Chuyên gia: Phán quyết Biển Đông chưa đủ để Philippines đối phó Trung Quốc
(Dân trí) - Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ nêu phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tuy nhiên giới phân tích cho rằng động thái này chưa đủ mạnh để gây sức ép với Bắc Kinh.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố ông dự kiến sẽ nêu phán quyết của tòa trọng tài quốc tế hồi năm 2016 về vấn đề Biển Đông trong cuộc gặp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 29/8 tại Bắc Kinh.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng ngay cả khi ông Duterte đề cập tới phán quyết trên, Philippines cũng không nên kỳ vọng quá nhiều vào sự thay đổi lập trường của Trung Quốc. Và nếu nhà lãnh đạo Philippines chỉ dừng lại ở việc đề cập tới phán quyết Biển Đông, hiệu quả sẽ không được như kỳ vọng.
“Nếu chỉ đề cập tới phán quyết này, sẽ không tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào”, chuyên gia Biển Đông Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Washington, nói với hãng tin Rappler.
Theo ông Poling, nếu Philippines chỉ nhắc tới phán quyết của tòa trọng tài mà không kêu gọi sự ủng hộ của các quốc gia khác nhằm gây áp lực với Trung Quốc, Philippines sẽ không thể buộc Bắc Kinh thay đổi lập trường.
Phán quyết của tòa trọng tài đã bác bỏ yêu sách đường chín đoạn phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho đến nay vẫn phớt lờ phán quyết này, coi đây là một “mảnh giấy lộn”.
Chuyên gia Poling cho rằng cách duy nhất để Tổng thống Duterte gây sức ép với Trung Quốc và buộc Bắc Kinh tuân thủ một phần phán quyết về Biển Đông là vận động sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế.
“Trung Quốc sẽ không tự nhiên thay đổi chính sách của họ. Nhưng nếu có nỗ lực ngoại giao lớn hơn để nói nhiều hơn về phán quyết, tìm kiếm sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế, đồng thời đưa giải pháp (cho vấn đề Biển Đông) lên Liên Hợp Quốc cũng như các tổ chức quốc tế khác, nỗ lực này có thể sẽ thuyết phục được Trung Quốc thỏa hiệp về lâu dài”, ông Poling nhận định.
Phó chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio cũng đồng tình với quan điểm của chuyên gia Poling.
“Tôi không hy vọng rằng Trung Quốc sẽ công nhận phán quyết của tòa trọng tài nếu chỉ vì Tổng thống Duterte đề cập tới phán quyết đó trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập”, thẩm phán Carpio, một thành viên trong nhóm của Philippines nhằm bảo vệ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế, cho biết.
“Điều quan trọng hơn là sau khi nêu ra phán quyết Biển Đông, Tổng thống Duterte sẽ có những bước đi cụ thể để củng cố và thực thi phán quyết”, ông Carpio cho biết thêm.
Theo ông Carpio, Philippines có thể thực hiện một số bước đi như: thành lập một nhóm với các nước cũng có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, đưa 10 tàu mới của lực lượng tuần duyên Philippines tuần tra trên Biển Đông, khuyến khích hoạt động đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Chuyên gia về luật hàng hải Jay Batongbacal cũng hoài nghi rằng, nếu Tổng thống Duterte chỉ dừng lại ở việc đề cập tới phán quyết của tòa trọng tài, điều này sẽ khó có thể tác động đáng kể và ngay lập tức tới thái độ của Trung Quốc tại Biển Đông.
“Trung Quốc đã chiếm quá nhiều từ Philippines kể từ năm 2016, đến mức họ không cần phải giải quyết vấn đề này. Trung Quốc sẽ phớt lờ việc Philippines đề cập tới phán quyết”, Batongbacal, giám đốc Viện Luật Biển và Các vấn đề Hàng hải thuộc Đại học Philippines, nhận định.
Sau khi phán quyết được công bố, Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động phi pháp của nước này trên Biển Đông. Bắc Kinh thậm chí triển khai các khí tài quân sự tới các thực thể tranh chấp, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Lý do khiến Tổng thống Philippines cứng rắn
Theo Rappler, lý do khiến Tổng thống Duterte hứa sẽ đề cập tới phán quyết Biển Đông trong cuộc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình dù biết sẽ không hiệu quả là vì, ông muốn đạt được một mục tiêu chính trị. Đó là thực hiện cam kết với người dân Philippines, rằng ông sẽ có hành động với Trung Quốc.
Ngoài đề cập tới phán quyết của tòa trọng tài, Tổng thống Duterte cho biết sẽ kêu gọi đẩy nhanh việc hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc. Ngoài ra, ông cũng muốn trao đổi về dự án khai thác dầu khí chung tại vùng biển này.
Một số nhà phân tích cho rằng việc Tổng thống Duterte gia tăng các tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc và kiên quyết nêu phán quyết Biển Đông trong cuộc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình có thể nhằm xoa dịu dư luận và quân đội Philippines.
Trong những tháng gần đây, các quan chức an ninh Philippines liên tục chĩa mũi dùi công kích Trung Quốc sau khi tàu cá Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên Biển Đông khiến các ngư dân Philippines gặp nạn. Ngoài ra, nhiều người Philippines cũng bức xúc với việc đội dân quân biển núp bóng tàu cá Trung Quốc đổ xô tới một hòn đảo do Philippines chiếm giữ, hay việc các tàu chiến Trung Quốc xâm phạm vùng biển Philippines.
“Giữa lúc làn sóng chỉ trích Trung Quốc dâng cao tại quê nhà, ông Duterte phải đưa ra những tuyên bố cứng rắn để ngăn chặn phản ứng dữ dội trên quy mô lớn”, nhà phân tích chính trị Richard Heydarian nói.
Tuy vậy, rất ít chuyên gia cho rằng ông Duterte sẵn sàng mạnh tay với Trung Quốc và để mất một đồng minh như Bắc Kinh.
“Chuyến thăm tới Bắc Kinh có lẽ chỉ là nỗ lực để hạ nhiệt căng thẳng và tìm kiếm thỏa hiệp mới”, ông Heydarian nhận định.
Thành Đạt
Tổng hợp