1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyến thăm châu Âu cuối cùng của Tổng thống Obama

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tới thăm Ba Lan và Tây Ban Nha trong tháng tới. Đây nhiều khả năng là chuyến thăm trên cương vị Tổng thống cuối cùng của ông Obama tới châu Âu, lục địa mang tới nhiều thách thức hơn là cơ hội cho người đứng đầu chính phủ Mỹ trong hai nhiệm kỳ vừa qua.


Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: AFP)

Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: AFP)

Thông báo của Nhà Trắng ngày 6/6 cho biết Tổng thống Obama sẽ tới thủ đô Warsaw của Ba Lan từ ngày 7-9/7 để "lần thứ 5 và cũng là lần cuối cùng tham dự hội nghị thượng đỉnh của NATO", trước khi có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Tây Ban Nha.

Trong gần 8 năm qua, Tổng thống Obama có lúc gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì quan hệ với những đồng minh lâu năm của Mỹ tại châu Âu. Trong hầu hết thời gian của nhiệm kỳ đầu tiên của ông Obama, châu Âu xoay sở chậm chạp để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ vốn được cho là bị tác động và ảnh hưởng từ cuộc đại suy thoái.

Quan hệ giữa Mỹ với châu Âu tiếp tục bị thử thách bởi chiến lược "xoay trục sang châu Á" của Tổng thống Obama. Đây là chiến lược được coi như bước chuyển của Mỹ từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Tổng thống Obama từng công khai thừa nhận sai lầm khi phụ thuộc vào các đồng minh châu Âu trong quá trình giải quyết những rắc rối phát sinh sau chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gadaffi sụp đổ. Năm năm sau khi nhà lãnh đạo này thiệt mạng, Libya vẫn rơi vào cảnh hỗn loạn và đang trở thành căn cứ của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng (IS).

Tại hội nghị sắp tới, giới lãnh đạo NATO sẽ thảo luận về các phương án hỗ trợ cho quá trình kiểm soát dòng người nhập cư qua Địa Trung Hải. Ngoài ra, liên minh quân sự này cũng sẽ tập trung bàn về quá trình hỗ trợ cho những chiến dịch chống IS tại Iraq và Syria, với khả năng triển các biện pháp bọc lót cho các máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm AWACS.

Căng thẳng tiếp diễn với Nga cũng sẽ là một nội dung trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới. Sau sự kiện Crimea, quan hệ giữa Nga và phương Tây đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Ngoài ra, Mỹ và các đồng minh cũng không hài lòng trước sự hỗ trợ của Nga cho các lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine.

Thời gian qua, máy bay Nga đã có một vài hành động can thiệp bị coi là khiêu khích nhằm vào máy bay của NATO, Thuỵ Điển và các nước khác. Phản ứng lại "sự khiêu khích của Nga", Tổng thống Obama đã thông báo Mỹ sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu, với việc tiếp tục luân phiên triển khai thêm lữ đoàn thiết giáp từ đầu năm 2017. Ngoài ra, NATO có thể sẽ nhất trí triển khai 4 lữ đoàn khác tới khu vực Đông Âu trong thời gian tới.

Thông báo của Nhà Trắng cho biết thêm Tổng thống Obama sẽ có cuộc hội đàm song phương với người đồng cấp theo đường lối bảo thủ của Ba Lan, Tổng thống Andrzej Duda, để tái khẳng định "cam kết của Mỹ cho an ninh của Ba Lan, cũng như trao đổi quan điểm về môi trường an ninh rộng mở tại châu Âu". Cũng tại Ba Lan, Tổng thống Obama sẽ có cuộc hội đàm với giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) với hy vọng có thể thúc đẩy quá trình đàm phán đang bị đình trệ về thương mại xuyên Đại Tây Dương, dù khả năng đạt được đột phá trong quá trình này là không cao.

Tại Tây Ban Nha, Tổng thống Obama sẽ gặp Thủ tướng lâm thời của nước này. Người Tây Ban Nha sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 26/6, vốn là cuộc tổng tuyển cứ thứ 2 trong 6 tháng qua tại quốc gia Nam Âu này. Kể từ cuộc bầu cử đầu tiên hồi cuối năm ngoái, Tây Ban Nha đã lún sâu vào trong những bế tắc chính trị khi không có đảng nào chiếm đa số ghế và không đảng nào có khả năng tập hợp được sự ủng hộ để có thể đứng ra thành lập chính phủ mới.

Ngọc Anh

Tổng hợp