1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Công chúa Nhật sắp cưới chồng thường dân: Hoàng gia đối mặt bài toán "neo người"

(Dân trí) - Chuyện Công chúa Mako từ bỏ tước hiệu hoàng gia để cưới một thường dân đã làm sống lại một cuộc tranh luận về tương lai của hoàng gia Nhật Bản hiện đang có rất ít thành viên.


Công chúa Mako (Ảnh: AFP)

Công chúa Mako (Ảnh: AFP)

BBC đưa tin, khi Công chúa Mako - cháu gái lớn nhất của Nhật Hoàng Akihito - kết hôn với bạn trai vào năm tới, cuộc đời cô sẽ trải qua một sự thay đổi lớn. Mako, năm nay 25 tuổi, sẽ từ bỏ địa vị hoàng gia và rời cung điện để bắt đầu cuộc sống gia đình với chồng ở thế giới bên ngoài.

Công chúa Mako sẽ nhận được khoản tiền hồi môn một lần, sau đó cặp đôi sẽ phải hoàn toàn tự túc cuộc sống. Cô sẽ trở thành một thường dân, sẽ bỏ phiếu, nộp thuế, đi mua sắm và tự làm mọi việc. Nếu cặp đôi sinh con, con cái họ không phải là các thành viên hoàng gia.

Quy mô gia đình hoàng gia ngày càng bị thu hẹp

Chuyện Công chúa Mako từ bỏ địa vị hoàng gia đồng nghĩa với việc số lượng thành viện thực hiện các nghĩa vụ chính thức của hoàng gia sẽ giảm đi. Điều đó cũng gây ra một cuộc tranh luận về quy mô giảm dần của hoàng gia, vai trò của phụ nữ và chuyện kế vị trong tương lai.

Nhật Hoàng Akihito, 83 tuổi, đã bày tỏ mong muốn thoái vị. Khi các thành viên hoàng gia nữ kết hôn, quy mô của gia đình kết hôn sẽ càng nhỏ đi.

Hiện chỉ có một thành viên nam trong số các thành viên hoàng gia trẻ tuổi - Hoàng tử Hisahito, 10 tuổi. Nếu không có gì thay đổi, tương lai của hoàng gia sẽ dồn lên vai Hisahito.

“Nếu bạn nghĩ về điều đó, có một khả năng là tất cả các thành viên trẻ tuổi, trừ Hoàng tử Hisahito, sẽ rời gia đình hoàng gia trong 10-15 năm tới”, Isao Tokoro, một giáo sư tại Đại học Kyoto Sangyo, nói với BBC. “Tôi nghĩ chuyện đó (đính hôn) cho chúng ta cơ hội để suy nghĩ về vấn đề này. Hệ thống nên được cải cách khẩn cấp để gia đình hoàng gia không bị thu hẹp”, Giáo sư Tokoro nói thêm.


Công chúa Mako và bạn trai Kei Komoro (Ảnh: AP)

Công chúa Mako và bạn trai Kei Komoro (Ảnh: AP)

Theo Luật Hoàng gia Nhật Bản 1947, các công chúa kết hôn với thường dân sẽ phải từ bỏ địa vị hoàng gia. Luật này cũng giảm số lượng các thành viên hoàng gia, bỏ 11 trong 12 nhánh của gia đình hoàng gia như một biện pháp cắt giảm chi phí. Điều đó đồng nghĩa với việc không hành viên hoàng gia nam nào có thể kết hôn với các công chúa hiện thời.

Các con gái của Nhật Hoàng Hirohito (1901-1989) đã từ bỏ địa vị hoàng gia theo luật trên, cũng giống trường hợp của Công chúa Sayako khi bà kết hôn với nhà hoạch định đô thị Yoshiki Kuroda vào năm 2005.

Sự chuyển đổi từ một công chúa được bao bọc tới một thường dân đã thu hút sự chú ý của công chúng. Truyền thông Nhật Bản đã miêu tả việc bà Sayako phải học cách lái xe và tập đi mua sắm một mình trước đám cưới. Cặp đôi đã dùng số tiền hồi môn (được cho là trị giá 1,3 triệu USD) để mua một căn nhà.

Cho tới nay, lễ đính hôn của Công chúa Mako chưa được công bố chính thức. Nhưng người phụ nữ trẻ dường như đã sẵn sàng cho vị trí mới. Mako tốt nghiệp Đại học Công giáo Quốc tế ở thủ đô Tokyo và từng có thời gian học 9 tháng tại Đại học Edinburgh tại Anh từ 2012 đến 2013. Sau đó, cô học thạc sĩ về Nghiên cứu phòng tranh và bảo tàng nghệ thuật tại Đại học Leicester. Hiện thời Công chúa Mako là nhà nghiên cứu tại một đại học ở Tokyo và đang học tiến sĩ.

“Công chúa Mako là một thành viên gia đình hoàng gia Nhật Bản gần gũi với công chúng”, báo Yomiuri viết. “Là một người hòa nhã, cô ấy chắc chắn sẽ xây dựng một gia đình tuyệt vời”.

Gánh nặng đè lên vai Hoàng tử nhỏ


Hoàng tử Hisahito, 10 tuổi, đứng thứ 3 trong thứ tự kế vị ngai vàng (Ảnh: Getty)

Hoàng tử Hisahito, 10 tuổi, đứng thứ 3 trong thứ tự kế vị ngai vàng (Ảnh: Getty)

Nhưng Công chúa Mako sẽ vắng mặt trong các sự kiện quan trọng trong tương lai. Theo báo Asahi, Công chúa Mako hiện là người bảo trợ cho 2 tổ chức, thường xuyên đi công tác nước ngoài với tư cách là một đại diện của gia đình hoàng gia và tham dự các hoạt động hoàng gia quan trọng.

Nhưng nghĩa vụ chính chức của Mako giờ đây sẽ đặt lên vai một số ít các thành viên còn lại của hoàng gia.

Hiện thời, gia đình hoàng gia Nhật Bản chỉ còn 19 thành viên. Bảy trong số họ là các cô gái chưa kết hôn, những người sẽ phải rời gia đình hoàng gia khi lấy chồng. 11 người đã trên 50 tuổi. Chỉ còn lại Hoàng tử "nhí" Hisahito.

Hoàng tử Hisahito là người trẻ nhất trong số 4 thành viên nam trong thứ tự kế vị ngai vàng. Ba trong số họ - Thái tử Naruhito, em trai - Hoàng tử Akishino (Fumihito), Hoàng tử Hitachi (Masahito) - em trai của Nhật hoàng Akihito, nhiều khả năng không sinh thêm con.

Điều đó khiến Hoàng tử Hisahito trong tương lai là người duy nhất chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ chính thức và tiếp tục dòng dõi hoàng gia.

Hiện thời, một dự luật cho phép Nhật hoàng Akihito kế vị đang được xem xét. Trong một bài viết, báo Yomiuri cho hay “việc thiết lập các nhánh hoàng gia nữ nên được đưa vào luật và để thảo luận như một biện pháp thực tế nhằm duy trì số lượng các thành viên hoàng gia".

Tuy nhiên, dự luật đó nhiều khả năng không nhận được sự dủng hộ của các nhân vật bảo thủ tại Nhật Bản.

Trong quá khư, Nhật Bản đã có những người vị trì là nữ giới, mặc dù điều này không diễn ra trong 250 năm qua. Nhìn chung, phụ nữ chỉ được xem là người giữ chỗ cho tới khi ngai vàng được truyền cho một thành viên nam của gia đình hoàng gia (mặc dù cũng có một trường hợp nữ hoàng truyền ngôi con gái để đóng vai trò nhiếp chính của một người nối ngôi là nam).

Trước khi bộ luật 1947 thay đổi, gia đình hoàng gia lớn hơn nhiều, có nghĩa là nếu một nhánh không thể có người nối ngôi là nam thì vẫn có những lựa chọn khác, nhưng điều đó giờ đây không còn.

Dư luận ủng hộ phụ nữ nối ngôi


Gia đình hoàng gia Nhật Bản (Ảnh: BBC)

Gia đình hoàng gia Nhật Bản (Ảnh: BBC)

Trong thời gian trước khi Hoàng tử Hisahito chào đời, khi không có người kế vị trẻ hơn, đã có một cuộc tranh luận về việc thay đổi luật để cho phép phụ nữ lên ngôi. Thủ tướng Nhật Bản khi đó, ông Junichiro Koizumi, cho biết ông ủng hộ động thái này. Nhưng sau khi Hisahito chào đời, các cuộc thảo luận đã chấm dứt.

Theo BBC, Thủ tướng hiện thời, Shino Abe, là một nhân vật có tư tưởng cánh hữu hơn, người thường xuyên nói về tự hào dân tộc, truyền thống và sự yêu nước.

“Ông Abe đã dành nhiều thời gian nói về mong muốn đưa Nhật Bản trở thành một xã hội nơi phụ nữ có thể tỏa sáng, nhưng ông ấy có nhánh cựu hữu vốn phản đối thay đổi luật để một phụ nữ lên ngôi”, Giáo sư Ken Ruoff, giám đốc Trum tâm nghiên cứu Nhật Bản tại Đại học Portland State (Mỹ) và là một chuyên gia về hoàng gia Nhật Bản, cho hay.

Một ý kiến khác là phục hồi vị thế hoàng gia của các nhánh bị mất tước vị vào năm 1947, giúp hoàng gia có thêm nhiều người kế vị là nam.

Báo Yomiuri cho hay, Thủ tướng Abe ủng hộ điều đó trong quá khứ. “ Nhưng rất khó để nói rằng ý tưởng đó nhận được sự ủng hộ rộng rãi”, tờ báo viết.

Nhưng công chúng ủng hộ phụ nữ thừa kế ngai vàng. Theo một cuộc khảo sát của hãng tin Kyodo hồi đầu tháng 5, có tới 86% người được hỏi ủng hộ cho phép phụ nữ lên ngôi và 59% ủng hộ cho phép người nối ngôi là con của các thành viên nữ trong hoàng gia.

Dù có thế nào, tương lai có vẻ tươi sáng với Công chúa Mako. Một điều đáng lo ngại hơn, có lẽ, là liệu Hoàng tử Hisahito 10 tuổi có những bờ vai đủ rộng để gánh vác công việc hoàng gia trong tương lai hay không.

An Bình