1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyện mẹ chồng Tây “hành” cô dâu châu Á

(Dân trí) - Hàng trăm phụ nữ Nam Á tới Anh để lấy chồng Tây cho hay họ đã bị nhà chồng đối xử như nô lệ gia đình, hãng thông tấn Anh BBC đưa tin.

 
Chuyện mẹ chồng Tây “hành” cô dâu châu Á - 1
Ảnh chụp màn hình một cô dâu tại Anh bị ngược đãi đang trả lời phỏng vấn đài truyền hình BBC.
 
Hơn 500 phụ nữ nộp đơn xin cư trú tại Anh trong năm 2008 và 2009 sau khi ly hôn đã bị trục xuất vì không chứng minh được họ đã bị đối xử tồi tệ. Cảnh sát và các tổ chức từ thiện lo ngại rằng các ngược đãi không được báo cáo vì sức ép gia đình và lo sợ bị trả thù.

Vụ Biên giới Anh cho hay, các biện pháp đã được thực thi nhằm ngăn chặn những hành động ngược đãi.

Các phụ nữ phàn nàn bị gia đình chồng đối xử như nô lệ đến từ Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh.

“Mũi đầy máu”

Một phụ nữ trong độ tuổi 20 cho biết cô đã bị mẹ chồng giam suốt 3 năm trong nhà ở phía bắc nước Anh. Nạn nhân xin được giấu tên. Đã một năm sau khi mẹ chồng bị khởi tố nhưng hiện cô vẫn sống với nỗi sợ hãi.

“Một lần, mẹ chồng tôi đánh tôi rất thậm tệ. Tôi bị chảy nhiều máu ở miệng và mũi nhưng không thể nói với ai, không biết gọi ai và đi đâu. Tôi thường thức dậy lúc sáng sớm, lau toàn bộ nhà cửa, cọ rửa sàn nhà, lau cửa sổ, giặt giũ, nấu nướng. Ngoài ra, tôi cũng phải khâu vá”.

Cô đã tự tử hai lần nhưng không thành. Cuối cùng cô đã thoát khỏi mẹ chồng sau khi bà quên không khóa cửa phòng con dâu. “Tôi ở trong nhà suốt ngày, không được phép xem tivi hay ra ngoài… Tôi nghĩ chết đi còn hơn là sống kiểu này”.

Một cuộc nghiên cứu do Imkaan, tổ chức từ thiện quốc gia của người da đen và châu Á là nạn nhân của bạo lực gia đình, cho thấy các phụ nữ châu Á rất khó báo cáo các trường hợp ngược đãi.

“Một phụ nữ không biết nói tiếng Anh, không biết các dịch vụ trợ giúp, cô ấy có thể bị lạm dụng. Vì thế, cơ hội để cô ấy báo cáo chuyện ngược đãi bị dàn xếp. Các dịch vụ dành cho phụ nữ trong trường hợp này cũng thiếu”, Marai Larasi, giám đốc Imkaan, cho hay.

Các quan chức Anh lo ngại rằng việc thiếu thông báo dẫn tới nhiều phụ nữ từ Nam Á bị ngược đãi, sau cùng là bị trục xuất khi hôn nhân đổ vỡ.

Bộ Nội vụ Anh quy định, bất kỳ một công dân nước ngoài nào khi hôn nhân bị đổ vỡ trong vòng 2 năm do bị bạo lực gia đình có thể nộp đơn xin ở lại Anh, nhưng họ phải báo cáo các vụ ngược đãi trong thời gian chưa ly hôn với các nhà chức trách.

Các số liệu do Bộ Nội vụ công bố cho thấy, trong 2 năm qua, hơn một nửa cô dâu Nam Á là nạn nhân của các vụ bạo lực gia đình tại Anh đã bị trục xuất vì không chứng minh được họ từng bị ngược đãi. Trong số 980 đơn xin cư trú Anh năm 2008 và 2009, chỉ 440 phụ nữ được phép ở lại.

Hồi năm ngoái, một phụ nữ Anh, bà Naseebah Bibi, đã bị kết án tù vì giam giữ 3 cô con dâu như nô lệ tại ngôi nhà của họ ở Blackburn. Sau vụ việc này, cảnh sát Lancashire cho biết họ tin rằng vấn đề này cũng xảy ra tràn lan ở một số cộng đồng.

“Các phụ nữ đang chịu sức ép không chỉ từ gia đình chồng mà còn gia đình bên ngoại ở quê nhà, những người có thể đang dựa vào các cô dâu tại Anh để hỗ trợ tài chính nhằm cải thiện cuộc sống”, Det Con Dave Souch, cảnh sát Lancashire và người dẫn đầu cuộc điều tra vụ Naseebah Bibi, nói.

Đồng nghiệp của ông Souch, Trung sĩ John Rigby, cũng cho rằng bạo lực gia đình xảy ra tràn lan. “Các tổ chức đối tác mà chúng tôi hợp tác - như Diễn đàn Trợ giúp Phụ nữ - có thể nói với các bạn rằng chuyện đó xảy ra tràn lan”.

Một cô dâu khác, cũng trong độ tuổi 20, buộc phải ôm con chạy trốn khỏi mẹ chồng. Cô quá sợ hãi nên không dám tiết lộ danh tính.

“Tôi pha trà cho bà ta hoặc ai đó nhưng không được phép uống trà với họ vì nếu chỉ nghỉ ngơi trong 15-20 phút thì không kịp làm hết việc nhà. Bà ấy có thể chửi bới gia đình tôi, buộc tội tôi lấy cắp đồ. Nếu tiền hoặc nữ trang đặt sai chỗ thì tôi sẽ bị đổ lỗi”.

Người phụ nữ trên cũng không được phép nói chuyện với ai bên ngoài gia đình và không được đi ra ngoài một mình. “Thậm chí người phục vụ còn được nghỉ ngơi, còn tôi thì làm việc như cái máy. Điều tồi tệ nhất là chồng tôi không đồng cảm với tôi. Tôi phải làm mọi việc cho anh ta mà không được phàn nàn. Nhưng anh ta không quan tâm tới tôi hay con cái”.

Parveen Javaid, điều phối viên bạo lực gia đình tại Trung tâm nguồn nhân lực Pakistan ở thành phố Manchester, nói: “Trung bình, chúng tôi giải quyết khoảng 20-30 trường hợp mỗi tháng. Chúng tôi thường đưa ra lời khuyên và trợ giúp các phụ nữ là nạn nhân của mẹ chồng”.

“Phần lớn các trường hợp mà tôi giúp đỡ là các phụ nữ bị giam giữ như nô lệ và bị tối xử tệ bạc trong gia đình chồng”.

An Bình
Theo BBC