1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Covid-19 dễ đẩy 60 triệu người ở Đông Á vào tình trạng nghèo đói cùng cực

(Dân trí) - Tình hình hiện tại ảm đạm cho hơn 36 triệu người ở Đông Nam Á đang sống trong nghèo đói cùng cực. Sự thiếu hụt 20% thu nhập do cuộc khủng hoảng hiện tại có thể đẩy 60 triệu người vào tình trạng này…

Đây là những con số cảnh báo do Giám đốc khu vực của tổ chức Oxfam tại châu Á Lan Mercado đưa ra mới đây để kêu gọi một ASEAN thống nhất trong hành động ứng phó với Covid-19.

Bản báo cáo của bà Lan Mercado cập nhất rất nhiều con số đáng quan ngại.

Covid-19 dễ đẩy 60 triệu người ở Đông Á vào tình trạng nghèo đói cùng cực - 1
Bà Lan Mercado - Giám đốc khu vực của Oxfam Châu Á là một chuyên gia về phát triển với hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực này.

Số ca nhiễm Covid-19 trong khu vực ASEAN đã vượt qua con số 10.000 vào đầu tuần này. Với tình hình số ca nhiễm tiếp tục tăng từng ngày, cộng đồng ASEAN với gần 650 triệu dân đang chứng kiến số ca nhiễm tăng lên hàng ngày. Cuộc sống của người dân và nền kinh tế của cả khối ASEAN đang phải hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề ngày một gia tăng.

Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN (Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc - PV) cuối tháng 2 đã kêu gọi “một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” trong việc ứng phó với dịch Covid-19. Tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động cùng nhau để ASEAN có thể vượt qua cuộc khủng hoảng này thành công.

Indonesia cũng đang kêu gọi một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt cấp khu vực về chiến lược ứng phó với Covid-19. Công việc cấp thiết hiện nay là phải đưa ra được một kế hoạch rõ ràng và nhanh chóng, nhằm giải quyết các nhu cầu về sức khỏe, nhân đạo, xã hội và kinh tế của người dân ASEAN, phù hợp với phương châm “nỗ lực tập thể trong việc hạn chế sự lây lan của dịch bệnh” như đã nêu trong tuyên bố của Chủ tịch ASEAN.

Giám đốc khu vực của Oxfam Châu Á chỉ ra thực tế, cơ sở hạ tầng y tế hiện có ở nhiều quốc gia thành viên, vốn quá quen thuộc với hình ảnh bệnh nhân phải xếp hàng dài chờ đợi và chất lượng dịch vụ thấp. Vấn đề này cần được cải thiện đáng kể để đối phó với đại dịch.

“Tình hình hiện tại vẽ nên một bức tranh ảm đạm cho hơn 36 triệu người ở Đông Nam Á đang sống trong nghèo đói cùng cực (thu nhập dưới 1,90 USD mỗi ngày). Sự thiếu hụt 20% thu nhập do cuộc khủng hoảng hiện tại có thể đẩy 60 triệu người ở Đông Á và Thái Bình Dương vào tình trạng nghèo đói cùng cực và 160 triệu người khác tồn tại chật vật với ít hơn 3,2 USD mỗi ngày” - cơ quan nghiên cứu đưa ra cảnh báo.

Cuộc khủng hoảng thậm chí sẽ tác động nghiêm trọng hơn đến những người đang phải vật lộn với nghèo đói, nhóm dễ bị tổn thương và phân biệt đối xử. Bởi lẽ, họ không những sẽ phải xoay sở khó khăn để được tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng tốt, mà nguy cơ khiến họ là nhóm đầu tiên hứng chịu những hệ quả của cuộc khủng hoảng kinh tế cũng lớn hơn.

Người lao động phi chính thức chủ yếu nhận lương theo ngày, trong đó phụ nữ và trẻ em gái sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Covid-19 dễ đẩy 60 triệu người ở Đông Á vào tình trạng nghèo đói cùng cực - 2
Hàng chục triệu trẻ em tại các nước ASEAN đang sống trong tình trạng đói nghèo đối mặt với nguy cơ lớn từ dịch Covid-19.

Tuy nhiên, do tính chất nguy hiểm và không loại trừ ai của đại dịch, không người nào trong số chúng ta, không cộng đồng, quốc gia hay khu vực nào được an toàn trừ khi tất cả mọi người đều được an toàn. Do đó, các chuyên gia cho rằng, lúc này cộng đồng phải chung tay hành động và ASEAN là nền tảng trong đối phó với dịch bệnh.

Với hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực phát triển, đại diện của Oxfam Châu Á nhận định về tính cấp thiết của việc giải quyết các vấn đề bất bình đẳng để kiểm soát Covid-19, trong đó, phải ưu tiên hỗ trợ những người có rủi ro cao nhất trong cộng đồng.

Ngày trong chính ASEAN, số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, các quốc gia có hệ thống y tế công cộng tốt hơn như Singapore, Thái Lan và Việt Nam thành công hơn trong việc quản lý các ca nhiễm, trong khi Indonesia đã phải tăng chi tiêu y tế lên tới 4,5 tỷ USD.

Cho đến nay, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam cũng là những quốc gia tiên phong trong khối ASEAN có những gói an sinh xã hội quan trọng.

Kêu gọi hành động nhanh chóng, tính đến nhu cầu của tất cả mọi người, nhất là những nhóm người yếu thế, bà Lan Mercadocho rằng, sự phục hồi từ đại dịch và tương lai của các quốc gia thành viên ASEAN phụ thuộc vào hành động quyết định của cam kết chung tay ứng phó với đại dịch.

Giám đốc khu vực của Oxfam Châu Á kêu gọi hành động đoàn kết, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau thông qua Quỹ ứng phó khẩn cấp Covid-19 của ASEAN, công bằng và minh bạch để đối phó với các rủi ro xuyên biên giới, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng người lao động.

Các quốc gia ASEAN nên ngay lập tức nâng cấp trang bị y tế, năng lực điều trị; bảo vệ nhân viên y tế và những người ở tuyến đầu chống dịch; bảo trợ xã hội cho người lao động, đặc biệt là các cộng đồng bị cách ly; hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới…

Thái Anh