Clinton và sứ mệnh cải thiện hình ảnh của Mỹ trong thế giới Hồi giáo
(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chiều nay đã tới Indonesia, quốc gia có số người Hồi giáo đông nhất thế giới, trong một sứ mệnh nhằm cải thiện hình ảnh của Mỹ ở nước ngoài, đặc biệt là trong thế giới Hồi giáo.
Máy bay của nữ Ngoại trưởng Mỹ đã hạ cánh xuống sân bay Perdanakusuma ở Jakarta trước sự chào đón của đoàn quan chức cấp cao nước chủ nhà và 44 học sinh nữ từ trường tiểu học Menteng One nơi nhà lãnh đạo Mỹ Barack Obama theo học thơi thơ ấu.
Ông Obama từng sống ở Indonesia khi còn nhỏ và đã hứa sẽ tăng cường quan hệ với thế giới Hồi giáo sau cuộc chiến của Mỹ tại Iraq và Afghanistan dưới thời người tiền nhiệm George W. Bush.
“Chúng ta có trách nhiệm phải nói thẳng, để hợp tác với thế giới Hồi giáo dựa trên sự thay đổi tích cực và để tranh thủ sự giúp đỡ của người Hồi giáo trên khắp thế giới nhằm chống lại các thành phần tử cực đoan”, bà Clinton phát biểu trước các sinh viên tại Nhật Bản hôm thứ 3.
“Hôm nay, rất khó để làm điều đó tại nhiều khu vực trên thế giới”, bà Clinton nói và thừa nhận rằng cuộc chiến tại Iraq là một trở ngại gây ảnh hưởng tới quan hệ của Mỹ với thế giới Hồi giáo.
Indonesia là quốc gia có số người Hồi giáo đông nhất thế giới và nước này cũng có quan hệ cá nhân với Tổng thống Obama. Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới, bà Clinton nói bà muốn theo bước chân của ông Obama và “nói chuyện trực tiếp với người Hồi giáo”.
Bà Clinton đã gợi lại những ngày thơ ấu của tân Tổng thống Mỹ tại trường tiểu học Menteng One ở Jakarta vào những năm 1960. Mối quan hệ cá nhân với Indonesia cũng đã giúp ông Obama trở nên rất được yêu mến tại đất nước này.
Nhưng trong khi đa phần người Hồi giáo ở Indonesia có quan điểm ôn hòa, đất nước này cũng chứng kiến tình trạng bạo lực của những người Hồi Giáo cực đoan quá khích, trong đó có vụ đánh bom tại hộp đêm ở Bali năm 2002 khiến hơn 200 người thiệt mạng.
Một nhóm nhỏ những người Hồi giáo cực đoan vẫn kêu gọi “thánh chiến” chống lại phương Tây và yêu cầu thi hành luật Luật Sharia hà khắc của đạo Hồi tại Indonesia.
Các nhóm quá khích của Indonesia đã phản đối các nỗ lực của ông Obama nhằm vươn tới thế giới hiện đại, cho rằng Washington chỉ muốn lợi dụng Indonesia để thúc đẩy cái mà họ gọi là các chính sách chống Hồi giáo. Một nhóm gồm 50 sinh viên đạo Hồi đã tụ tập bên ngoài đại sứ quán Mỹ ở Jakarta, mang theo các khẩu hiệu chống Mỹ phản đối chuyến thăm của bà Clinton.
Lịch trình kéo dài 2 ngày của Ngoại trưởng Mỹ bao gồm một chuyến thăm tới văn phòng của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) tại Jakarta và có khả năng bà Clinton sẽ thông báo ý định của Mỹ muốn tham gia Hiệp ước hữu nghị và hợp tác của ASEAN. Các quan chức Mỹ cho hay, bà Clinton cũng sẽ cam kết tham dự hội nghị ngoại trưởng thường niên của khối tại Thái Lan trong năm nay.
Phát triển kinh tế và thay đổi khí hậu là những vấn đề chính trong chương trình nghị sự của các cuộc hội đàm giữa bà Clinton với các lãnh đạo Indonesia, bên cạnh vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Iran và cuộc chiến tại Afghanistan.
Trong điểm dừng chân đầu tiên của bà Clinton tại Nhật Bản, các cuộc hội đàm trong 2 ngày chủ yếu tập trung vào chương trình hạt nhân của Triều Tiên, các mối đe dọa về một vụ thử tên lửa và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Sau Indonesia, bà Clinton sẽ tới Hàn Quốc và Trung Quốc, nơi vấn đề hạt nhân của Triều Tiên có thể cũng là một chủ đề chính của các cuộc hội đàm.
An Bình
Theo AP