Con gái Lý Quang Diệu trải lòng về người cha bình dị
(Dân trí) - Theo lời kể của con gái, thái độ với cuộc sống của nhà sáng lập Singapore có thể được tóm lại bằng những dòng thơ: "Cánh rừng rất đẹp, rất tối và rất sâu/ Nhưng tôi còn những lời hứa phải thực hiện/ Và hàng dặm đường trước khi yên giấc".
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu dắt tay con gái Lý Vỹ Linh trong một bức ảnh chụp năm 1962. (Ảnh: Straits Times)
Đăng trên tờ Strait Times ngày 24/3/2015, một ngày sau khi cố Thủ tướng Lý Quang Diệu qua đời
Khi cả gia đình tôi ở trong bệnh viện khi bố sắp phải đặt stent động mạch vành, không ai nói với ai lời nào, không phải là do căng thẳng mà đơn giản vì chúng tôi rất bận.
Bố ngồi trên giường bệnh nhưng vẫn cặm cụi bên chiếc laptop. Bên cạnh ông, mẹ tôi kiểm tra giấy tờ, trong khi tôi cũng ngồi đó và giải quyết công việc bằng máy tính.
Bất kỳ ai đi qua và nhìn thấy cảnh tượng này, chắc sẽ không nghĩ rằng bố tôi sắp phải phẫu thuật tim. Năm ấy, ông 73 tuổi, là Bộ trưởng cố vấn cao cấp của chính phủ và ca phẫu thuật vẫn là một lý do không đủ lớn để buộc ông ngừng làm việc.
Tôi chưa từng thấy ông thể hiện cảm xúc lo lắng hay sợ hãi, ông luôn bình tĩnh để đối phó với thử thách. Bố là người không bao giờ mất bình tĩnh bởi ông nhận ra rằng có sợ hãi đi chăng nữa, cũng không thể thay đổi tình hình.
Để chèo lái một đất nước, sự đanh thép là cực kỳ cần thiết, và ông đã giữ vững phẩm chất đó trong 31 năm giữ chức Thủ tướng. Tuy nhiên, khi ở nhà, tính cách này có vẻ như không hữu dụng lắm.
Trong gia đình, tôi là người giống bố nhất về tính cách, và khi có hai cá tính mạnh trong một nhà, rất khó để có thể kiểm soát tình hình. Thế nên không phải lúc nào quan hệ của bố con tôi cũng tốt đẹp.
Hồi năm 2002, một bất đồng giữa hai bố con đã khiến tôi chuyển khỏi căn nhà trên đường Oxley Road. Bố tôi đã muốn tôi ngừng tập tạ vì ông thấy xương của tôi khá mỏng manh và tôi đã bị gãy xương quá nhiều lần.
Bố gọi tôi vào phòng làm việc và đưa ra cho tôi một “tối hậu thư”. Ông bảo: “Các bác sỹ nói với bố rằng con sẽ bị liệt nếu tiếp tục tập tạ. Ngày nào con còn ở dưới mái nhà này, bố còn có trách nhiệm chăm sóc con”.
Vì không muốn từ bỏ việc tập luyện, tôi đã chuyển ra ngoài sống, thực ra là tôi đến nhà anh Long (Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long). Hiển nhiên bố tôi không nghĩ rằng tôi sẽ quyết định như vậy. Nhưng sau đó ông nhận ra tôi đã là một người trưởng thành ở tuổi 47 và đã có khả năng tự đưa ra quyết định.
Do đó, vào năm sau, khi tôi báo với bố rằng tôi sắp tới một miệng núi lửa ở Hawai ngay sau khi được ra bệnh viện, phản ứng của ông đã rất khác. Bố tôi chỉ nói “Cẩn thận nhé”.
Gia đình tôi sống kiểu thanh đạm
Đăng trên tờ Sunday Times ngày 5/8/2012
Lý Vỹ Linh tự nhận có cá tính mạnh mẽ giống cha bà, ông Lý Quang Diệu. (Ảnh: Straits Times)
Tôi lớn lên trong một gia đình trung lưu. Dù khá giả, bố mẹ dạy dỗ 3 anh em tôi phải tiết kiệm từ khi còn nhỏ.
Chúng tôi phải vặn vòi nước thật chặt, nếu cha mẹ mà nhìn thấy một 1 trong 3 anh em để vòi nước vẫn nhỏ giọt, chúng tôi sẽ bị phạt. Khi ra khỏi phòng, chúng tôi luôn nhớ phải tắt điện và điều hòa.
Tính tiết kiệm của bố tôi còn vượt xa việc tắt điện hay điều hòa, khi đi công tác nước ngoài, ông toàn tự giặt quần áo mặc trong, việc mà khi còn sống, mẹ tôi sẽ làm hộ khi đi cùng ông. Bố tôi phàn nàn rằng chi phí giặt đồ tại khách sạn 5 sao tốn kém quá, tiền công để giặt đồ đắt đúng bằng giá mua đồ mới.
Hồi năm 2003, chun một chiếc quần soóc tập chạy của bố tôi bị giãn. Mẹ tôi rất giỏi thay chun quần áo và đã từng thay chun quần cho bố nhiều lần, nên lần này bố tiếp tục nhờ mẹ.
Mắt mẹ lúc đó không tốt do bà từng bị đột quỵ trước đó. Dù vậy, bà nói với ông: “Nếu ông muốn tôi chứng tỏ tình cảm của tôi với ông, tôi sẽ thử làm”. Thấy vậy, tôi vội nói: “Mẹ cô thư ký của con khâu vá rất giỏi, con sẽ nhờ bác ấy”.
Bố mẹ và tôi thích những thứ quen thuộc. Ngôi nhà mà chúng tôi sống đã có hơn 100 năm tuổi.
Khi chúng tôi thuê người quản gia đầu tiên, ông Teow Seong Hwa, vào hơn 10 năm trước, ông ấy đã hỏi tôi: "Bố cô đã làm việc vất vả trong nhiều năm rồi. Sao ông ấy không hưởng thụ gì?".
Tôi giải thích rằng chúng tôi thấy cực kỳ thoải mái với ngôi nhà cổ và các nội thất cũ. Xa xỉ không phải là một điều cần được ưu tiên. Ông Teow đến nay đã trở thành một người bạn của gia đình chúng tôi, và đến giờ, ông đã hiểu chúng tôi hạnh phúc với lối sống giản đơn của mình.
Tôi có 3 cái đồng hồ Casio, 1 cái Seiko bố tặng từ 40 năm trước, 2 cái Tag Heuer cực đắt tiền của anh Long và anh Dương tặng. Nhưng tôi chỉ đeo đúng 1 cái Casio do bố tôi tặng nhiều thập niên trước đây mà hiện giờ vẫn chạy tốt. Tôi không bao giờ đeo cái khác, cho đến một đêm tôi làm rơi đâu đó, tìm khoảng 30 phút không thấy, tôi mới đeo một cái khác.
Tôi cũng rất giản dị về ăn mặc. Khi thấy tôi chỉ có 2 cái váy mua ở Indonesia từ hơn 20 năm trước, chị dâu và các bạn tôi đã mua cho tôi hơn 20 cái váy mới. Nhưng đến nay, tôi chỉ mặc 3 trong số đó, và cũng không bỏ 2 chiếc váy cũ đi. Không có gì khiến tôi thoải mái hơn áo phông và quần ngố.
Sống một cuộc sống không hối tiếc
Đăng trên tờ Sunday Times ngày 23/10/2011
Một tấm ảnh cũ của Tiến sỹ Lý Vỹ Linh chụp cùng cha mẹ khi bà 19 tuổi. (Ảnh: Straits Times)
Sau tất cả, bố tôi đã có một cuộc sống trọn vẹn, phong phú và đầy ý nghĩa.
Khoảng 20 năm trước, khi tôi vẫn còn trong độ tuổi lập gia đình, bố tôi đã có một cuộc nói chuyện nghiêm túc với tôi về chuyện này. Ông nói với tôi rằng khi có con gái sống cùng, mẹ tôi sẽ vui vì có người bầu bạn và có người chăm sóc lúc tuổi già đau yếu, nhưng khi bố mẹ tôi mất thì tôi sẽ cô độc lắm.
Tôi trả lời rằng: "Thà như thế còn hơn mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân vô vị". Tôi chưa bao giờ hối tiếc về quyết định của mình.
Hai mươi năm sau, tôi vẫn đơn thân, sống cùng bố mẹ trong ngôi nhà của gia đình. Nhưng những ưu tiên trong cuộc sống của tôi đã thay đổi một chút.
Trước kia, tôi thường đi ra nước ngoài một mình để dự các hội thảo y tế hay đi du lịch. Nay tôi đi cùng bố tôi.
Cũng giống như những gì mẹ tôi từng làm lúc sinh thời, tôi đồng hành cùng cha để có thể chăm sóc ông, nhưng cũng là để có ông bầu bạn.
Lúc cuối đời, khi mẹ bị bệnh quá nặng không thể đi xa được, bố tôi đã rất nhớ một người bạn đồng hành luôn chia sẻ với ông mọi chuyện trong những ngày họp dài và mệt mỏi.
Ở tuổi 88, sau khi mẹ tôi mất không lâu, bố tôi không còn mạnh khỏe như trước. Kể từ năm 2008, sau khi mẹ tôi lại phải trải qua một cơn đột quỵ, tôi chứng kiến bố mình tiều tụy và yếu đi nhiều. Sau khi mẹ tôi mất, sức khỏe của ông đi xuống nhiều và phải mất 3 tháng ông mới có thể bình phục phần nào.
Dù không còn khỏe mạnh, nhưng ông rất muốn đi tới mọi ngóc ngách trên trái đất này bởi ông tin rằng trong các chuyến đi, ông có thể học hỏi điều gì đó và mang về làm lợi cho đất nước Singapore.
Lúc này chúng tôi đang thực hiện một chuyến đi dài 16 ngày vòng quanh thế giới… Dù với một người đàn ông khỏe mạnh ở độ tuổi 88, lịch trình chuyến đi này cũng quá dày đặc. Đối với một người đàn ông đang điều chỉnh mình sau cái chết của người vợ, sức khỏe đã yếu đi nhiều, chuyến đi này càng trở nên khó khăn hơn.
Nhưng bố tôi luôn cho rằng chúng ta phải tiếp tục tiến lên và bất kỳ ai đứng lại đều sẽ phải gánh chịu hậu quả. Nếu ông có thể làm điều gì đó có lợi cho đất nước Singapore, ông sẽ làm dù cho tuổi tác cao hay sức khỏe có yếu thế nào chăng nữa. Về phần mình, tôi luôn cố gắng đi cùng ông, khi không bận công việc để đảm bảo ông sẽ được nghỉ ngơi đầy đủ.
Tôi đã phải nhắc ông không nên khiến cơ thể quá sức vì các chuyến đi, hay lịch trình làm việc quá dày đặc. Vị thế đã thay đổi, tôi bây giờ lại là người nhắc bố tôi không tập thể thao hay làm việc quá sức. Và tôi cảm thấy buồn vì điều đó.
Bởi tôi và bố hoàn toàn khác nhau. Nếu tôi có vấn đề về sức khỏe, có lẽ bệnh nhân sẽ nhớ tôi nhưng các đồng nghiệp tại bệnh viện có thể thay tôi chăm sóc cho họ. Nhưng vị trí của ông tại Singapore không ai có thể lấp đầy.
Khi tất cả đã kết thúc, bố tôi – và cả tôi nữa, bất chấp bệnh tật, đều đã sống mà không hối tiếc. Và dù có phải đối mặt với thứ gì đi chăng nữa, thái độ của ông với cuộc sống có thể được tóm lại bằng những dòng trong bài thơ “Bên cánh rừng một buổi chiều tuyết trắng” của Robert Frost:
Cánh rừng rất đẹp, rất tối và rất sâu,
Nhưng tôi còn những lời hứa phải thực hiện,
Và hàng dặm đường trước khi yên giấc,
Và hàng dặm đường trước khi yên giấc.