1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

“Chuyện ngược đời” trong ngành mua bán nội y ở Ảrập Xê-út

(Dân trí) - Sẽ là kỳ quặc tại bất cứ quốc gia nào khi thấy nhân viên bán đồ lót toàn là nam giới. Nhưng tại Ảrập Xê-út, đó là chuyện bình thường.

“Chuyện ngược đời” trong ngành mua bán nội y ở Ảrập Xê-út - 1
Reem Asaad hiện đang dẫn đầu một chiến dịch nhằm tẩy chay các nhân viên bán đồ nội y là nam giới.
 
Phụ nữ tại Ảrập Xê-út - nơi đàn ông và phụ nữ chưa lập gia đình không được ngồi chung phòng nếu không có quan hệ họ hàng - buộc phải trao đổi với những người đàn ông xa lạ khi mua các món đồ kín đáo. Họ cho rằng điều này thật kinh khủng và muốn thay đổi tình hình hiện nay.

“Cách bán đồ lót tại Ảrập Xê-út đơn giản là không thể chấp nhận được đối với bất kỳ người nào hiện đang sống ở bất kỳ nơi nào trong thế giới hiện đại”, Reem Asaad, giảng viên tài chính tại Cao đẳng Dar al-Hikma dành riêng cho nữ giới ở thành phố Jeddah nói. Asaad đang dẫn đầu một chiến dịch vận động để phụ nữ được quyền làm việc tại các cửa hàng đồ lót thay vì nam giới.

“Đó là những phần nhạy cảm của cơ thể. Bạn cần thảo luận về kích cỡ, màu sắc và những chọn lựa nào là thích hợp. Chắc chắn bạn không muốn thảo luận những cái đó với một người lạ, thậm chí bạn bè tôi cũng không muốn tâm sự, chứ chưa nói gì đến một người đàn ông xa lạ”, Asaad nói.

Thông thường, việc thuê phụ nữ bán đồ nội y là chuyện tương đối dễ dàng. Nhưng xã hội Ảrập Xê-út về cơ bản là vẫn rất bảo thủ và không muốn phụ nữ làm việc - thậm chí là chỉ bán đồ lót cho nhau.

Rana Jad, 20 tuổi sinh viên tại trường Dar al-Hikma, là một trong số các học viên của Reem Asaad và rất ủng hộ chiến dịch của cô giáo.

“Con gái không thấy thoải mái khi đàn ông bán đồ lót cho họ, nói với họ kích cỡ mà họ cần, hay nói: "Tôi nghĩ cỡ này nhỏ so với bạn, cỡ này to so với bạn". Điều này rõ ràng là không thích hợp, đặc biệt trong văn hóa của chúng tôi”, Rana Jad tâm sự.

Nura, một nhân viên hành chính tại trường Dar al-Hikma, cho hay cô không bao giờ mua đồ lót tại Ảrập Xê-út nữa. “Thật là xấu hổ. Họ cố gắng đưa ra vài lời khuyên. Điều đó thật không đúng với nguyên tắc đạo đức”.

Đối với những người bán hàng là nam giới, nhiều người trong số họ cũng cảm thấy ngượng ngùng y như chính các khách hàng nữ vậy.

“Giờ đây chúng ta được phép thay các nhân viên bán hàng nam thành các nhân viên bán hàng nữ nhưng tôi không thấy tình hình được cải thiện”, Asaad nói.

Do mối liên hệ về mặt thể xác giữa nam và nữ chưa kết hôn tại Ảrập Xê-út bị cấm nên các nam nhân viên bán hàng không được lấy số đo của khách hàng. Tồi tệ hơn, cảnh sát Ảrập Xê-út cấm các cửa hàng bán đồ lót có phòng thử đồ. Vì thế, nếu khách hàng muốn thử một thứ gì đó, trước tiên cô ấy phải trả tiền rồi sau đó ra một toilet công cộng để thử.

Nếu không vừa, cô gái có thể lấy lại tiền nhưng hầu hết phụ nữ đều cảm thấy khó chịu khi mua hàng mà không được thử, chỉ khi mang chúng về nhà mới phát hiện ra chúng không vừa và biết rằng số tiền bị lãng phí.
 
Chiến dịch của Asaad bắt đầu trên mạng xã hội Facebook và đang dần dần mở rộng. Thậm chí, giới truyền thông tại Ảrập Xê-út đã bắt đầu để ý và vài tờ báo đã đưa tin.

Năm 2006, chính phủ Ảrập Xê-út đã thông qua luật cho phép phụ nữ được bán bán đồ của phụ nữ. Nhưng đáng thất vọng là luật này hiện chưa được áp dụng rộng rãi. Nguyên nhân có thể là do việc thuê các nhân viên nữ khiến đàn ông bị thất nghiệp nhiều hơn. 13% nam giới Ảrập Xê-út trong độ tuổi lao động đang bị thất nghiệp.
 
Một số giáo sĩ Hồi giáo tin rằng vai trò của người phụ nữ là ở nhà và chăm sóc gia đình. Kết quả là, một tranh cãi giữa những người muốn hiện đại hóa Ảrập Xê-út và những người muốn bảo tồn truyền thống đã hình thành. Hiện tại, phe bảo thủ đang giành chiến thắng.

Asaad và những người vận động trong nhóm của cô giờ đây quyết định bỏ qua chính phủ và các quan chức tôn giáo để gây sức ép trực tiếp lên các chủ cửa hàng bán đồ nội y. Họ kêu gọi tẩy chay những cửa hàng toàn các nhân viên nam.

“Chúng tôi - khách hàng là người đưa ra quyết định cuối cùng, liệu có mua hay không và mua ở đâu… Phụ nữ bán đồ nội y cho phụ nữ là chuyện hợp quy luật và bất kỳ sự lựa chọn nào khác đều không có ý nghĩa”.

Ánh Ninh
Theo BBC