Cơ hội vàng cho Syria
Tình hình Syria đang có những thay đổi “chóng mặt” theo hướng tích cực. Cả trên chiến trường và cả trên bình diện ngoại giao.
Dấu hiệu hòa bình bắt đầu le lói khi hầu hết các nước bên ngoài có can dự vào Syria cơ bản đã tìm được tiếng nói chung... Vấn đề là các phe phái bên trong Syria. Các phe phái lớn đã đồng ý sẽ cùng nhau dừng tiếng súng để tiến tới đàm phán hòa bình, chỉ còn những phản đối lạc lõng của một số nhóm nhỏ đối lập...
Nga chờ Mỹ “đả thông” các nhóm đối lập
Rạng sáng 10/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry đã kết thúc cuộc đàm phán kéo dài gần 13 tiếng tại Geneva (Thụy Sĩ). Hai bên đã nhất trí về một kế hoạch ngừng bắn tại Syria và thiết lập cơ sở cho tiến trình hòa bình tại quốc gia Trung Đông này.
Theo đó, lệnh ngừng bắn mới kéo dài được một tuần. Trong một tuần này, Mỹ và Nga có thể sẽ phối hợp với nhau thông qua một trung tâm đặc biệt được thành lập để tấn công các mục tiêu của tổ chức khủng bố Mặt trận al-Nusra và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Mỹ và Nga đều coi thỏa thuận về ngừng bắn kéo dài một tuần tại Syria mang tính bước ngoặt, đem lại hy vọng lớn có thể đưa các bên xung đột tại Syria trở lại bàn đàm phán, giúp vãn hồi hòa bình cho người dân Syria. Thỏa thuận ngừng bắn kéo dài một tuần này cũng bao gồm cung cấp sự tiếp cận viện trợ nhân đạo và hợp tác quân sự chung chống lại các nhóm khủng bố.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau khi kết thúc đàm phán, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định cả Mỹ và Nga đều hy vọng thỏa thuận sẽ giúp giảm bạo lực và nối lại hoạt động hướng tới một nền hòa bình thông qua đàm phán và sự chuyển tiếp chính trị tại Syria. Ngoại trưởng Mỹ mong muốn Nga sẽ gây áp lực lên Chính phủ Syria, giúp chấm dứt xung đột và trở lại bàn đàm phán tiến tới hòa bình.
Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov xác nhận kế hoạch ngừng bắn mới vừa được nhất trí. Tuy nhiên, ông Lavrov nhấn mạnh không thể đảm bảo chắc chắn 100% việc thực thi thỏa thuận mà Nga và Mỹ vừa đạt được, bởi có nhiều bên tham gia - là lực lượng được Mỹ hậu thuẫn, và có tham gia vào quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng Syria được cho là sẽ phản đối các thỏa thuận này.
Ngay trong các tuyên bố đưa ra, người ta đã nhìn thấy rõ sự nghi ngờ của cả Nga và Mỹ cũng như các nhóm tại Syria, cho dù Thỏa thuận quan trọng vừa đạt được về vấn đề Syria đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nước như Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ... và các nước trong khu vực. Nhiều nước phương Tây đã bày tỏ những ý kiến trái chiều.
Báo chí Italy bình luận Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thành công trong việc xoay chuyển bàn cờ chiến sự và chính trị ở Syria khi buộc Washington phải ngồi vào bàn đàm phán.
Trong khi đó, chính từ Syria, thỏa thuận này cũng vấp phải sự phản đối từ một số nhóm đối lập. Ngày 12-9, Bộ Ngoại giao Nga đã bày tỏ quan ngại về một số nhóm đối lập vũ trang tại Syria, trong đó có nhóm phiến quân Ahrar al-Sham (A-ra An Sam), từ chối tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn vừa có hiệu lực ở quốc gia Trung Đông này. Nhóm Ahrar al-Sham - nhóm phiến quân có tầm ảnh hưởng lớn tại Syria hiện ra tuyên bố bác bỏ thỏa thuận với lý do thỏa thuận này "chỉ nhằm củng cố chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad".
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Moskva đang trông chờ Mỹ gây ảnh hưởng tới "phe đối lập ôn hòa" ở Syria để đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn được tuân thủ đầy đủ.
Chặn đứng chiến tranh, con đường duy nhất là đàm phán hòa bình
Ngày 12-9, lệnh ngừng bắn lịch sử tại Syria do Mỹ và Nga làm trung gian và được ký kết hôm 10-9, sau khi gạt ra bên lề nhiều bất đồng, đã bắt đầu có hiệu lực. Đây là một phần của thỏa thuận hướng tới chấm dứt cuộc chiến giữa lực lượng phiến quân và quân đội chính quyền quốc gia Trung Đông này. Lệnh ngừng bắn do Nga và Mỹ làm trung gian, chính thức có hiệu lực lúc 19 giờ (giờ địa phương - tức 16 giờ GMT) trên khắp lãnh thổ Syria, trừ các khu vực do lực lượng thánh chiến Hồi giáo kiểm soát.
Thỏa thuận mang tính đột phá này kêu gọi ngừng giao tranh trên khắp Syria và tăng cường viện trợ nhân đạo cho thành phố Aleppo. Thứ trưởng Ngoại giao Nga, đồng thời là Đặc phái viên Tổng thống Nga về Trung Đông và châu Phi, Mikhail Bogdanov ngày 12-9 cho biết vòng đàm phán mới giữa Chính phủ Syria và phe đối lập có thể diễn ra đầu tháng 10 tới.
Sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, tối 12-9, quân đội Syria đã thông báo ngừng mọi hoạt động quân sự trong vòng 7 ngày. Trong tuyên bố đăng trên truyền hình nhà nước, quân đội Syria cho biết quá trình ngừng các hoạt động quân sự sẽ bắt đầu vào lúc 19 giờ (giờ địa phương - 16 giờ GMT) và kéo dài đến nửa đêm 18-9 (21 giờ GMT) "trên lãnh thổ nước Cộng hòa Arập Syria".
Theo các điều khoản, nếu như lệnh ngừng bắn này được tuân thủ nghiêm túc trong 7 ngày, Mỹ và Nga sẽ tiến hành một chiến dịch phối hợp oanh kích nhằm vào các phiến quân thánh chiến ở Syria, trong khi không quân Syria không được phép bay trên vùng trời các khu vực mà quân nổi dậy kiểm soát. Bộ Quốc phòng Nga cũng nói thêm, lệnh ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực lúc 16 giờ (GMT) trên toàn lãnh thổ Syria sẽ được giám sát bằng các máy bay không người lái và quân đội Syria đã tuyên bố sẵn sàng nỗ lực hết mình để tuân thủ lệnh ngừng bắn.
Trong ngày 12-9, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã xuất hiện trước công chúng trong buổi cầu nguyện nhân dịp lễ Eid al-Adha (hay còn gọi là Lễ Hiến sinh) của người Hồi giáo tại thị trấn Daraya, ngoại ô thủ đô Damascus.
Những tín hiệu tích cực cũng đã liên tục được phát đi. Cùng ngày, Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) đại diện cho liên minh gồm nhiều nhóm đối lập ở Syria kêu gọi có những "đảm bảo" về việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn do Nga và Mỹ làm trung gian trước khi chấp thuận thỏa thuận này.
Các nhà bình luận nhận định, Thỏa thuận ngừng bắn tại Syria là "Cơ hội vàng" để giải quyết khủng hoảng Syria. Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Konstantin Kosachev nhận định: Có thể coi thỏa thuận ngừng bắn mới tại Syria, vừa đạt được rạng sáng 10-9 giữa Nga và Mỹ, là cơ hội lớn nhất từ trước tới nay, cho phép các bên xung đột tại Syria có thể ngồi vào bàn đàm phán, giải quyết xung đột và vãn hồi hòa bình bằng con đường ngoại giao.
Chủ tịch Kosachev cũng đồng thời cảnh báo thỏa thuận này có được tuân thủ hay không và văn kiện vừa được ký kết tại Geneva (Thụy Sĩ) giữa Nga và Mỹ có thể trở thành tài liệu mang ý nghĩa lịch sử hay không còn phụ thuộc vào thái độ của chính quyền Syria và các phe phái đối lập có vũ trang ở Syria. Bên cạnh đó, nó còn phụ thuộc vào thái độ của một bên thứ ba - đó là các tổ chức khủng bố đang chi phối tình hình Syria.
Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế Thượng viện Nga khẳng định: "Con đường tốt nhất đó chính là đàm phán ngoại giao. Ngoại giao cần phải chặn đứng chiến tranh. Thời khắc ngày 10/9 tại Geneva cần đi vào lịch sử Syria như một thời điểm chấm dứt tiếng súng, chấm dứt chiến tranh".
Bộ Quốc phòng Nga đã kêu gọi lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA) ngừng giao tranh với các đơn vị người Kurd để giúp hỗ trợ thực thi thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời cho biết họ đang cân nhắc yêu cầu của quân đội Syria về cung cấp các trang thiết bị giám sát ngừng bắn.
Bộ Quốc phòng Nga khẳng định Moskva sẽ tiếp tục tiến hành không kích nhằm vào tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Mặt trận al-Nusra (đã đổi tên thành Jabhat Fateh al-Sham). Theo cơ quan này, một trung tâm điều phối chung Mỹ-Nga sắp được thành lập để xác định các mục tiêu tấn công của Nga và liên quân do Mỹ đứng đầu.
Theo Hoa Huyền (tổng hợp)
An ninh thế giới