DMagazine

Covid-19 càn quét châu Á, các "hình mẫu chống dịch" lao đao

(Dân trí) - Từ những hình mẫu chống dịch, một số quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á đang phải vật lộn với làn sóng Covid-19 mới khi các biến chủng hoành hành.

Covid-19 càn quét châu Á, các "hình mẫu chống dịch" lao đao

Từ những hình mẫu chống dịch, một số quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á đang phải vật lộn với làn sóng Covid-19 mới khi các biến chủng hoành hành.

Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á - Thái Bình Dương đang phải trải qua những kịch bản tương tự nhau trong cuộc chiến ứng phó đại dịch Covid-19. Năm 2020, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực được gọi là "hình mẫu chống dịch" nhờ ý chí chính trị và sự kỷ luật ngay cả khi nguồn lực hạn chế hơn nhiều so với các nước phương Tây giàu có.

Một năm sau khi được đánh giá kiểm soát thành công dịch bệnh, những hình mẫu chống dịch này giờ đây đang lao đao vì sự càn quét của các biến chủng virus mới, tâm lý lạc quan quá sớm và sự chậm trễ trong chiến dịch tiêm chủng.

Lạc quan quá sớm

Covid-19 càn quét châu Á, các hình mẫu chống dịch lao đao - 1

Lễ hội Kumbh Mela được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến Covid-19 bùng phát mạnh ở Ấn Độ từ tháng 4 (Ảnh: Getty).

Đến tận đầu tháng 3 năm nay, Ấn Độ vẫn có lý do để lạc quan về thành tích chống dịch của mình khi số ca nhiễm Covid-19 ở quốc gia tỷ dân giảm từ 97.000 ca mới/ngày xuống còn chưa đầy 15.000 ca/ngày. Bộ trưởng Y tế Harsh Vardhan khi đó còn tự tin tuyên bố: "Chúng ta sắp đẩy lùi được dịch bệnh". Một số chuyên gia tin Ấn Độ sắp đạt được miễn dịch cộng đồng.

Tuy nhiên, khi đối phó với loại virus liên tục đột biến khôn lường, sự lạc quan quá mức có thể coi như con dao hai lưỡi. Không lâu sau tuyên bố của ông Vardhan, số ca nhiễm ở Ấn Độ đã vượt mốc 400.000 ca/ngày và khoảng 4.000 ca tử vong/ngày. Tính đến ngày 7/5, Ấn Độ có hơn 30,6 triệu ca mắc, trong đó hơn 400.000 người đã tử vong.

Làn sóng Covid-19 chết chóc này của Ấn Độ được cho là do biến chủng Delta, biến chủng đã xuất hiện ở gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, có khả năng lây lan cao hơn và làm tăng nguy cơ nhập viện ở người bệnh. Sự lạc quan quá sớm đã tạo điều kiện cho Delta bùng nổ ở Ấn Độ khi giới chức một số bang của Ấn Độ cho phép tổ chức các cuộc vận động chính trị, các lễ hội tôn giáo quy mô lớn, biến chúng trở thành những sự kiện siêu lây nhiễm.

"Virus biến đổi, hành vi của con người cùng thay đổi, bắt đầu tụ tập ở những nơi đông người, không bận tâm nhiều đến giãn cách xã hội hay đeo khẩu trang, các nhà làm chính sách cũng thay đổi hành vi, tin rằng dịch bệnh đã qua và cho phép các cuộc vận động chính trị và sự kiện tôn giáo", Rajinder K. Dhamija, chuyên gia tại Trường Y Lady Hardinge ở New Delhi, nhận định.

Chỉ trong vòng một tháng, làn sóng Covid-19 mới khiến hệ thống y tế của Ấn Độ chao đảo, các bệnh viện quá tải, nguồn ôxy cạn kiệt, các nhà hỏa táng cũng quá tải.

Thái Lan và cái giá của sự đánh đổi

Covid-19 càn quét châu Á, các hình mẫu chống dịch lao đao - 2

Thái Lan tìm cách đẩy nhanh chương trình tiêm chủng để đối phó làn sóng Covid-19 mới (Ảnh: Reuters).

Thái Lan từng là một hình mẫu chống dịch hồi năm ngoái với sự quyết liệt của quân đội trong việc kiểm soát biên giới và các khu cách ly. Tuy nhiên, điều này cũng gây sức ép lên nền kinh tế của Thái Lan. GDP của Thái Lan giảm 6,1% trong năm 2020.

Việc vội vã mở cửa kinh tế trở lại trong bối cảnh biến chủng nguy hiểm lây lan khiến số ca mắc mới và tử vong vì Covid-19 ở Thái Lan liên tiếp lập kỷ lục thời gian gần đây. Trong ngày 5/7, Thái Lan có thêm gần 6.200 ca mắc mới, gần tương đương số ca mắc của cả năm 2020.

Bất chấp tỷ lệ tử vong cao chưa từng có trong tháng 6, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha vẫn lạc quan tuyên bố Thái Lan sẽ mở cửa hoàn toàn vào tháng 10. Phuket được coi là phép thử cho kế hoạch mở cửa của Thái Lan khi thiên đường du lịch này chính thức mở cửa trở lại đón du khách quốc tế từ ngày 1/7.

Sự lạc quan của Thủ tướng Prayuth xuất phát từ các đơn đặt hàng vắc xin và hy vọng đến tháng 10 tới mỗi người dân Thái Lan được tiêm chủng ít nhất một liều vắc xin. Tuy vậy, tốc độ chương trình tiêm chủng của Thái Lan vẫn khá chậm chạp, khi nước này mới chỉ phân phối khoảng 10,7 triệu liều cho tổng số gần 70 triệu dân.

"Ngay từ đầu đã nảy sinh các vấn đề trong chương trình tiêm chủng. Nhiều bác sĩ không muốn liều lĩnh ký vào giấy cấp phép sử dụng vắc xin", một nhà quan sát nhận định.

Thành bại của chương trình tiêm chủng của Thái Lan phụ thuộc lớn vào Siam Bioscience, một doanh nghiệp nắm bản quyền sản xuất vắc xin AstraZeneca ở nước này.

Siam Bioscience đặt mục tiêu sản xuất 10 triệu liều vắc xin mỗi tháng cho Thái Lan, nhưng thực tế, họ mới chỉ cung cấp được gần 5,4 triệu liều trong nước, và dự kiến cũng không vượt quá 6 triệu liều trong tháng 7, chưa kể họ phải đảm bảo việc xuất khẩu vắc xin cho các nước khác theo cam kết với AstraZeneca.

Sai lầm từ chính sách cách ly ở Đài Loan

Covid-19 càn quét châu Á, các hình mẫu chống dịch lao đao - 3

Đợt dịch mới ở Đài Loan được cho là một phần do sai lầm trong thay đổi chính sách cách ly (Ảnh: Reuters).

Trước khi đợt dịch mới bùng phát từ giữa tháng 5, Đài Loan mới chỉ ghi nhận tổng cộng khoảng 1.000 ca mắc Covid-19, chủ yếu là các ca ngoài cộng đồng. Chỉ sau một tháng, con số này đã vượt 14.000 ca.

Một trong các ổ dịch lớn bắt nguồn từ các phi công cách ly ở một khách sạn sau đó lây lan cho nhân viên khách sạn và gia đình họ. Chính quyền Đài Loan bị chỉ trích vì rút ngắn thời gian cách ly bắt buộc với phi công chưa tiêm chủng từ 5 ngày xuống còn 3 ngày vào giữa tháng 4.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Đài Loan cũng cho rằng, bây giờ là lúc hòn đảo cần cải thiện hệ thống phòng dịch nội địa, xét nghiệm diện rộng để phát hiện những ca không triệu chứng.

Yang Sen Hong, một chuyên gia y tế tại Đài Loan, cho rằng chiến lược kiểm soát dịch của hòn đảo tương đối thành công nhưng do một số người không tuân thủ quy định, trong đó có nhân viên khách sạn, sân bay và một số người dân không trung thực khai báo y tế.

Hệ thống y tế Campuchia bị đẩy đến giới hạn

Covid-19 càn quét châu Á, các hình mẫu chống dịch lao đao - 4

Đợt dịch mới đẩy hệ thống y tế Campuchia đến "ranh giới đỏ" (Ảnh: Reuters).

Giống Đài Loan và Thái Lan, Campuchia cũng gặp phải khó khăn trong việc truy vết trong đợt bùng phát dịch mới. Trước khi đợt dịch mới bùng lên từ cuối tháng 2, Campuchia chỉ ghi nhận chưa đến 500 ca/ngày và không có ca tử vong. Sự xuất hiện của các ổ dịch nhỏ đã khiến tình hình thay đổi nhanh chóng.

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn từ cuối tháng 2 đến nay, Campuchia ghi nhận hơn 750 ca tử vong vì Covid-19, phát hiện hơn 55.000 ca nhiễm mới liên quan đến các chợ, xưởng may, trại giam. Một quan chức y tế của Campuchia mới đây cảnh báo, Campuchia đang tiến gần đến "ranh giới đỏ". Khi số ca nhiễm tăng mạnh, hệ thống y tế của Campuchia nhanh chóng bị đẩy đến giới hạn. Chính phủ buộc phải chuyển đổi một trung tâm tiệc cưới lớn thành một bệnh viện dã chiến 1.800 giường. Nhiều bệnh viện khác được đề nghị tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19.

Michael Thigpen, chuyên gia y tế của Mỹ làm việc tại Phnom Penh, cho biết nguyên nhân chính khiến Campuchia không thể nhanh chóng dập dịch là biến chủng Delta dễ lây lan hơn 75% so với các chủng trước đó. Theo ông, việc quyết liệt truy vết và xét nghiệm đã giúp Campuchia tránh được một đợt bùng nổ dịch, nhưng tình hình vẫn rất căng thẳng, đặc biệt là khi ngày càng nhiều ca mắc mới xuất hiện bên ngoài các thành phố lớn, nơi có nguồn lực và hệ thống kiểm soát dịch còn hạn chế.

Nhật Bản vội vã nới lỏng hạn chế

Covid-19 càn quét châu Á, các hình mẫu chống dịch lao đao - 5

Nhật Bản được cho là quá vội vã nới lỏng các biện pháp hạn chế (Ảnh: Reuters).

Ban đầu, Nhật Bản cũng được xem là kiểm soát thành công đại dịch thông qua truy vết tiếp xúc, nhưng đến nửa sau năm 2020, tình hình bắt đầu diễn biến xấu đi hơn khi chính phủ tung ra các chiến dịch thúc đẩy du lịch nội địa.

Tokyo đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 3 và tiếp tục từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 6. Giáo sư Koji Wada của Đại học Y tế và Phúc lợi Quốc tế, cho rằng chính phủ Nhật Bản đã nới lỏng các biện pháp hạn chế quá sớm khi dịch chưa thực sự được kiểm soát. Cũng theo chuyên gia này, Nhật Bản không có một chiến lược rõ ràng mà chỉ đơn thuần ứng phó với các sự kiện.