Có phải Trung Quốc đã không còn “kiềm chế” ở Biển Đông?
Tại một cuộc hội thảo về những tranh cãi giữa Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản trên vùng biển Hoa Đông và Biển Đông tổ chức ở Đài Bắc mới đây, ông Lâm Trình Di – một chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Âu Mỹ Sinica (Đài Loan) cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc không còn áp dụng “chiến lược kiềm chế” trong tranh chấp Biển Đông”.
Trong ý kiến được hãng thông tấn Đài Loan (CNA) trích dẫn, ông Lâm nhận định, từ năm 2014, Trung Quốc đã thắt chặt kiểm soát các tranh chấp trên Biển Đông bằng cách tiến hành các dự án cải tạo, lấn biển bất hợp pháp tại một số đảo, bãi đá (mà Bắc Kinh đã chiếm đóng trái phép ở 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – PV) để củng cố yêu sách chủ quyền của mình ở khu vực.
Theo chuyên gia Đài Loan, các dự án cải tạo, lấn biển mà Trung Quốc đã và đang tiến hành trái phép ở Biển Đông không chỉ thay đổi địa mạo của quần đảo Trường Sa, mà còn chứng minh rằng Bắc Kinh đã từ bỏ “chiến lược kiềm chế” mà họ đã từng thực hiện trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở khu vực này.
Chiến lược mới của Trung Quốc ở Biển Đông bây giờ là kịch liệt phản đối việc quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông và sự can thiệp của các nước bên ngoài khu vực như Mỹ, Nhật... đồng thời, nhấn mạnh vào việc giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán song phương trực tiếp giữa các bên liên quan.
Mặt khác, Bắc Kinh tìm cách thúc đẩy chính sách “ngoại giao Biển Đông” bằng cách phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Việc Trung Quốc mở rộng, cải tạo trái phép các đảo, đá ở Hoàng Sa, Trường Sa, theo ông Tống Yến Huy – một chuyên gia cũng thuộc Viện nghiên cứu Âu Mỹ Sinica, đã cho phép Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện quân sự và kiểm soát của mình ở khu vực.
Tuy nhiên, nguy cơ xung đột quân sự trong khu vực cũng sẽ tăng lên do hành động này của Trung Quốc, khiến cho việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông trở thành một thách thức lớn.