽ. Xung đột chính trị và xã hội hiện nay dường như sẽ không ảnh hưởng đến ngành du lịch vì bằng chứng là lượng khách du lịch đến Thái Lan năm ngoái vẫn duy trì mức kỷ lục trên 16 triệu du khách.

Mặc dù cuộc chạy đua quyết liệt giữa các chính đảng trước thềm tổng tuyển cử ngày 3/7 khiến triển vọng chính trị Thái Lan trở nên khó dự báo, nhưng trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, Thái Lan vẫn là một điểm đến hấp dẫn và nhiều tập đoàn đa quốc gia vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Thái Lan. Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) nhìn nhận kinh tế và chính trị là hai vấn đề tách biệt tại Thái Lan nên tổng tuyển cử ít tác động tới môi trường đầu tư và kinh doanh.

Báo chí trong nước thì cho rằng Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajjiva có lý do để lo ngại về tình trạng rối loạn chính trị hậu bầu cử, nhưng rõ ràng cuộc bầu cử ngày 3/7 sẽ là một bước ngoặt quan trọng đối với Thái Lan, quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á.

Nguyễn Viết