1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Covid-19, vắc xin và những câu hỏi chưa có lời giải

An Bình

(Dân trí) - Hiện không có bằng chứng cho thấy bất kỳ loại vắc xin Covid-19 hiện thời nào có thể ngăn chặn hoàn hoàn các ca lây nhiễm và thực tế này tác động tới triển vọng đạt được miễn dịch cộng đồng.

Covid-19, vắc xin và những câu hỏi chưa có lời giải - 1

Nhân viên y tế đến tận nhà tiêm phòng Covid-19 cho người dân tại Manacapuru, bang Amazonas, Brazil (Ảnh: Reuters)

Vào ngày 17/6/2009, một bé trai 11 tuổi từ Anh trở về Mỹ và vô tình theo một bệnh lạ trong người. Sau đó, trong khi đang tham gia một chương trình giáo dục tôn giáo tại quận Sulliva, bang New York (Mỹ), cậu bé bị có biểu hiện sưng má một cách bí ẩn. Cậu bé bị quai bị, một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp lây lan khi tiếp xúc với các giọt nhỏ trong không khí.

Trong khi đó, khóa học vẫn tiếp diễn. Mỗi ngày, khoảng 400 học sinh đã tham gia các hoạt động có tiếp xúc trực tiếp. Khi chương trình kết thúc, 22 trẻ em đã bị lây bệnh, cùng 3 người lớn.

Khi các học sinh trở về nhà, vi rút đã lây lan ra nhiều địa điểm khác nhau. Dịch bệnh đã kéo dài suốt 1 năm và khiến ít nhất 3.500 người mắc bệnh.

Khi các nhà khoa học phân tích những gì đã xảy ra, họ thấy rằng khóa học với nhiều hoạt động tiếp xúc trực tiếp trên đã vô tình tạo điều kiện cho vi rút lây lan mạnh. Và điều bất ngờ nhất trong trường hợp này là bệnh nhân siêu lây nhiễm đã được tiêm vắc xin MMR (phòng sởi - quai bị - rubella) đầy đủ. Mặc dù có khả năng cậu bé đã có sự miễn dịch nào đó - giống những đứa trẻ khác được tiêm vắc xin - nhưng cậu vẫn có các triệu chứng tương đối nhẹ và không có biến chứng, nhưng vẫn có thể mang vi rút và lây nhiễm cho người khác.

Trên thực tế, hầu hết các loại vắc xin không bảo vệ hoàn toàn khỏi sự lây nhiễm, ngay cả khi chúng có thể ngăn chặn các triệu chứng xuất hiện. Do đó, những người được tiêm vắc xin có thể không biết rằng họ vẫn mang và lây nhiễm các mầm bệnh. Đôi khi, đại dịch có thể bắt đầu từ đó.

Hai hình thức miễn dịch

Có 2 dạng miễn dịch cơ bản có thể đạt được thông qua tiêm chủng. Một dạng được gọi là "miễn dịch hiệu quả", có thể ngăn mầm bệnh làm bệnh tình trở nên nặng hơn, nhưng không ngăn được vi rút vào cơ thể hoặc sản sinh các bản sao của chính nó. Dạng còn lại được gọi là "miễn dịch tiệt trùng", có thể ngăn chặn hoàn toàn sự lây nhiễm và thậm chí ngăn ngừa các trường hợp không có triệu chứng. Dạng thứ 2 này là mong muốn của tất cả các nghiên cứu vắc xin, nhưng điều bất ngờ là rất hiếm khi đạt được.

Lấy ví dụ đối với bệnh viêm màng não. Đối với bệnh do vi khuẩn não mô cầu gây ra, hiện có nhiều loại vắc xin cho hàng chục biến thể khác nhau. Ba loại vắc xin được tiêm tại Mỹ - MCV4, MPSV4 và MenB - có thể đề phòng 85-90% các ca bệnh. Tuy nhiên, một số vắc xin đã cho thấy vẫn cho phép mọi người "mang" vi rút liên quan.

Vi rút có thể ẩn trong mũi hoặc phía sau cổ họng, từ đó chúng có thể lây nhiễm cho người khác thông qua hắt hơi, ho, hôn, dùng chung thuốc lá hoặc đồ dùng. Một nghiên cứu đối với các sinh viên đại học ở Anh cho thấy vắc xin không hiệu quả đối với nhóm người có mầm bệnh 4 tuần sau đó.

Covid-19, vắc xin và những câu hỏi chưa có lời giải - 2

Vẫn còn những bí ẩn về căn bệnh Covid-19 mà giới khoa học chưa biết tới (Ảnh minh họa: Getty)

"Miễn dịch tiệt trùng" hoạt động thế nào?

Trong khi "miễn dịch hiệu quả" thường đạt được bằng sự kết hợp của các tế bào bạch cầu cùng với các kháng thể, "miễn dịch tiệt trùng" thường chỉ đạt được nhờ các kháng thể. Cụ thể, nó dựa vào các kháng thể trung hòa, vốn bảo vệ cơ thể khỏi mầm bệnh bằng cách bám vào bề mặt bên ngoài của mầm bệnh và ngăn chúng tương tác với các "mục tiêu" như các tế bào ở mũi, cổ họng hoặc phổi.

Trong trường hợp của Covid-19, các kháng thể trung hòa nhận dạng vi rút đã bám vào protein gai trên bề mặt mà nó sử dụng để xâm nhập vào các tế bào. Để đạt được "miễn dịch tiệt trùng", các vắc xin phải kích thích đủ các kháng thể này để "tóm" bất kỳ vi rút nào xâm nhập vào cơ thể và triệt tiêu chúng ngay lập tức.

Vắc xin Covid-19 tạo ra loại miễn dịch nào?

"Tóm lại là chúng ta chưa biết, vì chúng quá mới", Keith Neal, giáo sư về về dịch tễ học tại Đại học Nottingham (Anh), nói.

Cho tới nay, các vắc xin Covid-19 hiện có chưa được đánh giá cơ bản dựa trên khả năng đề phòng sự lây nhiễm. Thay vào đó, tính hiệu quả của vắc xin đang được đánh giá bằng việc liệu chúng có thể ngăn chặn các triệu chứng phát triển.

"Điều đó có nghĩa là chúng ta đặt các mục tiêu một cách thực dụng", Danny Altmann, giáo sư về miễn dịch học tại Đại học Hoàng gia London, nhận định.

Các nhà khoa học đã biết rằng các kháng thể mà con người có được sau khi bị mắc Covid-19 không hoàn toàn ngăn họ tránh được nguy cơ tái nhiễm. Một nghiên cứu đối với các nhân viên y tế Anh cho thấy 17% những người tham gia đã có kháng thể khi cuộc nghiên cứu bắt đầu - được cho là từ lần bị nhiễm đầu tiên - vẫn bị nhiễm vi rút lần thứ 2. Khoảng 66% các trường hợp này không có triệu chứng, và không cần phải có triệu chứng mới có nguy cơ truyền vi rút cho người khác.

"Đối một loại vi rút như thế này, tôi nghĩ rằng chúng ta đang yêu cầu quá cao từ vắc xin. Thật sự rất, rất khó, giáo sư Altmann nói.

Nhưng may mắn, đây chưa phải là phần kết của câu chuyện.

Đã có một số bằng chứng sớm cho thấy một số loại vắc xin hiện nay có khả năng giảm sự lây nhiễm, dù không thể loại bỏ hoàn toàn. Một cách vắc xin có thể làm như vậy là giảm số lượng các phần tử vi rút trong cơ thể người.

"Nếu các vắc xin khiến mọi người ít mắc bệnh hơn, vi rút cũng ít hơn và do đó sẽ ít lây nhiễm hơn. Nhưng đó chỉ là lý thuyết", giáo sư Neal nói.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, rất khó chứng minh khả năng "miễn dịch tiệt trùng".

Do hầu hết các cuộc thử nghiệm lâm sàng không kiểm tra liệu vắc xin có ngăn chặn sự lây nhiễm hay không, các nhà khoa học đang xem xét liệu chúng có tác động như thế đối với tỷ lệ lây nhiễm tại những nơi vắc xin đang được phân phối rộng rãi. Tại Anh, mọi người có thể kỳ vọng rằng các vụ bùng phát tại các nhà dưỡng lão - nơi việc tiêm vắc xin đang được ưu tiên - sẽ xảy ra ít hơn nếu vắc xin có hiệu quả.

Nhưng đây là vấn đề. "Có hai yếu tố. Chúng ta các vụ phong tỏa và vắc xin. Rất khó để tách hai vấn đề đó ra. Vắc xin hay phong tỏa, hay cả hai?", giáo sư Neal nói.

Hiện thế giới có 3 loại vắc xin Covid-19 đang được nhiều nước tiến hành tiêm chủng  là AstraZeneca (Anh), Pfizer-BioNTech (Mỹ-Đức), Moderna (Mỹ).

Covid-19, vắc xin và những câu hỏi chưa có lời giải - 3

Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,2 triệu người trên khắp thế giới chỉ trong hơn 1 năm qua (Ảnh: Reuters)

Mơ hồ về miễn dịch cộng đồng 

Không may là, khả năng của các vắc xin nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm không chỉ tác động tới việc các quy định giãn cách xã hội kéo dài bao lâu, mà còn có ảnh hưởng tới sự miễn dịch cộng đồng.

"Nếu các vắc xin không thể ngăn chặn hoàn toàn sự lây nhiễm, điều đó sẽ làm gia tăng số người cần vắc xin để để thực sự vượt qua ngưỡng miễn dịch cộng đồng và giảm số lượng các ca nhiễm xuống mức gần như bằng không", Michael Head, một nhà nghiên cứu cấp cao về y tế toàn cầu tại Đại học Southampton (Anh), nói.

Ông Head giải thích rằng, hiện vẫn chưa rõ ngưỡng miễn dịch cộng đồng là bao nhiêu, vì chưa đạt được thông qua lây nhiễm tự nhiên hoặc thông qua tiêm chủng.

Miễn dịch cộng đồng là sự bảo vệ gián tiếp khỏi các bệnh truyền nhiễm mà quần thể mắc phải khi có đủ số người được miễn dịch. Tỷ lệ cần thiết để đạt được nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như sự sinh sôi của số lượng vi rút hay nói cách khác là số người bị nhiễm ở mỗi loại biến thể - mà bản thân mỗi biến thể lại khác nhau. Một số yếu tố có thể ảnh hưởng tới điều đó như địa điểm, biến thể liên quan, các điều kiện trên thực địa như các lệnh phong tỏa.

Điều đó có nghĩa là, dù các nhà khoa học biết thêm nhiều thông tin khác, sẽ không có ngưỡng cụ thể nào để đạt được miễn dịch cộng đồng mà có hiệu quả ở tất cả mọi nơi, mà chỉ có thể ước lượng.

Ví dụ, một tính toán cho thấy đối với một loại vắc xin có khả năng loại bỏ hoàn toàn sự lây nhiễm, cần có 60-72% dân số được tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng hoàn toàn. Nếu tính hiệu quả của vắc xin là 80%, ước tính cần từ 75-90% người dân phải được tiêm chủng.

Con số đó cao hơn các tham vọng vắc xin của nhiều nước. Anh đang đặt mục tiêu tiêm chủng cho tất cả người trưởng thành vào tháng 9 tới, tương đương 51-67,5 triệu người, tức là khoảng 75% dân số. Điều đó có nghĩa là tất cả tất cả người lớn đều phải tiêm chủng.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà khoa học không kỳ vọng có thể loại bỏ hoàn toàn vi rút SARS-coV-2. Hiện tại, mục tiêu là giảm sự lây nhiễm nhiều nhất có thể.

"Thậm chí dù có vắc xin, vẫn có rất nhiều người còn hoài nghi", nhà nghiên cứu Head nói. "Vì thế, chúng ta sẽ vẫn nhìn thấy các đợt bùng phát. Tôi nghĩ, các vụ bùng phát sẽ xảy ra cục bộ, nhưng vẫn gây lo ngại và vẫn gây ra gánh nặng dịch bệnh".

Một số nhà khoa học lập luận rằng, việc nhấn mạnh vào khả năng của vắc xin nhằm ngăn ngừa sự lây nhiễm là không phù hợp, vì một khi có đủ số người được tiêm chủng thì sẽ không có vấn đề gì nếu họ vẫn có thể lây lan vi rút - vì mọi người đều có miễn dịch.

Tuy nhiên, vẫn có khó khăn đối với những người không thể tiêm chủng, ví dụ như người đang mang thai, quá nhỏ tuổi hoặc không khỏe mạnh.

Cho tới khi thế giới có câu trả lời rõ ràng, có lẽ tất cả mọi người nên ghi nhớ câu chuyện của cậu bé 11 tuổi bị quai bị - và hành xử cẩn trọng như thể chưa được tiêm phòng, thậm chí ngay cả khi đã được tiêm.