1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cơn chấn động sau đổ sụp Aleppo!

Chiến thắng Aleppo làm rệu rã, hoảng loạn, mất ý chí, mất nguồn lực của các nhóm nổi dậy.

Khi Aleppo được giải phóng thì có nghĩa là toàn bộ hệ thống phòng thủ của các nhóm nổi dậy được Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Vịnh nuôi dưỡng, hỗ trợ bị sụp đổ hoàn toàn.

Bởi lẽ khu vực Aleppo là một khu vực được bố trí phòng thủ mạnh nhất, có vị trí chiến lược quân sự cực kỳ quan trọng. Đó là cửa ngõ, cầu nối của các nhóm nổi dậy với Thổ Nhĩ Kỳ, như một yết hầu chiến lược của cả lực lượng bên ngoài muốn lật đổ Assad và của các nhóm nổi dậy bên trong.

Aleppo là tử huyệt nổi, đó là lý do vì sao các trận chiến xảy ra tại Đông Aleppo rất khốc liệt. Khốc liệt bên trong lẫn bên ngoài khi Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường sức ép, chuẩn bị áp đặt vùng cấm bay… trong khi đó Nga cũng đã phải điều động lực lượng “lớn nhất sau thế chiến 2” đến Syria để đối phó, đáp trả.

Giải phóng hoàn toàn thành phố Aleppo sau 4 năm bị các nhóm nổi dậy chiếm đóng, dù chưa phải kết thúc cuộc chiến Syria, song Nga-Syria đã giải quyết xong 2 nhiệm vụ lớn mang tầm chiến lược.

Người dân xuống đường ăn mừng giải phóng hoàn toàn Aleppo
Người dân xuống đường ăn mừng giải phóng hoàn toàn Aleppo

Bom Nga thổi bay khẩu hiệu “Assad must go!”

Mỹ-Phương Tây và các quốc gia vùng Vịnh trước khi Nga chưa hiện diện Tại Syria và thậm chí đến trước tháng 9/2016 khi liên quân Nga-Syria chưa mở chiến dịch Aleppo đều chắc mẩm rằng, với thế trận đó, chính quyền Assad bị lật đổ chỉ là vấn đề thời gian.

Phải công nhận rằng, Mỹ - phương Tây - các quốc gia vùng Vịnh đã tạo dựng cho lực lượng nổi dậy một vị thế và cả địa thế chính trị vững chắc tại thành phố Aleppo, thành phố có quy mô hơn cả Damascus ở phía Bắc Syria.

Có thể nói, đây là lực lượng chính mà họ dùng để “chia năm sẻ bảy” Syria, thực hiện ý đồ vẽ lại bản đồ Trung Đông của các thế lực hậu thuẫn, trong khi IS chỉ là chiêu bài và được coi như là “con bài tẩy” chiến lược sẽ dùng hoặc diệt theo tình hình.

Bắt đầu từ năm 2003, Mỹ-NATO đã thành công chiến lược “hỗn loạn có điều khiển” tạo ra một lò lửa tại Trung Đông, bởi lẽ người ta không thể chống khủng bố trong khi đồng cảm với mục tiêu khủng bố, nuôi dưỡng khủng bố. Iraq, Lybia… họ đã thành công và mục tiêu tiếp theo là Syria với chính quyền Assad.

“Assad must go!” là câu hò hét vang trời của đám khủng bố các loại tại Syria khi chúng được Mỹ-NATO và các quốc gia vùng Vịnh khởi xướng yêu sách.

Hàng ngàn lính đánh thuê khủng bố Hồi giáo được tuyển chọn, hàng triệu USD được bỏ ra của các quốc gia lắm tiền, cả chủ và tớ hý hửng sẽ có quyền lợi khi đất nước Syria tan nát như Lybia, Iraq…

Yêu sách “Assad must go!” đã nín lặng khi VKS Nga đã xuất hiện tại Syria.

Bộ thống soái Nga-Syria không phải là vô cớ khi coi lực lượng này là đối tượng tác chiến trực tiếp nguy hiểm, là lực lượng đe dọa đến an nguy, sống còn của chính quyền hợp pháp Assad, là lực lượng chính của các thế lực bên ngoài lật đổ chế độ.

Giải phóng Aleppo, Mỹ không còn gì để đàm phán, Thổ Nhĩ Kỳ phải thay đổi chính sách nếu như không muốn mất luôn vùng đệm an toàn, ngăn chặn lực lượng người Kurd Syria liên kết tại biên giới phía Bắc Syria, các quốc gia vùng Vịnh được một bài học: “Tiền không phải là tất cả, nó chỉ là tờ giấy, không tạo ra sức mạnh quân sự”…

Điều quan trọng là sự sụp đổ của Aleppo làm rõ đối với Mỹ, rằng sự ủng hộ và sử dụng “phe nổi dậy” cho sự hình thành một chính phủ tương lai của Syria là không có hy vọng.

Vậy, đến bây giờ, nếu còn có ai đó yêu sách“Assad must go” thì kẻ đó chỉ là kẻ hoang tưởng nặng.

Sụp đổ ý chí chiến đấu

Chiến thắng Aleppo làm rệu rã, hoảng loạn, mất ý chí, nguồn lực của các nhóm nổi dậy.

Đang có vị thế, địa thế tại Aleppo như vậy; đang được các thế lực tìm đủ cách để gây áp lực, thậm chí dùng cả IS để kéo giãn lực lượng Nga-Syria… nhưng vẫn không cứu được sự sụp đổ Aleppo thì tiếp theo các nhóm nổi dậy còn hy vọng điều gì?

Saudi, Qatar… có còn đổ tiền “đầu tư” vào một “dự án” mà họ biết chắc sẽ thất bại? Không thể và không hy vọng.

Lực lượng nổi dậy đã mất nguồn lực vật chất và tinh thần, trong khi quân đội Syria với sự hỗ trợ của VKS Nga đủ mạnh để đôi công không chỉ với họ mà cả liên minh do Mỹ đứng đầu thì… mất ý chí chiến đấu của một đội quân lý tưởng không rõ ràng, đánh thuê là không có gì lạ.

Aleppo như một cú đấm mạnh khiến lực lượng nổi dậy bị nốc ao. Sụp đổ vị thế chính trị, mất địa thế chính trị, lại đang bị dồn vào cái “nồi hơi” chưa đóng nắp Idlib… Bắt đầu từ đây, sụp đổ, đầu hàng, chỉ là vấn đề thời gian.

Khi cái gọi là lực lượng “nổi dậy”, “đối lập” đã không còn tác dụng, thì đã đến lúc con bài IS phải được dùng nó. Mỹ sẽ dùng IS ra sao? Nga-Syria sau chiến thắng Aleppo sẽ tiếp tục phát triển ở hướng nào? Liệu Nga-Syria có bảo vệ chắc Aleppo?...Cuộc chiến Syria đang còn nhiều gay go, quyết liệt.

Theo Lê Ngọc Thống

Đất Việt