Cơn đau đầu của Mỹ tại Sinai
Vụ tấn công một đền thờ Hồi giáo ở Ai Cập có thể nhằm chứng tỏ IS vẫn còn khả năng gieo rắc sự chết chóc bất chấp mất gần hết lãnh thổ ở Iraq và Syria
Quân đội Ai Cập ngày 25-11 cho biết chiến đấu cơ của họ đã không kích trúng một số chiếc xe được sử dụng trong vụ tấn công đẫm máu một đền thờ Hồi giáo tại tỉnh Sinai, tiêu diệt toàn bộ người trên xe. Chiến dịch quân sự này được tiến hành sau khi Tổng thống Ai Cập Abdul Fattah al-Sisi tuyên bố sẽ trả đũa vụ khủng bố mới nhất tại Sinai bằng "sức mạnh tối đa".
Tàn bạo, liều lĩnh
Với 305 người thiệt mạng, vụ đánh bom và xả súng bên trong đền thờ al-Rawda ở thị trấn Bir al-Abed hôm 24-11 được xem là vụ tấn công đẫm máu nhất do các phần tử Hồi giáo cực đoan gây ra trong lịch sử hiện đại của Ai Cập. Chưa có nhóm nào lên tiếng nhận trách nhiệm vụ thảm sát này.
Tuy nhiên, theo tờ The Guardian, nghi phạm rõ ràng nhất chính là chi nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở địa phương. Nhóm này có tên là Wilayat al-Sinai (Nhà nước Hồi giáo ở Sinai), được biết đến với vai trò bị nghi ngờ trong vụ một máy bay hành khách Nga rơi ở Sinai, khiến 224 người thiệt mạng năm 2015.
Một manh mối chính là mục tiêu của vụ tấn công. Các nạn nhân là người Hồi giáo Sufi, một nhánh của dòng Hồi giáo Sunni nhưng bị IS xem là "người bội giáo". IS từng tuyên bố sẽ loại bỏ người Sufi khỏi Sinai nói riêng và Ai Cập nói chung.
Tỉnh Sinai đầy bất ổn ở miền Bắc Ai Cập đang được đặt trong tình trạng khẩn cấp kể từ tháng 10-2014 sau khi các tay súng Hồi giáo sát hại 30 binh sĩ. Những nỗ lực của chính phủ Ai Cập trong hơn 3 năm qua vẫn chưa trấn áp được cuộc nổi dậy của Wilayat al-Sinai - nhóm đã tăng cường tấn công binh sĩ, cảnh sát, nhà thờ ở khu vực thời gian gần đây.
Wilayat al-Sinai, gồm khoảng 1.000 thành viên, là một trong số hơn 10 chi nhánh được IS lập ra khắp Trung Đông năm 2014 trong động thái bành trướng tại khu vực. Theo một số nhà phân tích, vụ tấn công liều lĩnh nêu trên chứng tỏ hiểm họa từ các chi nhánh của IS, như Wilayat al-Sinai, trong việc trả thù cho những lãnh thổ bị mất ở Iraq và Syria.
Ông Shadi Hamid, một chuyên gia tại Viện Brookings (Mỹ), cho rằng một vụ tấn công có thể nhằm chứng tỏ IS vẫn tồn tại và có khả năng gieo rắc sự chết chóc, bất chấp mất gần hết lãnh thổ ở Iraq và Syria. Theo ông, một phương thức để làm thế là tiến hành các vụ tấn công khủng bố ngày càng kinh hoàng và đẫm máu.
Lỗi của Cairo?
Tuy nhiên, cũng có chuyên gia cho rằng thời điểm và mục tiêu được lựa chọn của vụ tấn công cho thấy sự tuyệt vọng đang tăng của những tay súng vẫn còn đi theo IS ở Ai Cập. Cho đến gần đây, theo tờ The Washington Post, bọn này tìm cách lôi kéo những người phản đối Tổng thống el-Sissi nắm quyền hoặc ủng hộ tổ chức Huynh đệ Hồi giáo đang bị Cairo xem là khủng bố. Giờ đây, vụ tấn công đền thờ al-Rawda cho thấy Wilayat al-Sinai không còn tập trung vào việc duy trì lãnh thổ chiếm giữ hoặc tuyển mộ thành viên mới.
Nói gì thì nói, tình hình an ninh bất ổn ở Sinai chắc chắn khiến Mỹ không khỏi đau đầu giữa lúc cuộc chiến chống IS đang đạt kết quả. Tướng Joseph F. Dunford Jr., Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, hồi tháng rồi đánh giá những chi nhánh của IS tại khu vực vẫn còn là nỗi lo lớn, trong đó có Wilayat al-Sinai.
Theo kênh Fox News, hiểm họa đang tăng của nhóm nổi dậy này có lỗi của chính phủ Ai Cập bởi chiến dịch chống khủng bố tại Sinai thời gian qua không đạt nhiều thành công. Những người chỉ trích cho rằng việc sử dụng sức mạnh quân sự "bừa bãi" trong cuộc chiến này khiến người dân địa phương thêm bất bình, cũng như thúc đẩy một số người Hồi giáo ôn hòa chuyển sang ủng hộ bọn cực đoan.
Giờ đây, theo một số quan chức Mỹ, vụ tấn công mới nhất ở Sinai nêu bật một thách thức cực kỳ lớn bởi nhà chức trách Ai Cập dường như chưa thể kiềm chế được Wilayat al-Sinai hoặc không chịu thừa nhận mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa này. Ông Stuart Jones, cựu quan chức Đại sứ quán Mỹ tại Cairo, cho rằng vụ tấn công chứng tỏ người Ai Cập cần Mỹ giúp đỡ về huấn luyện và cung cấp những vũ khí đặc biệt cần để đánh bại các nhóm nổi dậy.
Theo sau vụ thảm sát ở Sinai, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng Washington có thể giúp đỡ Cairo nhiều hơn nhưng không nói rõ chi tiết. Tuy nhiên, ông Jones hình dung về một chương trình tương tự những gì quân đội Mỹ đang tiến hành ở Iraq.
Theo Hoàng Phương
Người lao động