1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cú sốc khiến đế chế kinh doanh chao đảo, tỷ phú Jack Ma chọn sống ẩn dật

Minh Phương

(Dân trí) - Giữa lúc đế chế kinh doanh của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma không ngừng mở rộng ảnh hưởng, loạt biến cố xảy đến khiến đế chế này phải tái cơ cấu và Jack Ma chọn cách sống ẩn dật.

Cú sốc khiến đế chế kinh doanh chao đảo, tỷ phú Jack Ma chọn sống ẩn dật - 1

Tỷ phú Jack Ma (Ảnh: Reuters).

Cách đây một năm, Jack Ma, nhà sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, vẫn là người giàu nhất Trung Quốc. "Cha đẻ" của Alibaba và Ant Group đã lập ra một đế chế kinh doanh tầm cỡ "siêu cường" ở khu vực tư nhân, sánh ngang với những "người khổng lồ" ở phương Tây. Chỉ riêng giá trị thị trường của Alibaba lớn hơn bất cứ công ty nào của Mỹ, trừ Apple, Amazon và Google.

Tuy vậy, biến cố vào cuối năm ngoái đã khiến tài sản của Jack Ma giảm mạnh, đế chế kinh doanh bị chấn chỉnh.

Cú sốc IPO

Thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của công ty tài chính Ant Group của Jack Ma trị giá 37 tỷ USD được kỳ vọng ra một kỷ lục thế giới vào tháng 10 năm ngoái. Jack Ma khi đó gọi thương vụ chào bán cổ phiếu của Ant Group là "thương vụ IPO lớn nhất lịch sử loài người và lần đầu tiên diễn ra ở một thành phố khác ngoài New York".

Tuy nhiên, thương vụ này bất ngờ bị cơ quan quản lý Trung Quốc "tuýt còi" vào phút chót.

Cú sốc khiến đế chế kinh doanh chao đảo, tỷ phú Jack Ma chọn sống ẩn dật - 2

Thương vụ IPO khủng của Ant Group do Jack Ma thành lập bị đình chỉ vào phút chót (Ảnh: Getty).

Công ty bị "chia 5, sẻ 10"

Sau cú sốc IPO, Ant Group bị buộc tái cơ cấu. Mảng tài chính tiêu dùng của công ty này phải tái cơ cấu với các "đối tác mới". Ngân hàng trung ương Trung Quốc yêu cầu Ant Group lập ra một công ty tài chính độc lập hoạt động dựa theo các yêu cầu về vốn tương tự các ngân hàng. Điều này tạo điều kiện cho các ngân hàng quốc doanh lớn hoặc các định chế khác do chính phủ quản lý thâu tóm công ty.

Các tài sản quý giá nhất của Ant Group cũng rơi vào "tầm ngắm", trong đó có dữ liệu từ hàng tỷ giao dịch tiêu dùng mà công ty này đã xử lý. Việc phân tích kho dữ liệu này vốn được coi là nền tảng cạnh tranh của Ant Group so với các ngân hàng truyền thống trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.

Tất nhiên, nó cũng không tránh được mệnh lệnh "phải chấn chỉnh". Ngân hàng trung ương Trung Quốc đề nghị Ant Group phá bỏ "độc quyền thông tin" với kho dữ liệu tài chính tiêu dùng mà công ty này thu thập được.

Vô hiệu hóa quỹ thị trường tiền tệ của Ant Group

Quỹ thị trường tiền tệ của Ant Group có thể coi là câu chuyện thành công bùng nổ nhất. Chỉ trong vòng 4 năm, quỹ này đã trở thành quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất thế giới, vượt cả những người khổng lồ của Mỹ như Fidelity và JP Morgan. Quỹ được lập ra bằng việc chào mời người tiêu dùng Trung Quốc giữ tiền nhàn rỗi trong các tài khoản này.

Tuy nhiên, kể từ khi rơi vào "tầm ngắm", quy mô quỹ thị trường tiền tệ của Ant Group bị thu hẹp xuống mức thấp nhất hơn 4 năm do người tiêu dùng ồ ạt rút tiền khỏi quỹ này vì lo ngại rủi ro từ việc Trung Quốc điều tra đế chế kinh doanh của Jack Ma.

Án phạt kỷ lục

Cú sốc khiến đế chế kinh doanh chao đảo, tỷ phú Jack Ma chọn sống ẩn dật - 3

Alibaba vào "tầm ngắm" của cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc từ cuối năm ngoái (Ảnh: Reuters).

Hồi tháng 4 năm nay, cơ quan quản lý của Trung Quốc đã áp mức phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD với Alibaba với cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền. Một lần nữa, công ty của Jack Ma bị yêu cầu phải "chấn chính" và "thu hẹp kinh doanh".

Án phạt tuy có phần nhẹ hơn so với dự đoán của Alibaba nhưng điều khiến giới lãnh đạo của đế chế kinh doanh này lo ngại đó là liệu sóng gió đã qua hay chưa. Ngoài vấn đề độc quyền, Bắc Kinh được cho là đang siết chặt quản lý đối với các mảng kinh doanh khác trong đế chế của tỷ phú Jack Ma, trong đó có cho vay tiêu dùng và kinh doanh truyền thông.

Các hình phạt khác

Ngoài những án phạt gây "sốc", giới chức trách Trung Quốc cũng áp đặt các hình phạt nhỏ song cũng ít nhiều tác động đến đế chế của Jack Ma. UC Brower, trình duyệt của Alibaba đứng thứ hai thị trường Trung Quốc với hơn 400 triệu người dùng, đã bị xóa khỏi các cửa hàng ứng dụng của hầu hết các công ty di động và internet hồi tháng 3 năm nay.

Đến tháng 4, cơ quan chức năng Trung Quốc tiếp tục thông báo tiến hành điều tra các giao dịch của Ant Group với sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải để xem xét cách thức một loạt các quỹ nhà nước và các công ty bảo hiểm nhà nước lớn đã đầu tư vào Ant Group.

Đóng cửa Đại học Hupan

Hồi tháng 4 năm nay, Jack Ma bị miễn nhiệm chức hiệu trưởng Đại học Hupan, một ngôi trường được tỷ phú này lập ra năm 2015 ở thành phố Hàng Châu. Hupan được thành lập với nhiều tham vọng táo bạo, hứa hẹn một phương thức tiếp cận mới cho giáo dục kinh doanh. Đại học Hupan nhanh chóng trở thành một trong những trường kinh doanh uy tín nhất Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong một động thái được cho là nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng của Jack Ma, Trung Quốc đã yêu cầu Hupan ngừng tuyển sinh từ tháng 4 năm nay.

Huarong

Truyền thông Trung Quốc mới đây đưa tin, cơ quan quản lý ở nước này đã chấp thuận để Ant Group lập một công ty tài chính mới, công ty này sẽ điều hành mảng lợi nhuận nhất của Ant Group là cho vay tiêu dùng. Ant Group sẽ đóng góp vốn 155 tỷ USD, nhưng chỉ được nắm 50% cổ phần của công ty mới có tên gọi Công ty Tài chính Tiêu dùng Ant Trùng Khánh. 50% cổ phần còn lại sẽ chuyển cho một số "đối tác mới" không cần góp vốn. Các đối tác này gồm một công ty pin, một nhà sản xuất thiết bị video giám sát và Huarong - công ty quản lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc.

Sau những biến cố với công việc kinh doanh, nhà sáng lập Alibaba, tỷ phú Jack Ma, ít xuất hiện trước công chúng hơn. Trả lời phỏng vấn CNBC ngày 15/6, đồng sáng lập tập đoàn Alibaba Joe Tsai cho biết, hiện tại tỷ phú Jack Ma vẫn khỏe mạnh và sống một cuộc sống bình thường.

Ông Tsai cho biết tỷ phú Jack ma đã từ chức chủ tịch hội đồng và giám đốc điều hành tại Alibaba cách đây 2 năm và hiện giờ tập trung vào các hoạt động sở trường và làm từ thiện.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm