Chuyến thăm hai bên chiến tuyến Nga - Ukraine của lãnh đạo Trung - Nhật
(Dân trí) - Trong lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nga, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tới thăm Ukraine.
Chuyến thăm hai bên chiến tuyến
Đầu tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đều công du châu Âu. Trong khi nhà lãnh đạo Trung Quốc có chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Nga, người đứng đầu chính phủ Nhật Bản thăm chớp nhoáng Ukraine.
Trong một thông cáo phát đi trước thềm chuyến thăm, ông Tập Cận Bình khẳng định sẵn sàng hợp tác với Nga để bảo vệ trật tự thế giới. Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh, chuyến thăm của ông tới Nga là "hành trình hữu nghị, hợp tác và hòa bình" và sẽ mở ra chương mới trong quan hệ song phương Nga - Trung. Ông Tập cũng tuyên bố, Trung Quốc giữ lập trường khách quan và không thiên vị đối với cuộc khủng hoảng Ukraine, tích cực thúc đẩy đàm phán hòa bình.
Đây là chuyến thăm đã được dự đoán từ nhiều tháng trước và diễn ra không lâu sau khi ông Tập tái đắc cử.
Trong lúc Nga mở tiệc chiêu đãi vị khách từ châu Á và hai bên ký kết hàng loạt thỏa thuận quan trọng, ở biên kia biên giới, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tới thăm thủ đô Kiev của Ukraine. Tại đây, ông có cuộc hội đàm kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ với Tổng thống Volodymyr Zelensky. Ông Kishida trở thành Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên đến vùng chiến sự kể từ Thế chiến II.
Theo StraitsTimes, để thực hiện chuyến thăm này là cả một quá trình phức tạp. Mọi công tác sắp xếp chuyến thăm đều được giữ bí mật. Kế hoạch của ông Kishida gặp khá nhiều trở ngại bởi trùng thời gian họp nghị viện và bị cản trở bởi truyền thống lâu nay rằng lãnh đạo Nhật Bản không đến thăm vùng chiến sự. Do vậy, trước tiên, ông phải được một ủy ban lưỡng viện chấp thuận vắng họp. Tuy nhiên, việc tiết lộ điểm đến là Kiev kéo theo rủi ro an ninh trong trường hợp rò rỉ thông tin.
Do đó, phía Nhật Bản đã bí mật phối hợp với Ấn Độ và Ba Lan để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chuyến đi. Trên giấy tờ, ông Kishida được cho là đến thăm Ấn Độ từ ngày 19/3 đến 22/3, nhưng lịch trình không cụ thể. Toàn bộ chương trình nghị sự chính như hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và công bố bản cập nhật Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở dự kiến vào ngày 20-21/3 đều trống.
Đến rạng sáng 21/3, ông bí mật lên máy bay riêng để đến Ba Lan, để lại phái đoàn cùng nhóm truyền thông ở Ấn Độ. Truyền thông chỉ được tiếp cận sau khi nhà lãnh đạo Nhật Bản di chuyển 10 giờ đồng hồ bằng tàu hỏa từ thành phố biên giới Przemysl của Ba Lan đến Kiev của Ukraine.
Sự phân cực
Giới quan sát nhận định, chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình nhằm hai mục đích chính gồm củng cố quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow, đồng thời xây dựng hình ảnh Trung Quốc là bên trung gian hòa giải, kiến tạo hòa bình. Một số ý kiến cho rằng, sau khi trở về từ Moscow, ông Tập Cận Bình có thể điện đàm hoặc hội đàm trực tuyến với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Trong khi đó, nói về chuyến công du Ukraine của Thủ tướng Kishida, Tiến sĩ James D.J. Brown của Đại học Temple (Nhật Bản) nói: "Đây là một bước đi nữa của Nhật Bản với tư cách là một chủ thể an ninh".
Kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, Nhật Bản đã cam kết viện trợ tài chính, nhân đạo và một số lĩnh vực khác cho Ukraine lên đến 7,1 tỷ USD. Tuy không cung cấp vũ khí sát thương, nhưng Nhật Bản chuyển cho Ukraine máy bay không người lái trinh sát, áo chống đạn, mũ bảo hiểm, trang phục tác chiến mùa đông, lều trại và các trang thiết bị khác. Trong chuyến thăm hôm 21/3, ông Kishida cam kết viện trợ thêm 470 triệu USD giúp Ukraine khôi phục hệ thống điện và 30 triệu USD trang thiết bị quân sự phi sát thương.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng tham gia vào các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Tổng thống Zelensky đã gọi Nhật Bản là "người bảo vệ mạnh mẽ trật tự thế giới và người bạn hữu của Ukraine".
Chuyên gia Brown cho rằng, chuyến công du của hai nhà lãnh đạo châu Á đến Nga và Ukraine đang cho thấy sự phân cực địa chính trị. "Điều này phản ánh một châu Á phân cực (trong vấn đề Ukraine). Trung Quốc ra sức thể hiện là một bên trung gian hòa giải, nhưng vẫn có phần nghiêng về Nga", ông nói.
Theo các chuyên gia, sự phân cực giữa Nhật Bản và Trung Quốc sẽ còn thể hiện vào tháng 5 tới khi Thủ tướng Kishida chủ trì hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima. Ông Kishida đã mời Tổng thống Ukraine dự hội nghị trực tuyến. Ông cũng nhấn mạnh, hội nghị sẽ cho thấy quyết tâm mạnh mẽ nhằm bảo vệ trật tự thế giới dựa trên luật pháp.
Trước khi ông Tập Cận Bình đến Nga, Bắc Kinh đã đưa ra kế hoạch hòa bình 12 điểm, trong đó có yêu cầu các bên ngừng bắn, tôn trọng toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ của các quốc gia. Tuy nhiên, Ukraine và phương Tây tỏ ra thận trọng với kế hoạch này, điều họ muốn là Trung Quốc sẽ thuyết phục Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine và tiến tới một thỏa thuận hòa bình bền vững.
"Ukraine có thể cảm thấy rằng họ phải lịch sự với Trung Quốc, nhưng đề xuất này không được hoan nghênh vì họ lo ngại rằng bất kỳ lệnh ngừng bắn nào cũng sẽ khiến Nga có thêm thời gian để xây dựng lại lực lượng của mình", chuyên gia Brown lập luận. Ông nhấn mạnh: "Quan điểm của Nhật Bản và G7 là nếu Nga thực sự muốn hòa bình, điều đó có thể đạt được bất cứ lúc nào bằng cách rút khỏi Ukraine".
Báo Yomiuri hôm qua cũng bình luận: "Nếu Trung Quốc muốn tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine, trước hết họ cần thuyết phục Moscow rút quân khỏi Ukraine ngay lập tức".
Trong khi đó, báo Sankei kêu gọi chính phủ Nhật Bản cân nhắc nới lỏng quy định để viện trợ vũ khí sát thương cho Kiev.