1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Venezuela:

Cố Tổng thống Hugo Chavez bị vệ sỹ ám sát?

Mỹ và Venezuela đều chưa có phản ứng chính thức sau tuyên bố của bà Eva Golinger, khi nhà báo người Mỹ gốc Venezuela vừa công bố nhiều bằng chứng cho thấy cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã bị vệ sỹ Leamsy Salazar Villafana đầu độc, khiến ông mắc bệnh ung thư.

Đây không phải lần đầu tiên nghi vấn ông Hugo Chavez bị đầu độc được đề cập, nhưng cho tới nay chưa có bằng chứng nào chứng minh cho giả thiết kể trên, và hiện chủ đề này lại được đề cập sau khi nữ nhà báo Eva Golinger công bố kết quả điều tra riêng của mình.

Theo bà Eva Golinger, người đã nhiều lần bày tỏ hoài nghi về nguyên nhân dẫn tới cái chết của ông Hugo Chavez cho biết, ngày càng có thêm bằng chứng cho thấy, Washington liên quan tới căn bệnh ung thư mà cố Tổng thống Venezuela mắc phải. Và chính quyền Venezuela đang thu thập bằng chứng về mối quan hệ giữa Leamsy Salazar Villafana với DEA (cơ quan chống ma túy Mỹ) và CIA, cùng mức độ cung cấp tin mật cho tình báo Mỹ, cũng như kế hoạch đầu độc cố Tổng thống Hugo Chavez.

Leamsy Salazar Villafana (ở giữa, phía sau) được xem là người có liên quan tới cái chết của ông Hugo Chavez.
Leamsy Salazar Villafana (ở giữa, phía sau) được xem là người có liên quan tới cái chết của ông Hugo Chavez.

Được biết, Leamsy Salazar Villafana đã thương đàm với tình báo Mỹ về cuộc đào tẩu, và đảm bảo an toàn cho người thân trong gia đình mình. Điều đáng nói là DEA, không phải CIA đã lên kế hoạch để Leamsy Salazar Villafana cùng vợ tới Mỹ an toàn.

Thông tin về vụ đào tẩu của vợ chồng Leamsy Salazar Villafana từng được tờ ABC News (Mỹ) phiên bản tiếng Tây Ban Nha đề cập, và họ đang sống tại Mỹ theo chương trình bảo vệ nhân chứng đặc biệt của liên bang vì được coi là người cung cấp bằng chứng về mối quan hệ giữa chính phủ Venezuela với chính phủ Bolivia, trong đó có hoạt động buôn bán ma túy.

Nhà báo Eva Golinger cho rằng, Mỹ đã dựng lên mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo cấp cao của Venezuela với các băng đảng ma túy khét tiếng để tạo lý do cho việc Leamsy Salazar Villafana phản bội cố Tổng thống Hugo Chavez.

Theo giới truyền thông Mỹ, Leamsy Salazar Villafana đã trung thành phục vụ ông Hugo Chavez cho đến khi "phát hiện Tổng thống Venezuela sa lầy vào buôn bán ma túy". Nhưng theo điều tra của bà Eva Golinger, Leamsy Salazar Villafana cảm thấy nặng nhọc, chán chường với công việc bảo vệ Tổng thống và đã gục ngã trước sự dụ dỗ của tình báo Mỹ. Mẹ Leamsy Salazar Villafana đã xác nhận điều này.

Theo nhà báo Eva Golinger, Leamsy Salazar Villafana là người đảm nhiệm việc ăn uống của ông Hugo Chavez và bị tình báo Mỹ tìm mọi cách mua chuộc. Và có lẽ việc này diễn ra sau năm 2002 bởi theo một chương trình truyền hình đặc biệt được tổ chức nhằm tôn vinh thành tựu phá vỡ các nỗ lực đảo chính do Mỹ hậu thuẫn trong tháng 4-2002, người ta thấy Leamsy Salazar Villafana xuất hiện ở một vị trí danh dự bên cạnh Tổng thống Hugo Chavez.

Được biết, Leamsy Salazar Villafana từng bị điều tới làm việc tại căn cứ hải quân ở tỉnh Falcon (cuối năm 2002) và tới năm 2006, Tổng thống Hugo Chevez mới khôi phục vị trí làm việc cũ của vệ sỹ này. Và đó có thể là thời điểm Leamsy Salazar Villafana đã bị "mua".

Ông Hugo Chavez được chẩn đoán mắc bệnh ung thư lần đầu vào tháng 5-2011, sau đó phải phẫu thuật cắt khối u ở thủ đô La Havana, Cuba, nhưng bị di căn và qua đời ngày 5-3-2013. Sau cái chết của ông Hugo Chavez, Leamsy Salazar Villafana được cử bảo vệ Chủ tịch Quốc hội Diosdado Cabello. Nhưng sau đó, Leamsy Salazar Villafana lại chuyển công tác và kết hôn với Anabel Leal Linares, người từng tốt nghiệp Học viện Quân sự và được cố Tổng thống Hugo Chavez trao thanh kiếm danh dự.

Một trong những bức hình hiếm hoi cho thấy chân dung của Leamsy Salazar Villafana.
Một trong những bức hình hiếm hoi cho thấy chân dung của Leamsy Salazar Villafana.

Anabel Leal Linares từng làm việc tại bộ phận có quyền truy cập vào các thông tin mật liên quan tới việc mua sắm vũ khí nước ngoài của chính phủ Venezuela. Sau khi cưới, Leamsy Salazar Villafana và Anabel Leal Linares làm đơn xin phép đi Dominica hưởng tuần trăng mật. Và sau khi tới Dominica, họ đã bay tới Tây Ban Nha và qua Mỹ.

Điều đáng nói là thông tin về Leamsy Salazar Villafana chủ yếu đến từ các nguồn của Mỹ, không phải Venezuela. Và theo các nguồn tin kể trên, Leamsy Salazar Villafana sinh năm 1974 trong một gia đình khá giả tại huyện Petare thuộc thủ đô Venezuela. Sau khi tốt nghiệp trung học, Leamsy Salazar Villafana thi vào Học viện Hải quân và tốt nghiệp năm 1988.

Mặc dù kết quả học tập trung bình, nhưng năm 1999, Leamsy Salazar Villafana lại trở thành vệ sĩ cho Tổng thống Hugo Chavez. Và theo nữ nhà báo Eva Golinger, vị trí làm việc mới của Leamsy Salazar Villafana đến từ sự giúp đỡ của ông bố vợ đầu tiên là Tito Rincon Bravo, người từng làm Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela, dưới thời ông Hugo Chavez nắm quyền.

Hơn 3 năm trước (thượng tuần tháng 3-2013), khi phát biểu trên Đài truyền hình Telesur, Tổng thống Nicolas Maduro đã tuyên bố, chính phủ Venezuela sẽ thành lập một ủy ban đặc biệt để điều tra, làm rõ những nghi vấn liên quan đến căn bệnh ung thư của cố Tổng thống Hugo Chavez. Bởi ông Nicolas Maduro nghi ngờ ông Hugo Chavez đã bị đầu độc và Venezuela sẽ mời "các nhà khoa học giỏi nhất thế giới" tham gia điều tra.

Khi đó, Tổng thống Nicolas Maduro đã công khai bày tỏ hoài nghi về việc có ai đó khiến ông Hugo Chavez mắc bệnh ung thư vùng chậu. "Ông ấy mắc một dạng ung thư phá vỡ mọi định chuẩn. Dường như ai đó đã tác động đến sức khỏe của ông bằng cách sử dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất.

Ông ấy đã có linh cảm về điều này ngay từ đầu", Tổng thống Nicolas Maduro tuyên bố trên truyền hình, đồng thời so sánh cái chết của ông Hugo Chavez với cái chết của cố Tổng thống Palestine Yasser Arafat. Ngoài ra, ông Nicolas Maduro còn tuyên bố, 2 tùy viên quân sự Mỹ vừa bị trục xuất do có liên quan đến âm mưu kể trên.

Ngày 5-3-2013, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell đã bác bỏ cáo buộc của Venezuela khi tuyên bố, thật vô lý nếu cho rằng Mỹ đứng sau bệnh ung thư của Tổng thống Hugo Chavez. Trong khi đó, Lầu Năm Góc xác nhận việc 2 tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Mỹ ở Caracas bị trục xuất.

Cử hành tang lễ ông Hugo Chavez.
Cử hành tang lễ ông Hugo Chavez.

Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Rafael Ramirez cũng hy vọng ủy ban kể trên sẽ giúp đưa ra các bằng chứng về nghi vấn này. Đồng thời tin rằng, Mỹ và Israel là những quốc gia phải chịu trách nhiệm về cái chết của cố Tổng thống Hugo Chavez. Ngày 9-3-2013, Tổng thống Bolivia Evo Morales cho rằng, gần như chắc chắn Mỹ đã đầu độc cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez.

Khi đó, tờ El Universal còn dẫn lời ông Evo Morales nói về lần mời ông Hugo Chavez uống cà phê, nhưng đội cận vệ của Tổng thống Venezuela đã từ chối. "Làm sao các bạn lại nghĩ ông Evo Morales đầu độc tôi? và sau đó ông Hugo Chavez đã uống cốc cà phê kể trên", Tổng thống Evo Morales nói.

Bản thân cố Tổng thống Hugo Chavez cũng từng đặt câu hỏi (tháng 12-2011), liệu có một thế lực nào đã sử dụng công nghệ bí mật gây bệnh cho các nhà lãnh đạo Nam Mỹ hay không. Bởi nhiều nguyên thủ quốc gia tại Nam Mỹ bị chẩn đoán mắc ung thư như Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner, Tổng thống Paraguay Fernando Lugo, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và người tiền nhiệm của bà là ông Luiz Inacio Lula da Silva.

Ông Hugo Chavez qua đời chỉ 5 tháng sau khi tái đắc cử hồi tháng 10-2012, nhưng không thể làm lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới (kéo dài 6 năm) hôm 10-1-2013 vì phải chiến đấu với căn bệnh ung thư.

Trước khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư (tháng 5-2011), ông Hugo Chavez từng khiến dư luận trong và ngoài khu vực quan tâm khi tuyên bố (20-11-2010), tỷ phú Guillermo Zuloaga, trùm truyền thông Venezuela đang sống lưu vong tại Mỹ muốn mưu sát mình. Theo đó, tỷ phú Guillermo Zuloaga, chủ kênh truyền hình đối lập Globovision đã treo giải thưởng trị giá 100 triệu USD để ám sát ông Hugo Chavez.

Và đó không phải lần đầu tiên Tổng thống Hugo Chavez đưa ra những cảnh báo về việc bị các lực lượng đối lập lên kế hoạch ám sát. Trước đó (29-4-2010), Bộ trưởng Tư pháp Venezuela Tareck El Aissami cũng thông báo, cảnh sát đã bắt một người đàn ông (không công bố danh tính) vì bị tình nghi có ý định ám sát Tổng thống Hugo Chavez.

Theo thống kê, kể từ khi lên nắm quyền, cố Tổng thống Hugo Chavez liên tục phải đối mặt với các âm mưu ám sát của nhiều thế lực trong và ngoài Venezuela. Và ấn tượng nhất là tuyên bố hôm 2-6-2009 của Tổng thống Hugo Chavez - cáo buộc CIA lên kế hoạch ám sát ông và kẻ thực hiện là Luis Posada Carriles, trùm khủng bố Cuba, từng là nhân viên CIA.

Theo kế hoạch, ông Hugo Chavez sẽ tới El Salvador sáng 1-6-2009 bằng chiếc máy bay Cubana de Aviacion, để dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Mauricio Funes. Nhưng việc này đã bị huỷ vào phút cuối bởi Tổng thống Hugo Chavez nhận được tin cấp báo - sát thủ sẽ bắn hạ chiếc máy bay Cubana de Aviacion bằng tên lửa vác vai. Tuy nhiên, ông Hugo Chavez cũng nhấn mạnh, Tổng thống Barack Obama không liên quan tới việc này.

Cho tới nay, Venezuela vẫn tiếp tục yêu cầu Mỹ dẫn độ tên trùm khủng bố Luis Posada Carriles, kẻ từng bị cáo buộc chủ mưu vụ đánh bom khủng bố chiếc máy bay chở khách của Cuba năm 1976 khiến 73 người chết, về nước xét xử. Luis Posada Carriles thoát tội khủng bố chiếc máy bay chở khách của Cuba năm 1976 bởi toà "không có đủ chứng cứ".

Gần 9 năm trước (tháng 5-2007), Luis Posada Carriles từng được tòa án bang Texas, Mỹ trả tự do sau khi bị bắt giữ vì tội vượt biên trái phép qua biên giới Mexico. Giới truyền thông cho biết, từ năm 2002, CIA đã triển khai "chiến lược can dự" tại Venezuela và CIA đã chuyển cho các tổ chức xã hội, đảng phái chính trị đối lập, cộng đồng dân cư và những "dự án chính trị" ở nước này nhằm lật đổ chính phủ của Tổng thống Hugo Chavez.

Theo Mạnh Phong - Nhiệm Bình

Cảnh sát toàn cầu