Chuyện về mộ bố ông Tập Cận Bình
Thông tin trên tờ Zee News (Ấn Độ) đang khiến dư luận quốc gia hơn 1,34 tỷ người quan tâm khi đề cập tới ông Tập Trọng Huân, bố đẻ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình.
Tượng của ông Tập Trọng Huân.
Và việc này càng thu hút sự chú ý của du khách thập phương khi Tây An, thủ phủ của Thiểm Tây là quê hương của ông Tập Cận Bình đang được xây dựng với nhiều công trình trị giá hàng tỷ USD, bởi người ta muốn biến tỉnh nhà của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương thành một khu vực sầm uất, phát triển giống như xưa kia. Thành phố Tây An từng là trung tâm của con đường tơ lụa cổ xưa, và hiện là một trong những điểm hút du khách tới thăm mộ phần của ông Tập Trọng Huân.
Hướng dẫn viên luôn nói với đám đông đứng phía trước bức tượng bằng sa thạch tạc hình ông Tập Trọng Huân ở Tây An: "Hãy nghiêng mình 3 lần để tỏ lòng tôn kính với lãnh đạo". Việc tưởng niệm ông Tập Trọng Huân hiện rất được dư luận và các giới quan tâm bởi nhiều nguyên nhân, đặc biệt khi ông Tập Cận Bình đang là hạt nhân lãnh đạo của “thê đội 5”.
Giới truyền thông Trung Quốc cũng đã và đang tạo một hình ảnh đẹp về ông Tập Cận Bình với thế giới bên ngoài, nhất là khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương từng được tạp chí Time bình chọn (năm 2009) là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới.
Ông Tập Cận Bình.
Hơn nữa, ông Tập Trọng Huân được coi là một trong bát đại nguyên lão thời kỳ Đặng Tiểu Bình nắm quyền, là người dìu dắt cựu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Và làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông đúng thời điểm Trung Quốc bắt đầu tiến hành cải cách mở cửa, nên được coi là người đề ra mô hình đặc khu kinh tế Thâm Quyến.
Tên gọi khi mới sinh (15/10/1913 - 24/5/2002, trong một trang trại nông dân ở huyện Phú Bình, tỉnh Thiểm Tây) của ông Tập Trọng Huân là Tập Trung Huân, tự Tương Cận. Trong thời kỳ cách mạng ruộng đất, ông Tập Trọng Huân là một trong những lãnh đạo của khu Thiểm Bắc, là người sáng lập chính căn cứ địa cách mạng khu vực Thiểm Cam. Trước khi gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1928), ông Tập Trọng Huân gia nhập Liên đoàn Thanh niên Cộng sản (tháng 5/1926).
Cha mẹ Tập Cận Bình thời trẻ. Bà Tề Tâm, mẹ ông Tập Cận Bình là vợ thứ 2 của ông Tập Trọng Huân.
Trong thập niên 1930, ông Tập Trọng Huân hoạt động tích cực tại khu vực Tây Bắc, Thiểm Bắc, Thiểm Cam và được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng. Tới tháng 10/1935, ông Tập Trọng Huân hội quân với Chủ tịch Mao Trạch Đông. Ngày 28/4/1944, ông Tập Trọng Huân kết hôn với bà Tề Tâm và sinh được 5 người con, trong đó có ông Tập Cận Bình (15/6/1953).
Tháng 6/1945, ông Tập Trọng Huân được bầu làm ủy viên dự khuyết trung ương (bổ sung). Chỉ 2 tháng sau (tháng 8/1945), ông Tập Trọng Huân được cử làm Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương. Ông Tập Trọng Huân được coi là một trong những người thuộc thế hệ lãnh đạo đầu tiên của Trung Quốc nên sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập (1/10/1949), được cử làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương (tháng 9/1952), Phó Chủ tịch Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Trung ương.
Vì được đánh giá là người có khả năng nên tháng 4/1959, ông Tập Trọng Huân được cử làm Phó Thủ tướng, phụ trách công tác hàng ngày của chính phủ kiêm Tổng thư ký Quốc vụ viện. Nhưng đến cuối tháng 9/1962, ông Tập Trọng Huân bị mất chức Phó Thủ tướng vì bị coi là phần tử chống đảng, chống lại Chủ tịch Mao Trạch Đông. Người khiến ông Tập Trọng Huân mất ghế Phó Thủ tướng là trùm mật vụ Khang Sinh với cáo buộc: “Tập đoàn phản đảng Tập Trọng Huân”, “Tập đoàn phản đảng Tây Bắc”.
Hai cha con Tập Cận Bình.
Mặc dù ông Tập Trọng Huân đã đưa ra những kiến giải, nhưng đều bị coi là “không trung thực”, “chống đối đảng”. Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Tập Trọng Huân quyết định gặp Thủ tướng Chu Ân Lai để xin phép không tham dự hội nghị Trung ương 10 khóa 8. Ngày 24/9/1962, khi Chủ tịch Mao Trạch Đông phát biểu tại hội nghị trung ương 10 khóa 8, Khang Sinh đã gửi một mẩu giấy trong đó ghi: Việc lợi dụng cuốn tiểu thuyết “Lưu Chí Đan” để loại trừ các hoạt động chống đảng là một phát minh lớn.
Cũng trong ngày 24/9/1962, Khang Sinh đã kiến nghị và được hội nghị trung ương 10 khóa 8 thông qua. Theo đó, Bành Đức Hoài, Tập Trọng Huân, Trương Văn Thiên, Hoàng Khắc Thành, Chu Tiểu Đan là những người phải bị điều tra. Chiều 27/9/1962, hội nghị trung ương 10 khóa 8 quyết định thành lập 2 Ủy ban điều tra đối với Bành Đức Hoài và Tập Trọng Huân. Ủy ban điều tra Tập Trọng Huân do Khang Sinh làm trưởng ban, An Tử Văn, Trương Đạt Chí, Vương Ân Mậu, Trương Đức Sinh, Dương Tĩnh Nhân, Vương Thế Thái làm uỷ viên.
Ảnh gia đình Tập Cận Bình: Cha - Tập Trọng Huân, mẹ - Tề Tâm, là con thứ 3 trong gia đình 4 chị em - Chị cả Tập Kiều Kiều (phải), chị 2 Tập An An (giữa) và em út Tập Viễn Bình (trái).
Sau một thời gian bị điều tra, tháng 12/1965, ông Tập Trọng Huân bị đưa tới làm việc tại Lạc Dương, tỉnh Hà Nam. Tháng 1/1967, ông Tập Trọng Huân bị đấu tố tại nhiều địa phương ở tỉnh Thiểm Tây. Sau đó, ông Tập Trọng Huân bị giam lỏng tới 8 năm. Tháng 5/1975, ông Tập Trọng Huân tiếp tục bị thẩm vấn, điều tra. Ngày 15/11/1976, ông Tập Trọng Huân viết thư gửi Trung ương sau khi biết tin “Bè lũ 4 tên” bị đánh đổ. Sau khi đề cập tới nhiều vấn đề, cuối thư ông Tập Trọng Huân ký tên cùng dòng chữ: đảng viên Tập Trọng Huân của Mao Chủ tịch vẫn chưa được phục hồi sinh hoạt.
Ngày 24/8/1977, ông Tập Trọng Huân tiếp tục viết thư gửi Chủ tịch Hoa Quốc Phong, Phó Chủ tịch Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình, Lý Tiên Niệm và Uông Đông Hưng.
Ba cha con, Tập Trọng Huân, Tập Cận Bình và Tập Viễn Bình.
Cùng thời gian này, bà Tề Tâm, vợ ông Tập Trọng Huân thường xuyên tới Lạc Dương, Bắc Kinh để kêu oan cho chồng. Sau khi trực tiếp gặp Phó Chủ tịch Diệp Kiếm Anh và Trưởng ban tổ chức trung ương Hồ Diệu Bang trình bày án oan của chồng, bà Tề Tâm cảm thấy yên tâm hơn. Ngày 22/2/1978, sau khi đáp chuyến tàu hoả rời Lạc Dương tới Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, ông Tập Trọng Huân đã không kìm chế được cảm xúc lúc ôm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam và nói: đây là lần đầu tiên sau 16 năm (1962-1978) tôi ôm một người khác.
Sau 1 ngày nghỉ tại tỉnh Hà Nam, ông Tập Trọng Huân đáp tàu hoả tới Bắc Kinh. Từ 24/2 đến 8/3/1978, ông Tập Trọng Huân được mời tham dự hội nghị lần thứ nhất của Ủy ban Chính hiệp lần thứ 5. Tại hội nghị này, Đặng Tiểu Bình được bầu làm Chủ tịch, còn ông Tập Trọng Huân được bầu làm Ủy viên thường trực. Cũng trong thời gian này, hội nghị lần thứ nhất của Quốc hội khóa 5 cũng khai mạc và ông Tập Trọng Huân được mời tham dự.
Ngày 14/7/1979, bản báo cáo liên quan tới cuốn tiểu thuyết “Lưu Chí Đan” được công bố. Theo đó, việc viết và xuất bản cuốn tiểu thuyết “Lưu Chí Đan” là có kế hoạch từ trước, không liên quan gì tới ông Tập Trọng Huân. Ngày 4/8/1979, Trung ương phê chuẩn báo cáo kể trên, đồng thời quyết định, minh oan và phục hồi danh dự cho ông Tập Trọng Huân. Ngày 25/2/1980, Trung ương còn ra thông tri về vấn đề này. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Diệp Kiếm Anh đã gặp và nói chuyện với ông Tập Trọng Huân, đồng thời đề nghị cựu Phó Thủ tướng tới tỉnh Quảng Đông làm việc. Đây là quyết định đã được Phó Chủ tịch Diệp Kiếm Anh thảo luận trước với Chủ tịch Hoa Quốc Phong và Đặng Tiểu Bình.
Bốn chị em Tập Cận Bình bên người mẹ, bà Tề Tâm. Tập Cận Bình đứng bên phải, Tập Viễn Bình bên trái.
Trước khi tới nhận công tác tại tỉnh Quảng Đông, 5 ủy viên thường vụ Bộ chính trị là Chủ tịch Hoa Quốc Phong, Phó Chủ tịch Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình, Lý Tiên Niệm và Uông Đông Hưng đều gặp ông Tập Trọng Huân bởi họ hy vọng, cựu Phó Thủ tướng sẽ khôi phục và phát triển mọi mặt của một khu vực có vị trí địa-chính trị quan trọng. Khi đó ông Tập Trọng Huân tới tỉnh Quảng Đông làm việc với tư cách Bí thư thứ hai, “Phó tướng” cho Bí thư tỉnh ủy Ngô Nam Sinh. Sau đó ông Tập Trọng Huân được cử làm Bí thư thứ nhất tỉnh ủy Quảng Đông, kiêm Chính ủy thứ hai quân khu Quảng Châu.
Tháng 9/1980, ông Tập Trọng Huân được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội khóa 5. Tháng 6/1981, ông Tập Trọng Huân được bầu vào Ban bí thư, Uỷ viên Bộ chính trị khoá 12 (tháng 9/1982). Đến tháng 4/1988, ông Tập Trọng Huân lại được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội khóa 7.
Giới truyền thông từng xếp ông Tập Cận Bình và bà Bành Lệ Viện là một trong những gia đình chuẩn mực của giới chính khách Trung Quốc bởi họ đều thành đạt trong sự nghiệp, có mối tình đầy lãng mạn và nuôi dạy con gái ngoan. Ông Tập Cận Bình đã làm quen với vợ (sinh ngày 20/11/1962) khi đang là Phó Thị trưởng thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến. Trước đây, niềm vui lớn nhất của ông Tập Trọng Huân sau những giờ làm việc căng thẳng là nuôi dậy, chăm sóc và vui đùa cùng với con, và nay ông Tập Cận Bình cũng có sở thích như vậy. Khi trả lời phỏng vấn của kênh CCTV 10 năm trước (2004-2014), bà Bành Lệ Viện cho biết, gia đình từng bị đấu tố thời Cách mạng văn hóa - bố bị liệt vào hàng ngũ phản động do có người thân làm việc trong quân đội Đài Loan, nhưng mới 14 tuổi, bà vẫn theo học thanh nhạc và gia nhập quân đội khi 18 tuổi (1980). |
Đệ nhất tiểu thư Tập Minh Trạch, còn được gọi thân mật trong gia đình là Mộc Tử. Theo đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viện, người đặt tên cho con gái là cố Phó Thủ tướng Tập Trọng Huân bởi ông nội muốn cháu mình sau này làm người một cách đàng hoàng, minh bạch, là người có tác dụng đối với xã hội. Theo tâm sự của Đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viện, khi mang thai bà muốn sinh con trai, nhưng chồng lại thích con gái và Tập Minh Trạch rất giống bố. Đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viện cho biết, vì cả 2 vợ chồng đều bận công tác, ít khi có điều kiện chăm sóc con gái, nên họ thống nhất với nhau - khi có mặt cả 3 người sẽ cố gắng đáp ứng yêu cầu của Mộc Tử và một trong những sở thích của cô là được mẹ ôm khi đi ngủ. |
Theo Đông Ngàn - Từ Sơn
Petrotimes