1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thời buổi "khó sống" của giới nghiên cứu Trung Quốc tại Mỹ

(Dân trí) - Khi cuộc đối đầu Mỹ-Trung leo thang, các nhà khoa học Trung Quốc tại Mỹ ngày càng bị kiểm soát chặt chẽ và việc xin visa cũng khó khăn hơn. Các chương trình nhằm thu hút nhân tài tới Trung Quốc giờ đây đặc biệt nhạy cảm tại Mỹ, và Mỹ đã liên hệ họ với việc đánh cắp các bí quyết và bí mật công nghệ.

Thời buổi khó sống của giới nghiên cứu Trung Quốc tại Mỹ - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Reuters)

Đối với giáo sư kỹ thuật thông tin Alan Liu, tới Mỹ làm việc giờ đây không còn là một lựa chọn. Ông Liu đã trở về Trung Quốc 7 năm trước sau một thời gian tới Mỹ với tư cách là một học giả tại Khoa kỹ thuật năng lượng, máy tính và điện thuộc Đại học Colorado Boulder.

"Tôi không quay lại Mỹ kể từ khi đó… và tôi không muốn trở lại vì chuyện này ngày càng khó khăn", ông Liu, hiện làm việc tại một trường đại học danh tiếng của Trung Quốc, cho hay.

Ông Liu nói thêm, cánh cửa dường như đã đóng đối với các học giả Trung Quốc tại Mỹ. "Visa đến Mỹ ngày càng khó. Ngày càng ít trường đại học Mỹ muốn nhận các học giả Trung Quốc và các giáo sư Mỹ không muốn mời các học giả Trung Quốc vì điều đó có thể dẫn tới một cuộc điều tra", ông nói.

Học thuật là một trong số nhiều điều mà người Trung Quốc hưởng lợi từ "Kế hoạch hàng nghìn nhân tài" (TTP), một cơ chế do chính phủ Trung Quốc tài trợ được thành lập vào năm 2008 nhằm thu hút người tài tới Trung Quốc làm việc - chủ yếu là các nhà nghiên cứu được đào tạo hoặc tuyển dụng ở nước ngoài, đặc biệt trong các lĩnh công nghệ cao.

Nhưng trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang, với việc công nghệ là "mặt trận" chính, chương trình này và các chương trình khác ngày càng bị các tổ chức an ninh của Mỹ chú ý.

"Đặc biệt nhạy cảm"

Điều đó đã khiến Bắc Kinh phải kín tiếng một chương trình vốn bị Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, một nhánh của Lầu Năm Góc, miêu tả là một nỗ lực nhằm "tạo điều kiện cho việc chuyển giao hợp pháp và bất hợp pháp công nghệ, sở hữu trí tuệ và bí quyết của Mỹ cho Trung Quốc".

Đối với các thành viên của chương trình như ông Liu, một giải thưởng từng rất danh giá giờ đây trở nên đặc biệt nhạy cảm.

"Vào khoảng giữa tháng 9, tôi được yêu cầu xóa mọi thứ liên quan tới TTP khỏi trang của tôi", ông Liu kể.

Ngoài việc loại bỏ mọi đề cập về giải thưởng khỏi lý lịch trực tuyến, tên của những người nhận cũng bị xóa khỏi trang web chính thức của TTP. Các bài báo bằng tiếng Trung Quốc trên internet về chương trình cũng biến mất.

Trong thập niên qua, TTP đã đưa hơn 7.000 nhà khoa học và các nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc, hầu hết từ Mỹ, cũng như hàng trăm người nước ngoài tới nước này.

Được Hội đồng Nhà nước Trung Quốc trao giải, người nhận được lĩnh khoản tiền thưởng lên tới 1 triệu nhân dân tệ (145.000 USD), cùng với việc tiếp cận quỹ nghiên cứu lên tới 5 triệu nhân dân tệ và các quyền lợi khác về nhà ở, học tập và chăm sóc y tế. Nhiều trong số các nhà cứu nghiên cứu của TTP vẫn duy trì các mối liên hệ ở nước ngoài trong khi làm việc bán thời gian tại Trung Quốc.

Như một hệ quả của chương trình trên, Mỹ đã chứng kiến làn sóng chảy máu chất xám lớn nhất, theo báo cáo của Tổ chức Doanh nghiệp Hà Lan, thuộc Bộ Kinh tế nước này.

"Chúng tôi ước tính rằng gần 4.000 nhà nghiên cứu cấp cao, các doanh nhân, chuyên gia gốc Trung Quốc đã rời Mỹ vì TTP. Và chúng tôi cho rằng, ngoài TTP, sẽ còn nhiều chính sách khác nhắm vào người Trung Quốc ở nước ngoài", báo cáo viết.

Mối đe dọa gián điệp

Các chương trình như TTP cũng bị liên hệ với việc đánh cắp các nghiên cứu khoa học và làm bùng phát những lo ngại về nguy cơ gián điệp tiềm tàng từ Trung Quốc.

Vào ngày 12/12, quan chức cấp cao của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Bill Priestap đã nói với các nghị sĩ nước này rằng Trung Quốc là "mối đe dọa phản gián nghiêm trọng nhất mà nước Mỹ phải đối mặt ngày nay".

"Chính phủ Trung Quốc đang ra sức có được hoặc đánh cắp, không chỉ là các kế hoạch hoặc ý định của chính phủ Mỹ, mà còn là những ý tưởng và phát minh của những người giúp nền kinh tế của chúng ta thành công vượt bậc", ông Priestap, trợ lý giám đốc Cục chống phản gián thuộc FBI, nói.

"Các kế hoạch tuyển dụng nhân tài của Trung Quốc, như Chương trình hàng nghìn nhân tài, chào mời mức lương hậu hĩnh, các cơ sở nghiên cứu hiện đại, các chức danh to, để thu hút cả nước Trung Quốc ở nước ngoài và các chuyên gia nước ngoài để đưa kiến thức và kinh nghiệm của họ tới Trung Quốc, thậm chí sử dụng các cách thức đánh cắp thông tin độc quyền hay vi phạm kiểm soát xuất khẩu để làm điều đó", ông nói thêm.

Các bình luận trên diễn ra sau khi Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) hồi đầu tháng 12 năm ngoái cho biết đã phát hiện một loạt các nhà khoa vi phạm các quy định nghiêm trọng về chính sách khi không tiết lộ các khoản tài trợ, các phòng thí nghiệm hoặc vị trí giảng viên được tài trợ tại các quốc gia nước ngoài.

Những vi phạm trên bao gồm việc chia sẻ thông tin trong quá trình đánh giá công bằng, mà một báo cáo nội bộ của NIH cho biết đã xảy ra dưới sự ảnh hưởng của nước ngoài.

Visa ngày càng chặt

Thời buổi khó sống của giới nghiên cứu Trung Quốc tại Mỹ - Ảnh 2.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc học tập và làm việc tại Mỹ ngày càng bị chú ý. Visa vào Mỹ đối với các nhà khoa học Trung Quốc cũng ngày càng bị siết chặt. (Ảnh: Xinhua)

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã gặp phải tình trạng đơn xin visa Mỹ bị từ chối và có sự xem xét ngày càng chặt chẽ đối với những người nghiên cứu và làm việc tại các trường đại học Mỹ, đặc biệt nếu họ đến từ các chương trình như TTP.

Hồi đầu tháng 9 năm ngoái, Đại học Công nghệ Texas đã hủy đề nghị nhận một học giả từ một trường đại học Trung Quốc sau khi người này tham gia chương trình TTP, theo một lá thư được công bố rộng rãi từ ông Joseph Heppert, Phó chủ tịch về nghiên cứu của ngôi trường.

Một thành viên khác của TTP Trung Quốc cũng bị FBI điều tra hồi tháng 4 trong khi đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại một trung tâm khoa học y sinh phi lợi nhuận tại La Jolla, bang California. Văn phòng tại San Diego của FBI không bình luận về cuộc điều tra, nhưng một nguồn tin biết về vụ việc cho hay nhà nghiên cứu này bị tình nghi làm việc và chuyển giao kiến thức cho một trường đại học Trung Quốc.

David Zweig, Giám đốc Trung tâm quan hệ xuyên quốc gia Trung Quốc tại Đại học khoa học và công nghệ tại Hong Kong, cho rằng các cáo buộc của Mỹ đối với Trung Quốc có động cơ địa chính trị.

"Các chương trình nhân tài do đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện, đó là lý do vì sao chúng bị Mỹ chỉ trích", ông Zweig nói.

Theo một khảo sát của Business Roundtable, một hiệp hội của các giám đốc điều hành từ các tập đoàn hàng đầu của Mỹ, Đức đứng đầu thế giới về thu hút nhân tài ở nước ngoài, tiếp sau là Australia và Singapore. Nhưng các chương trình thu hút nhân này không bị Mỹ nhắm tới.

Sun Yun, Giám đốc chương trình về Trung Quốc tại tổ chức nghiên cứu của Mỹ Stimson Centre, cho hay các học giả Trung Quốc đang bị nghi ngờ vì Bắc Kinh đã thiết kế các chương trình đặc biệt để thu hút họ trở lại Trung Quốc và đóng góp sự hiểu biết của họ.

"Một số chương trình này rất có tiếng, do đó một số trường hợp rất dễ lọt vào tầm ngắm của các nhân viên điều tra. Tôi chưa thấy các chương trình tương tự từ chính phủ Nhật Bản hay Hàn Quốc thu hút được các học giả trở về để phục vụ đất nước của họ", ông Sun nói.

Nhưng ông Wang Huiyao, người sáng lập kiêm chủ tịch tổ chức nghiên cứu tại Bắc Kinh mang tên Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, cho rằng các chương trình nhân tài của Trung Quốc không khác với các nước khác.

"Trung Quốc không làm gì sai với các chương trình nhân tài của mình, và tôi thấy các hành động của Mỹ nhằm gia tăng kiểm tra đối với các học giả Trung Quốc là vô lý và không cần thiết", ông Wang nói.

Charles David, một chuyên gia Mỹ tại Đại học Dược thuộc Đại học Thanh Hoa tại Bắc Kinh và là một thành viên của chương trình TTP, cho hay ông hi vọng sẽ không có rào cản nào khi ông trở về Mỹ, như ngăn cản các nhà nghiên cứu của chương trình được nhận tài trợ.

"Mặc dù tôi có thể bất ngờ nếu lĩnh vực của tôi là một trong những lo ngại với chính phủ Mỹ, tôi vẫn cho rằng hầu hết các nhà khoa học không quan tâm công việc được làm ở đâu hay ai thực hiện", David nói.

David cho hay không có chương trình nào như vậy tại Mỹ. "Một khác biệt với các cơ chế cấp quỹ của Trung Quốc là nền tảng và các thành tích của người nhận được cân nhắc kỹ hơn rất nhiều so với kế hoạch nghiên cứu cụ thể. Điều này không đúng lắm tại Mỹ… TTP là một sự kết hợp giữa các quỹ nghiên cứu và cá nhân, điều không xảy ra tại Mỹ", ông nói.

An Bình

Theo SCMP