1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Người Việt Nam tại Nga:

Chuyện tình làng nghĩa xóm và những số phận bấp bênh nơi xa xứ

(Dân trí) - Người Việt ta ở đâu cũng vậy, đa phần là trọng chữ tình chữ nghĩa hơn cả bạc vàng. Trong cuộc sống tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng sự đùm bọc thương yêu nhau, nhất là những lúc xa quê hương càng rõ rệt. Nhưng vẫn còn đó những số phận bấp bênh...

Chuyện tình làng nghĩa xóm và những số phận bấp bênh nơi xa xứ - 1


Chuyện tình làng nghĩa xóm và những số phận bấp bênh nơi xa xứ - 2
Những hình ảnh ghi lại sau khi 1 xưởng may ở trung tâm thương mại Dubrovska bị buộc đóng cửa hồi tháng 6/2011

Nối vòng tay yêu thương

 

Trường hợp anh Nguyễn Văn Thương, sinh năm 1989, quê ở xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ an mới đây là một thí dụ. Sang Nga năm 2008, anh hết đi trồng rau rồi dạt xuống tận vùng Kavkaz cách xa Mátxcơva (Mát) hàng ngàn km làm thợ xây dựng. Trong một ngày bất hạnh (24/10/2011), tai nạn ập đến bất ngờ cướp đi mạng sống của anh khi không một người thân bên cạnh, chỉ có những người bạn cùng cảnh ngộ…

 

Gia đình của anh Thương ở Việt Nam rất nghèo.  Nhận được hung tin họ chỉ biết khóc sụt sùi rồi cũng đành trăm sự nhờ cậy vào những người xa lạ trên đất Nga. Vậy là bà con cùng quê ở Mát và Hội đồng hương Nghệ An hết sức thông cảm, cùng chung tay giúp đỡ với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”…

 

Chúng tôi chia nhau đi vận động quyên tiền ở các chợ Liu (TTTM Mátxcơva), ốp Rưubac…Cảm động nhất là chị Chung vợ anh Hưng, bụng chửa vượt mặt mà vẫn không quản giá rét mang hộp giấy cạc-tông từ thiện đến từng quầy bán hàng để nhận những đồng rúp quyên góp của bà con…

 

Hay như anh Trần Quang Bảo (Hội đồng hương Nghệ An) lo đi quyên tiền mà về nhà bị cảm lạnh. Anh Bảo cũng là người xông xáo nhất, lo lắng chạy từng việc cụ thể cho đến khi thi hài (lọ tro) của anh Nguyễn Văn Thương về VN an toàn…Hỏi anh Bảo về sự quan tâm sâu sắc đến người xấu số, anh chỉ nói: “ Họ tội nghiệp quá anh ạ, không có người thân ở đây. Hội tuy mới thành lập nhưng dù sao thì cũng là người cùng quê Nghệ An, mình không lo thì ai lo…"

 

Và còn nhiều lắm những tấm lòng nghĩa cử. Như chị Thu Trang tự nguyện đi làm phiên dịch suốt mấy ngày liền cho bà con quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh…khi vụ cháy thương tâm gây tử vong xảy ra ở nhà hàng Sông Lam hồi năm 2010. Khi tôi hỏi chị về những việc làm vô tư ấy, chị cười nhẹ: “Tôi chỉ nghĩ đơn giản một điều là bà con gặp hoạn nạn, mình có chút ít vốn tiếng Nga thì chạy tới chạy lui giúp đỡ cũng là điều bình thường thôi mà!”

 

Hay nhiều vụ việc khác liên quan đến những sự thiệt hại về người và của mà Ban Công tác cộng đồng của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã phải lo lắng cho bà con mỗi khi có sự cố xảy ra trong bao năm qua.
 
Chuyện tình làng nghĩa xóm và những số phận bấp bênh nơi xa xứ - 3
Bên ngoài một "ốp" ở của người Việt và Trung Quốc  cạnh chợ Chim (Sadovo) - (ảnh chụp tháng 10/2011)
 

Một miếng khi đói…

 

Năm 2008, khi vừa  từ dưới đường metro Arbat đi lên, tôi bắt gặp một cô gái Việt Nam đang phải xin ăn bên vệ đường. Thoạt đầu tôi cứ ngỡ cô ấy là người Trung Quốc hoặc một nước châu Á nào khác… Thật là bất ngờ, điều này ngoài sự tưởng tượng bởi tôi chưa bao giờ gặp trường hợp tương tự với người Việt ở Nga vì thông thường nếu quá quẫn bách, họ vẫn còn chỗ mà ra. Đó là tìm đến với các bà con đồng hương của mình.

 

Khi biết tôi cũng là người Việt Nam, cô mếu máo: “Xưởng may của bọn em bị vỡ, chạy lung tung cả, em bị lạc đường. Tiếng Nga không biết gì vì vừa sang chưa được một tháng, hộ chiếu chủ xưởng cầm, tiền không có, chẳng biết làm sao nên đành đứng đây …” 
 
Do bận công chuyện gấp không thể đưa cô đi được, tôi đành đưa cho cô ít tiền và thuê người lái taxi chở cô ra chợ Vòm cũ, sau khi dặn dò cô cẩn thận và cho cô số điện thoại của tôi. Mấy hôm sau cô alô cho tôi nói lời cảm ơn và kể là đã gặp bà con đồng hương ở chợ, họ giúp cô tìm được việc làm rồi. Thật may cho cô.

 

Sau đó, vào một đêm mùa đông năm 2009 tôi đang trên đường về nhà ở ngoại ô Mát. Vừa ra khỏi bến tàu, tôi đụng ngay một cậu thanh niên mà nhìn qua đã biết là người Việt Nam mình dù xung quanh có khá nhiều dân Trung Á trông cũng hao hao…Cậu ta còn hỏi tôi là "Metro ở đâu?" Tôi hơi ngỡ ngàng và nói với cậu ta: “ Đây là ngoại ô làm gì có metro?” Cậu chàng càng lo lắng hơn khi thấy xuất hiện mấy bóng cảnh sát trờ trờ đi đến từ phía xa. Tôi vội kéo cậu vào cửa phòng bán vé và hỏi han sự việc.

 

Hóa ra cậu ta cũng vừa sang Nga làm thợ may được vài tháng tại 1 xưởng may vùng Ivanchevka. Đồng lương thấp, ăn uống kham khổ, cuộc sống lại tù túng, nỗi lo nhà chức trách khám xét bắt bớ người như các xưởng bên cạnh lại thỉnh thoảng ám ảnh…(khác với những gì họ hứa lúc tuyển người ở Việt Nam). Vì không chịu nổi nên cậu liều trèo qua tường phủ dây kẽm gai ra ngoài bắt taxi đến đây, nhưng lại tưởng đã ở trong nội đô.

 

Khi biết cậu ta cũng không một xu dính túi, không điện thoại, không cả giấy tờ tùy thân, tôi ái ngại dúi vào tay ít tiền và mua vé tàu đi Mát cho cậu cho kịp giờ vì đồng hồ đã chỉ 22 giờ 30 phút. Cũng may cậu ta có bà con ở chợ Mát và tôi đã liên lạc được với họ, đồng thời thông báo cho người nhà ra ga Yaroslavski (khu vực Ba nhà ga) đón. Từ đó vào Mát cũng phải 1 tiếng đồng hồ đi xe nữa.

 

Sau khi đưa cậu ta vào toa ngồi cạnh mấy ông bà già người Nga có vẻ hiền từ và nhờ họ trông nom cẩn thận giùm, tôi mới an tâm ra về. Đến 24 giờ khuya thì tôi nhận được điện thoại người nhà cậu ta (và nghe có cả tiếng nói của cậu ta) thông báo đã gặp và đưa về nhà an toàn, đồng thời họ cảm ơn rất nhiều.

 

Với tôi, trong hàng chục năm ở Nga, hai kỉ niệm nhỏ ấy cứ làm tôi áy náy mãi và cảm thấy thương cảm cho số phận nơi đất khách quê người của bà con ta.

 

Họ tha phương cầu thực vì mưu sinh nơi xứ lạ, nhưng những mối nguy hiểm khi “sểnh nhà ra thất nghiệp” là hoàn toàn không lường được. Như cậu thanh niên này hay như cô gái nọ, cũng do hoàn cảnh xô đẩy mà lạc bước trên đường giữa bao người xa lạ với những ánh mắt khó hiểu... Thương cảm họ bao nhiêu, lòng tôi lại càng vấn vương những câu hỏi: Sao vẫn có những người nhẹ dạ như thế? Thời đại này rồi mà sao vẫn chấp nhận đi xa làm ăn theo kiểu may rủi như vậy?…

 

Võ Hoài Nam (từ Mátxcơva)