1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Công ty Trung Quốc “vật lộn” với chính sách đề đề phòng Bắc Kinh của Mỹ

(Dân trí) - Các công ty của Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào Mỹ trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump siết chặt các khoản tiền từ Trung Quốc nhằm ngăn chặn mối đe dọa về an ninh quốc gia.

 

Công ty Trung Quốc “vật lộn” với chính sách đề đề phòng Bắc Kinh của Mỹ - Ảnh 1.

Tòa nhà do HNA từng sở hữu ở trung tâm Manhattan, New York (Ảnh: Google Street View)

 Tập đoàn Trung Quốc HNA không muốn bán tòa nhà trụ sở chính ở số 850 đại lộ Third Avenue, New York vì đây là một thương vụ khiến họ và đối tác lỗ vốn 41 triệu USD chỉ sau 2 năm thu mua. Tuy nhiên, họ không còn lựa chọn nào khác.

Vài tháng trước khi HNA mua tòa nhà vào năm 2016, nó bất ngờ trở thành mối đe dọa an ninh quốc gia với Mỹ khi ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. Tòa nhà nằm giữa đường 51 và đường 52, gần Tháp Trump.

Mùa hè năm ngoái, Mỹ bắt đầu điều tra tòa nhà và yêu cầu HNA bán lại bất động sản này. Cuối cùng, sau vài tháng, HNA đã đồng ý nhượng lại tòa nhà cho nhà đầu tư bất động sản New York Jacob Chetrit cùng các con trai với giá 422 triệu USD.

Vụ mua bán lỗ tới hơn 40 triệu USD sau 2 năm là ví dụ mới nhất cho thấy HNA là “nạn nhân” của hàng loạt các chính sách siết chặt các khoản đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ do chính quyền ông Trump khởi xướng.

Chỉ tính riêng trong năm 2018, Mỹ đã chặn hàng loạt các thương vụ mua bán và sáp nhập có liên quan tới công ty Trung Quốc, hầu hết trong lĩnh vực kỹ thuật. Kế hoạch mua lại công ty thanh toán Mỹ MoneyGram của Ant Financial, công ty con của “ông lớn” thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba, bị chặn ngay từ “trứng nước”. Hãng sản xuất Broadcom có trụ sở tại Singapore cũng bị chặn đứng thương vụ 117 tỷ USD mua cổ phần của công ty chip Qualcomm (Mỹ) vì các hoạt động kinh doanh của Broadcom có liên quan tới Bắc Kinh.

Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc có thể ngày càng tiếp cận sâu rộng hơn với các thông tin công nghệ thông tin chủ chốt thông qua các thương vụ trên và điều đó có thể gây nên mối đe dọa về mặt an ninh.

Tuy nhiên, thương vụ bán bất động sản của HNA cho thấy một điều rằng Mỹ dường như đã bắt đầu “tung một mẻ lưới” lớn hơn, nhằm tới những khoản đầu tư của Trung Quốc bên ngoài lĩnh vực kỹ thuật.

Mùa hè năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật mới trong đó quy định rằng mọi thương vụ mua bán bất động sản có liên quan tới nhà đầu tư nước ngoài đều phải được đưa vào danh sách xem xét và kiểm duyệt.

Cụ thể, luật này cho phép ủy ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) xem xét các thương vụ mua bán, cho thuê, sang nhượng bất động sản với công ty nước ngoài nằm gần cơ sở quân sự, cơ quan chính phủ, và các khu vực được Mỹ xếp vào nhóm “nhạy cảm” liên quan tới vấn đề an ninh quốc gia.

Vì vậy, quy mô hoạt động mua lại công ty Mỹ từ nhà đầu tư Trung Quốc đã tụt giảm tới 95% xuống mức 3 tỷ USD so với thời kỳ cao kỷ lục 2 năm trước (55,3 tỷ USD).

Chính vì địa thế gần với tháp Trump, nơi đặt nhà riêng của ông Trump ở New York, tòa nhà HNA cũng không thoát khỏi "tầm ngắm". HNA phải chịu bán lỗ tòa nhà trong một thương vụ hoàn toàn bất lợi vì họ không thể có lựa chọn khác.

Đức Hoàng

Theo SCMP