1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Công bố clip quay nội thất tàu ngầm hạt nhân lớp Borei

Lần đầu tiên Hải quân Nga cho phép phóng viên Đài truyền hình quân đội Nga quay phim chi tiết nội thất và khoang tên lửa của tàu ngầm Alexander Nevsky.

Nga khoe vũ khí

Đoạn video này vừa được Đài truyền hình quân đội Nga phát sóng ngày 24/2 cho thấy sự ngạc nhiên của các phóng viên khi lần đầu được tiếp cận với khoang phóng tên lửa đạn đạo Bulava - loại tên lửa phóng từ tàu ngầm nguy hiểm hàng đầu thế giới hiện nay.

Ngoài ra, các phóng viên còn được giới thiệu về cuộc sống bên trong và kỹ năng thoát hiểm khi có tình huống bất ngờ xảy ra.

Tàu ngầm hạt nhân Alexander Nevsky (lớp tàu Borei) hiện thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, ở Kamchatka, Viễn Đông Nga. Đây là chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên bổ sung cho Hạm đội này trong gần 20 năm qua. Dự kiến sẽ có 4 tàu ngầm lớp Borei tham gia Hạm đội này.

Bộ Quốc phòng Nga có kế hoạch đưa vào trang bị ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borei và đây sẽ là xương sống của lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga trong tương lai.

Borei là tàu ngầm hạt nhân chiến lược hiện đại nhất của Hải quân Nga hiện nay được phát triển thay thế tàu ngầm hạt nhân Akula. Một tàu ngầm hạt nhân lớp Borei có chiều dài 170 m, rộng 13,5m, lượng giãn nước khi lặn lên tới 24.000 tấn.

Tàu ngầm được trang bị lò phản ứng hạt nhân OK-650B, dùng kiểu đẩy pump-jet cho tốc độ di chuyển tối đa là 29 hải lý/h và có thể lặn sâu tới 450m cùng thủy thủ đoàn 107 người.

Tàu ngầm hạt nhân Borei được tích hợp các công nghệ hàng hải tiên tiến nhất của Nga hiện nay. Hệ thống động cơ đẩy bằng năng lượng hạt nhân Borei có độ ồn khi hoạt động rất thấp giúp nó có thể di chuyển dưới mặt nước mà không bị hệ thống định vị thủy âm của đối phương pháp hiện.

Một tàu ngầm hạt nhân lớp Borei có thể mang theo tối đa 16 tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava. Tên lửa hạt nhân liên lục địa Bulava được phát triển từ cuối những năm 1990, là loại tên lửa 3 tầng, chiều dài 12,1 m, đường kính 2 m, dùng nhiên liệu rắn, thiết kế dùng cho tàu ngầm lớp Borei.

Tầm bắn của tên lửa Bulava đạt 8.000 - 10.000 km. Trọng lượng xuất phát của tên lửa là 36,8 tấn, sau khi cắt bỏ các tầng chỉ còn nặng 1,8 tấn. Tên lửa đạn đạo này có khả năng mang 10 đầu đạn hạt nhân, mỗi đầu đạn có sức công phá 150 kiloton.

Bulava được trang bị hệ thống có thể vượt qua hệ thống tên lửa phòng thủ của đối phương. Trong đó có cả những đầu đạn giả để đánh lừa đối phương.

Tàu ngầm hạt nhân Alexander Nevsky.
Tàu ngầm hạt nhân Alexander Nevsky.

Căn cứ tàu ngầm trấn giữ Thái Bình Dương

Hiện nay, Hải quân Nga sắp hoàn thành căn cứ tàu ngầm mới tại bán đảo Kamchatka - nơi tàu ngầm Alexander Nevsky đang neo đậu và đây sẽ là căn cứ tàu ngầm đáng sợ nhất của Nga.

Theo mạng USNI, căn cứ tàu ngầm hạt nhân Rybachiy, nằm trên vịnh Avaca, là nơi đồn trú của hạm đội tàu ngầm Thái Bình Dương của Nga và sẽ là nơi Nga đưa các tàu ngầm lớp Borei đến trong thời gian tới.

Theo Tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Viktor Chirkov, quá trình xây dựng căn cứ mới, bao gồm cả việc sửa lại các cơ sở, nhà kho và hệ thống đưa tên lửa lên tàu ngầm, đang diễn ra theo đúng tiến độ. Dự kiến, căn cứ hải quân mới nêu trên sẽ được khánh thành vào quý I năm 2016.

Ban đầu, quá trình xây dựng và bảo trì căn cứ cho tàu ngầm lớp Borei dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, những vấn đề phát sinh đã lùi ngày hoàn thành căn cứ mới tới quý IV năm 2015.

Đến thời điểm hiện tại khi căn cứ tàu ngầm này sắp hoàn thành, Nga vẫn chưa hề tiết lộ nhiều về căn cứ tàu ngầm này ngoài việc nơi đây sẽ là nơi đồn trú của các tàu ngầm lớp Borei.

Tuy nhiên, do tầm quan trọng của căn cứ này và vị trí chiến lược của bán đảo Kamchatka khiến cho Nga triển khai nhiều vũ khí tối tân và thực hiện nhiều cuộc tập trận tại đây.

Hãng TASS hồi tháng 7/2015 dẫn lời Roman Martov, người đứng đầu bộ phận báo chí của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, cho biết, hơn 20 tổ hợp hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf sẽ được triển khai trên bán đảo Kamchatka ngay trong năm 2015.

“Việc bố trí S-400 ở Kamchatka sẽ cho phép thực hiện một cách hiệu quả hơn nhiệm vụ bao quát bảo vệ các chủ thể của Hạm đội Thái Bình Dương, trong đó có căn cứ tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân ở Vilyuchinsk trước những thách thức mới”, ông Roman Martov nhấn mạnh.

Trước khi triển khai hệ thống S-400, Bộ Quốc phòng Nga còn liên tiếp biên chế vũ khí mới nhằm tăng cường sức chiến đấu cho bán đảo này. Mới đây nhất Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định tăng cường trang bị cho lực lượng Không quân tại đây bằng 12 tiêm kích thế hệ 4++ Su-35S, thông tin trên được hãng thông tấn Nga Ria Novosti cho biết.

Được biết đây "là một phần trong chương trình tái vũ trang nhà nước tới năm 2020 và kế hoạch quốc phòng nhà nước trong năm 2013. Tính đến cuối năm 2014, bán đảo Kamchatka đã nhận được hơn 30 máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ tư (các biến thể sửa đối khác nhau)", Ria Novosti dẫn nguồn tin quân sự Nga cho biết.

Ngoài ra, theo Trung tá Alexander Gordeev thuộc Không quân Nga cho biết: “Hơn 40 máy bay trực thăng chiến đấu thế hệ mới Mi-8AMTSh và Ka-52 được chuyển giao cho các căn cứ tại Kamchatka từ cuối năm 2013 hoàn thành vào đầu 2014”.

Clip lần đầu tiên Nga công khai bên trong tàu ngầm Alexander Nevsky:

Theo Tuấn Vũ

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm