1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Có gì trong chiến lược an ninh Mỹ khiến Nga, Trung Quốc “nóng mặt”?

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/12 đã công bố chiến lược an ninh quốc gia mới, gần 1 năm sau khi ông nhậm chức. Chiến lược an ninh này khiến Nga và Trung Quốc phản ứng gay gắt.


Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Chiến lược an ninh đưa ra định hướng chiến lược mang tính tích cực cho Mỹ nhằm khôi phục lợi thế của nước Mỹ trên thế giới và phát triển dựa trên những thế mạnh to lớn của đất nước. Chiến lược an ninh cũng chỉ ra những thách thức hàng đầu đối với vị thế của Mỹ.

Tuy nhiên, chiến lược này cũng khiến Nga và Trung Quốc ngay lập tức có những phản ứng gay gắt. Trong khi Nga cho rằng Mỹ thể hiện bản chất đế quốc trong chiến lược an ninh mới do Tổng thống Donald Trump công bố ngày 18/12, Trung Quốc chỉ trích Washington mang tâm lý Chiến tranh Lạnh.

Dưới đây là những điểm chính trong chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ.

An ninh kinh tế là an ninh quốc gia


Mỹ coi an ninh kinh tế là an ninh quốc gia (Ảnh: Reuters)

Mỹ coi an ninh kinh tế là an ninh quốc gia (Ảnh: Reuters)

Trong bài phát biểu hồi đầu tháng trước tại Hội nghị APEC diễn ra ở Đà Nẵng, Tổng thống Trump từng nhấn mạnh: “Mỹ đã nhắc đi nhắc lại rằng an ninh kinh tế không đơn thuần là liên quan đến an ninh quốc gia, mà an ninh kinh tế CHÍNH LÀ an ninh quốc gia. Nó vô cùng quan trọng đối với sức mạnh dân tộc”.

Chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Trump hướng trọng tâm vào các mối quan hệ kinh tế của Mỹ với các quốc gia khác với quan điểm rằng an ninh kinh tế là nền tảng cho an ninh quốc gia.

Chiến lược an ninh mới công bố thể hiện rõ quan điểm “Nước Mỹ trên hết” mà ông Trump không chỉ đưa ra trong chiến dịch tranh cử mà còn hiện là “kim chỉ nam” cho các chính sách đối ngoại của Mỹ.

Trên cơ sở đó, chiến lược an ninh đặc biệt chú trọng tới sự mất cân bằng thương mại giữa Mỹ với các quốc gia khác, đồng thời cảnh báo “sự cạnh tranh kinh tế khốc liệt” từ các nước như Trung Quốc là những quan ngại an ninh quốc gia.

“Mỹ sẽ không tiếp tục nhắm mắt làm ngơ trước các vi phạm, gian lận về kinh tế”, chiến lược nêu rõ.

Nga, Trung Quốc là những “cường quốc đối thủ”


Mỹ coi Nga, Trung Quốc là những cường quốc đối thủ. (Ảnh minh họa: Getty)

Mỹ coi Nga, Trung Quốc là "những cường quốc đối thủ". (Ảnh minh họa: Getty)

Chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ dành khá nhiều nội dung để đề cập tới Nga và Trung Quốc là những quốc gia “thách thức quyền lực, tầm ảnh hưởng, lợi ích của Mỹ và họ cũng tìm cách để hủy hoại an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ”.

Trong bài phát biểu công bố chiến lược an ninh, Tổng thống Trump gọi Nga và Trung Quốc là những “cường quốc đối thủ”.

Theo chiến lược an ninh này, Trung Quốc bị cáo buộc lạm dụng thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ và tiếp tục là mục tiêu chính của chính quyền Mỹ nhằm bảo vệ an ninh kinh tế. "Nước Mỹ sẽ không khoan dung trước các hành động lạm dụng về thương mại kéo dài và sẽ theo đuổi các mối quan hệ kinh tế tự do, công bằng và có đi có lại", văn kiện nêu rõ.

Liên quan đến Nga, chiến lược an ninh của Tổng thống Trump cáo buộc Nga “gây bất ổn”, “can dự vào các vấn đề chính trị nội bộ của nhiều quốc gia trên thế giới”.

"Họ (Nga và Trung Quốc) tìm cách làm cho nền kinh tế ít tự do, ít công bằng hơn để phát triển quân đội, và để kiểm soát thông tin, dữ liệu để chi phối xã hội và mở rộng tầm ảnh hưởng", tài liệu an ninh nhận định.

Các mối đe dọa hàng đầu


Triều Tiên, Iran bị coi là mối đe dọa hàng đầu với an ninh quốc gia Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Triều Tiên, Iran bị coi là mối đe dọa hàng đầu với an ninh quốc gia Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Theo chiến lược an ninh mới, các nước bị coi là mối đe dọa hàng đầu của Mỹ là Triều Tiên và Iran.

Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên cùng với các hoạt động tên lửa đạn đạo trở thành mối lo ngại an ninh quốc gia lớn nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Trong khi đó, vấn đề Iran tài trợ khủng bố cùng với nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng của nước này tại Trung Đông cũng là điều đáng lo ngại với Mỹ.

Để đối phó với các mối đe dọa khủng bố thánh chiến, chiến lược an ninh mới của Mỹ kêu gọi duy trì các chiến dịch quân sự chống các tổ chức khủng bố như IS, ngăn chặn tình trạng cực đoan hóa ở Mỹ.

Chiến lược an ninh cũng đề cập tới tầm quan trọng của về an ninh mạng và kiểm soát nhập cư.

Biến đổi khí hậu không còn là mối đe dọa an ninh quốc gia


Biến đổi khí hậu không còn là mối đe dọa an ninh quốc gia với Mỹ. (Ảnh: Getty)

Biến đổi khí hậu không còn là mối đe dọa an ninh quốc gia với Mỹ. (Ảnh: Getty)

Điểm khác biệt lớn nhất trong chiến lược an ninh quốc gia của Tổng thống Trump so với của người tiền nhiệm Barack Obama đó là không còn coi biến đổi khí hậu là mối đe dọa an ninh.

Chiến lược an ninh mới đề cập đến "tầm quan trọng của việc quản lý môi trường" sau khi nhấn mạnh "sự thống trị về năng lượng", bao gồm khai thác các nguồn tài nguyên năng lượng của Mỹ như than đá, khí đốt tự nhiên, dầu thô.

Quyết định của Tổng thống Trump loại bỏ biến đổi khí hậu khỏi chiến lược an ninh có lẽ không bất ngờ bởi hồi đầu năm nay ông đã tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu bất chấp sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.

Gìn giữ hòa bình thông qua sức mạnh


Mỹ sẽ xây dựng lại sức mạnh quân sự của nước Mỹ để đảm bảo rằng nước Mỹ sẽ luôn đứng đầu. (Ảnh minh họa: EPA)

Mỹ sẽ xây dựng lại sức mạnh quân sự của nước Mỹ để đảm bảo rằng nước Mỹ sẽ luôn đứng đầu. (Ảnh minh họa: EPA)

Chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Trump nói rằng: “Mỹ sẽ xây dựng lại sức mạnh quân sự của nước Mỹ để đảm bảo rằng nước Mỹ sẽ luôn đứng đầu. Nước Mỹ sẽ sử dụng tất cả các công cụ của nhà nước trong một kỷ nguyên mới về cạnh tranh chiến lược - ngoại giao, thông tin, quân sự và kinh tế - để bảo vệ lợi ích của chúng ta”.

“Các đồng minh và đối tác của nước Mỹ giúp tăng cường quyền lực của chúng ta và bảo vệ lợi ích chung của chúng ta. Chúng ta hy vọng họ nhận lãnh trách nhiệm lớn hơn trong việc giải quyết các mối đe dọa chung. Chúng ta sẽ đảm bảo rằng sự cân bằng quyền lực vẫn được duy trì theo hướng có lợi cho nước Mỹ tại các khu vực trọng điểm của thế giới: Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, châu Âu, và Trung Đông”, văn kiện nhấn mạnh.

Minh Phương

Tổng hợp