1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Con bài NATO trong quan hệ Nga-Mỹ

(Dân trí) - Quan hệ Nga-Mỹ vốn lúc thường đã chẳng mấy khi "cơm lành canh ngọt" nay càng thêm căng thẳng khi Thượng viện Mỹ thông qua một dự luật hỗ trợ và cung cấp tài chính để giúp Ukraina và Gruzia trở thành thành viên của NATO.

Dự luật cũng hỗ trợ tư cách thành viên NATO tương lai như Albania, Croatia và Macedonia. Theo đó, trong năm 2008, Mỹ phân bổ 10 triệu USD cho Gruzia, 3,6 triệu USD cho Macedonia, 3,2 triệu USD cho Albania và 3 triệu USD cho Croatia để giúp các nước này gia nhập NATO.

Ông Lugar cho biết dự luật này sẽ cho phép Châu Âu, Mỹ và NATO tăng cường tự do và an ninh tại khu vực trên. Trước đó, ngày 6/3, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật này và nó sẽ được gửi cho Tổng thống Mỹ George W. Bush để ký thành luật.

 

Ông Nikolai Zlobin, Giám đốc các chương trình Nga và châu Á thuộc Viện An ninh Toàn cầu có trụ sở tại Wasinhton nói: "Nhà Trắng hiện quá bận với các vấn đề trong nước, vấn đề Iran và Bắc Triều Tiên. Do vậy, theo tôi việc tăng cường sự hợp tác Nga-Mỹ sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Wasinhton hơn là đối đầu với Nga trong vấn đề Ukraina và Gruzia".

 

Ông Zlobin cho biết việc Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết trên đã gửi tới Ukraina và Gruzia một thông điệp rõ ràng rằng "hãy cố gắng chịu đựng, đừng sợ Nga, Mỹ sẽ giúp các bạn". Theo ông Zlobin, nhiều chuyên gia Mỹ tin rằng ở một chừng mực nào đó, lập trường trên là thiếu rõ ràng và không khôn ngoan.

 

Ông Zlobin nói: "Về quan điểm chính trị, việc Ukraina và Gruzia gia nhập NATO sẽ được coi là một phần nỗ lực nhằm hạn chế ảnh hưởng chiến lược của Nga tại châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ động thái này có thể giúp tăng cường an ninh của Mỹ cũng như sẽ tác động tới an ninh toàn cầu như thế nào".

 

Mùa thu 2006, Gruzia đã bước vào giai đoạn "đối thoại chuyên sâu" với NATO. Gruzia dự kiến sẽ tham gia vào Kế hoạch Hành động Thành viên của NATO vào cuối năm 2007 hoặc đầu năm 2008.

 

Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Gruzia, ông Konstantin Gabashvili nói: "Quyết định của Thượng viện Mỹ là rất quan trọng bởi nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lập trường của tất cả các thành viên NATO khác. Tiến trình gia nhập NATO của Gruzia là không thể đảo ngược".

 

Tổng thống Ukraina Viktor Yushchenko và Thủ tướng nước này, ông Viktor Yanukovich hiện vẫn chưa có bất cứ bình luận công khai nào liên quan tới việc Thượng viện Mỹ thông qua dự luật trên. Tuy nhiên, một trợ lý của Tổng thống Yushchenko, bà Anna German đã gọi sự việc trên là một "tín hiệu tốt cho Ukraina".

 

Trong khi đó, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Toàn cầu Ukraina, ông Vadim Karasyev lại cho rằng các nhà chính trị tại Kiev coi dự luật trên của Thượng viện Mỹ là một tín hiệu cảnh báo của Mỹ tới Nga hơn là giúp thúc đẩy nhanh hơn tiến trình gia nhập NATO của nước này.

 

Ông Karasyev nói: "Rõ ràng là việc Mỹ triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa và cam kết mở rộng NATO về phía Đông là nhằm phục vụ cho chiến lược của họ để ngăn cản Nga theo đuổi các chính sách của nước này tại các nước Cộng hoà thuộc Liên Xô cũ".

 

Nga coi dự luật trên của Thượng viện Mỹ là một sự tiếp nối trong các nỗ lực của Wasinhton nhằm xây dựng một "thế giới đơn cực". Ngày 25/3, Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, ông Igor Ivanov cho biết sự mở rộng của NATO sẽ đi ngược lại lợi ích của chính liên minh quân sự này cũng như các nước đang tìm cách được gia nhập khối quân sự trên.

 

Tướng Vladimir Belous, một quan chức cấp cao của Viện Kinh tế học và Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Khoa học Nga cho biết để đáp lại các hoạt động ngày một gia tăng của Mỹ gần các khu vực biên giới của mình, Nga chỉ còn cách tiếp tục cải thiện hơn nữa tính năng chiến đấu của các tên lửa tầm xa, có thể xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa trên thế giới.

 

Dưới ánh sáng của những diễn tiến này, giới phân tích dự đoán rằng Mỹ có vẻ đang muốn thúc đẩy một cuộc chiến tranh lạnh với Nga và quan hệ giữa hai nước trong tương lai sẽ còn xấu hơn nữa.

 

Kiến Văn

Dòng sự kiện: Nga Mỹ lườm nguýt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm