1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quanh số tiền 400 triệu USD Mỹ chuyển trả cho Iran:

Cơ hội cho Đảng Cộng hòa “nắm thóp”

Ngày 3-8, báo chí Mỹ đồng loạt đưa tin về việc Mỹ chuyển số tiền mặt 400 triệu USD bằng máy bay cho Iran ngay sau khi 4 người Mỹ bị bắt giữ ở Iran được trả tự do hồi đầu tháng 1-2016.

Thông tin này đã khơi lại một cuộc tranh cãi trong đó đảng Cộng hòa cáo buộc chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã trả tiền để mua sự tự do cho những người Mỹ bị bắt.

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan là một trong những người chộp ngay câu chuyện đăng trên báo để tung ra lập luận rằng việc này đã chứng minh cho những nghi ngờ của ông về việc chính quyền Mỹ che giấu khoản tiền chuộc để 4 người Mỹ được thả. Ứng cử viên Tổng thống Donald Trump gọi đó là một trong những “thất bại” trong chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ.

4 người Mỹ bị Iran bắt giam đã được trả tự do hồi tháng 1-2016.
4 người Mỹ bị Iran bắt giam đã được trả tự do hồi tháng 1-2016.

Ngoài các thành viên đảng Cộng hòa, một số thành phần khác trong xã hội Mỹ, chẳng hạn như Bộ Chỉ huy Quân đoàn Cách mạng Hồi giáo (CIRGC) cũng xem 400 triệu USD Nhà Trắng chuyển cho Iran là “tiền chuộc”. CIRGC đã nói thẳng trên truyền thông Mỹ rằng, số tiền đó được Mỹ trả cho Iran để 4 người Mỹ được thả hồi tháng 1-2016.

Thực ra, số tiền 400 triệu USD đó đã được để dành từ lâu để chi trả cho Iran vì đây vốn là tiền của Iran đã gửi ở Mỹ cách đây vài chục năm, kèm theo lãi suất khoảng 1,3 tỉ USD. Số tiền này đã được Iran gửi tại ngân hàng Mỹ từ trước cách mạng Hồi giáo năm 1979 dùng để mua khí tài quân sự của Mỹ. Sau vụ con tin người Mỹ bị bắt giữ tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran, Tổng thống Jimmy Carter đã ra lệnh đóng băng khoản tiền này.

Nhiều năm nay, Iran đã cố gắng tìm cách thu hồi khoản tiền này nhưng không thành công. Đây không phải khoản tiền tranh chấp duy nhất giữa Mỹ và Iran. Hồi tháng 5, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố sẽ kiện Mỹ ra tòa án quốc tế.

Nhà báo jason Rezaian (thứ hai phải sang) cùng vợ, anh trai và mẹ tại bệnh viện quân y landstuhl (Đức) sau khi được trả tự do.
Nhà báo jason Rezaian (thứ hai phải sang) cùng vợ, anh trai và mẹ tại bệnh viện quân y landstuhl (Đức) sau khi được trả tự do.

Nguyên nhân là do Tòa án Tối cao Mỹ ngày 20-4 ra phán quyết yêu cầu Iran phải chuyển số tài sản bị đóng băng trị giá 2 tỷ USD cho những người sống sót và thân nhân người thiệt mạng trong các vụ tấn công mà Tehran bị cáo buộc có liên quan.

Ngày 3-8, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đều bác bỏ cáo buộc của đảng Cộng hòa rằng số tiền trên được chuyển trả cho Iran nằm trong sự sắp xếp để 4 người Mỹ được trả tự do. Các chuyên gia, học giả Iran cũng cho rằng, về mặt thời gian, vụ việc chuyển tiền có vẻ gây hiểu nhầm, nhưng thực chất tranh chấp về khoản tiền này đã kéo dài hơn 3 thập kỷ, và việc giải quyết dứt điểm nó là điều tốt.

Barbara Slavin, Giám đốc Sáng kiến Tương lai Iran tại tổ chức Atlantic Council (Hội đồng Đại Tây Dương) nhận định: “Những người chống đối việc ký thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ gọi đây là tiền chuộc và những người ủng hộ thỏa thuận sẽ gọi là tiền bồi thường”.

Phạm vi và quy mô của thỏa thuận chuyển tiền cho Iran đã được thông tin từ ngày 17-1-2016, đúng ngày Nhà Trắng thông báo việc trả tự do cho 4 người Mỹ bị bắt giam ở Iran và một thỏa thuận dàn xếp trong một phiên xử tại Tòa án tranh chấp Mỹ-Iran ở La Haye.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói rằng, các phái đoàn đàm phán riêng rẽ đã được thành lập để đàm phán với Iran về thỏa thuận hạt nhân, việc trao trả tù nhân và việc dàn xếp chuyển trả tiền cho Iran. Việc thành lập riêng các phái đoàn đàm phán là để phân định rõ ràng rằng các thỏa thuận không có liên quan gì đến số tiền 1,7 tỉ USD mà Mỹ phải trả cho Iran (cả gốc lẫn lãi).

Ông Toner cho rằng, nếu vụ việc tranh chấp phải giải quyết tại một phiên tòa trọng tài thì số tiền Mỹ phải chi trả còn cao hơn nữa. Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest kết luận: “Cần phải nói rõ rằng Mỹ không trả tiền chuộc cho Iran”, và cho rằng những cáo buộc của phía đảng Cộng hòa là sai sự thật.

Không chỉ số tiền 400 triệu vừa nhận được, trong quá khứ Iran cũng đã phải trải qua nhiều cuộc đấu tranh với chính quyền Mỹ để đòi lại các tài sản bị phong tỏa, đóng băng ở Mỹ. Trong một thỏa thuận dẫn đến việc Iran thả 52 con tin còn lại trong vụ con tin Đại sứ quán Mỹ năm 1981, Iran được nhận 3 tỉ USD trong tổng số tài sản trị giá 12 tỉ bị Mỹ phong tỏa, số còn lại dùng chi trả cho các chủ nợ Mỹ và ký quỹ để chi trả án phí.

Khoản tiền 400 triệu Mỹ chuyển cho Iran là một trong số các vụ dàn xếp tài sản kiểu đó. Vụ việc này rất quan trọng đối với Iran. Họ đã đặt vấn đề trong những cuộc gặp song phương từ năm 2001. Khi đó phái đoàn Mỹ đối thoại với Iran về vấn đề Afghanistan do nhà ngoại giao Hillary Mann Leverett dẫn đầu. Bà Leverett cho biết vấn đề này luôn được ưu tiên hàng đầu.

Theo bà Leverett, suốt quá trình đòi lại tài sản, người Iran thường không đòi hỏi những khoản chi trả lớn cho mỗi cá nhân bị bắt giam. Bà này dẫn lại vụ những “phượt thủ” người Mỹ đi lạc vào lãnh thổ Iran và bị bắt với cáo buộc “gián điệp” cách đây vài năm. Hai người cuối cùng được thả và rời Iran vào năm 2011, mỗi người 500.000 USD tiền chuộc.

Tuy nhiên, bà Leverett khẳng định, gọi là “tiền chuộc” nhưng thực ra đó là hành động hợp tác trao đổi giữa hai bên Mỹ và Iran, một bên cần người của mình được thả, bên còn lại cần tài sản của mình phải được trả về mình. Bob Baer, một cựu điệp viên CIA hoạt động ở Trung Đông, nay đã chuyển nghề, cho rằng vụ dàn xếp chuyển tiền của Nhà Trắng trông có vẻ “có vấn đề” là bởi vì nó có liên quan đến Iran. Thế thôi.

Theo Văn Trương (tổng hợp)

An ninh thế giới