Cơ hội lớn hơn cho hàng Việt vào Nga
Các biện pháp hạn chế phương Tây áp dụng đối với Nga không ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Việt - Nga, mà tạo cơ hội lớn hơn cho hàng hóa Việt thâm nhập thị trường rộng lớn này, đặc biệt khi Việt Nam tham gia Liên minh Kinh tế Á - Âu.
Đại biện lâm thời Liên bang Nga tại Việt Nam Vadim Bublikov (ảnh: Trúc Quỳnh)
Ông đánh giá thế nào về quan hệ Việt - Nga trong bối cảnh hiện nay?
Quan hệ hai nước trong 65 năm qua phát triển rất tích cực, đặc biệt từ khi thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2012. Quan hệ hai nước đang phát triển trong rất nhiều lĩnh vực, trước hết là thương mại, dầu khí, năng lượng, điện hạt nhân… Năm nay, hy vọng Việt Nam sẽ ký hiệp định Liên minh Kinh tế Á - Âu để mở rộng quan hệ thương mại, tăng cường đầu tư, dịch vụ… Giáo dục - đào tạo cũng là lĩnh vực hợp tác quan trọng, có nhiều tiềm năng lớn.
Những chính sách mà phương Tây thực hiện đối với Nga không ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ song phương Việt - Nga. Ngược lại, các biện pháp hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng từ phương Tây sang Nga lại tạo cơ hội cho các nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam tăng xuất khẩu hàng hóa, trước tiên là nông sản, hải sản, hàng tiêu dùng sang thị trường Nga. Chúng tôi đã đề nghị các nhà sản xuất Việt Nam nghiên cứu tiềm năng thị trường Nga. Chúng tôi cũng mời các nhà đầu tư Việt Nam thực hiện các dự án trên lãnh thổ Liên bang Nga, trong lĩnh vực dệt may, chế biến gỗ, chế biến hải sản…
Trong lĩnh vực ưu tiên hợp tác là dầu khí, chúng ta biết là Liên doanh Vietsovpetro hoạt động rất hiệu quả, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Một số công ty lớn của Nga như Gazprom, Rosneft cũng đang thực hiện các dự án lớn ở thềm lục địa của Việt Nam, trong khi các dự án hợp tác dầu khí của hai bên đang được thực hiện ở Nga. Chúng tôi mời các nhà đầu tư Việt Nam thực hiện các dự án ở Nga. Tôi xin nhấn mạnh lại, các biện pháp của phương Tây áp dụng với Nga mang lại cơ hội cho Việt Nam và các nước khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng khối lượng thương mại và mở rộng quan hệ hợp tác với Liên bang Nga.
Vẫn tiếp tục các dự án dầu khí
Theo ông, việc giá dầu giảm sâu như hiện nay ảnh hưởng các dự án hợp tác dầu khí Việt - Nga như thế nào?
Dự án dầu khí nào cũng chịu ảnh hưởng từ việc giá dầu giảm. Đây là lúc mà các dự án khai thác dầu khí phải thực hiện việc cắt giảm chi phí. Giá dầu sụt giảm là nguy cơ, nhưng cũng là cơ hội. Nếu giá dầu vẫn cao, không ai quan tâm đến việc giảm chi phí để tăng hiệu quả. Các dự án hợp tác dầu khí tại Việt Nam vẫn đang tiếp tục, và các dự án hợp tác hai bên tại Nga cũng vậy.
Liên minh Kinh tế Á - Âu sẽ tạo ra thay đổi như thế nào trong thời gian tới?
Chúng tôi hy vọng hiệp định giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu có thể được ký kết trong nửa đầu năm nay. Và tôi xin nhấn mạnh, Việt Nam sẽ là nước ngoài đầu tiên tham gia. Đây không chỉ là hiệp định thương mại tự do mà còn bao gồm nhiều lĩnh vực, như đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác… Khi tham gia, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường Nga vì nhu cầu của thị trường Nga đối với một số mặt hàng Việt Nam như nông sản, hàng tiêu dùng… tương đối lớn.
Ông đánh giá ra sao về hợp tác quân sự, quốc phòng giữa hai nước?
Đây là lĩnh vực hợp tác rất quan trọng của hai nước. Chúng tôi đặc biệt chú ý phát triển quan hệ này. Nga sẵn sàng mở rộng hợp tác trong lĩnh vực này với Việt Nam.
Nga đang bận giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine và gặp nhiều khó khăn kinh tế. Liệu điều đó có ảnh hưởng việc Nga hợp tác với các nước khác, bao gồm Việt Nam?
Quan hệ Nga - Ukraine không ảnh hưởng quan hệ với Việt Nam. Các dự án đầu tư được thực hiện bởi các nhà đầu tư, kinh doanh, nên chỉ phụ thuộc yếu tố thị trường.
Cảm ơn ông.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm do Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga tổ chức, ông Đào Trọng Thi, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga, khẳng định, tình hữu nghị đặc biệt qua những biến động lịch sử là nền tảng vững chắc cho sự hợp tác và quan hệ đối tác chiến lược Việt - Nga. Đặc biệt từ khi Việt Nam và Nga thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2001 và đối tác chiến lược toàn diện năm 2012, quan hệ hợp tác song phương ngày càng phát triển trên mọi lĩnh vực, từ chính trị đến kinh tế, thương mại, đầu tư đến năng lượng, dầu khí, điện hạt nhân, an ninh, quốc phòng, giáo dục, đào tạo… |