Chuyên gia nhận định chiến thuật "vây bọc" của quân đội Nga
(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng, các lực lượng Nga có thể đang chủ trương hành động chậm lại, thực hiện chiến thuật "vây bọc" để cắt nguồn tiếp tế cho các đơn vị tốt nhất của Ukraine.
Nga tuyên bố mở chiến dịch đặc biệt ở Ukraine kể từ ngày 24/2 nhằm mục tiêu "phi quân sự hóa" quốc gia láng giềng. Trong ngày đầu tiên, Nga nhằm hỏa lực vào các căn cứ quân sự của Ukraine với cường độ được đánh giá là cao, động thái được xem nhằm mở đường cho các mũi tiến vào từ nhiều phía. Chỉ sau một ngày, một đơn vị đầu tiên của họ tiến gần tới thủ đô Kiev.
Ngay sau diễn biến này, các chuyên gia quân sự đưa ra dự đoán rằng, Nga có thể muốn một chiến thắng quân sự chớp nhoáng, buộc Ukraine phải vào bàn đàm phán.
Danil Bochkov, chuyên gia từ Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga, dự đoán kịch bản mà Nga hướng tới có thể sẽ là chiến dịch diễn ra với tốc độ cao như chiến dịch họ thực hiện ở Gruzia năm 2008 và cả khi họ sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
Tuy nhiên, những ngày sau đó, tốc độ chiến dịch của Nga bắt đầu có dấu hiệu chậm lại. Giới chuyên gia cho rằng, sự phản kháng ngoài dự tính của phía Ukraine và vấn đề về hậu cần đang ảnh hưởng tới tốc độ tiến quân của Nga. Các chuyên gia viện dẫn hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy thiết giáp Nga bị bỏ lại dọc đường vì hết xăng.
Trên thực tế, tốc độ tiến quân bao giờ cũng nhanh hơn tốc độ di chuyển của hậu cần. Thêm vào đó, nếu có các động thái phản kháng quyết liệt từ đối thủ, thì tốc độ của hậu cần cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Tuy nhiên, những sự cố trên chỉ có tính đơn lẻ, và chưa thể phản ánh được chiến thuật mà Nga đang áp dụng, cũng như khó có thể đưa ra kết luận rằng họ đã không thành công với lối "đánh nhanh, thắng nhanh". Hơn nữa quy mô của chiến dịch lần này là khác hẳn so với Gruzia hay Crimea, nên có thể việc hành động chưa hẳn là chiến thuật phù hợp.
Tính toán của Nga
Asia Times dẫn các nguồn tin tình báo có hiểu biết về quân sự châu Âu đưa ra dự đoán về định hướng của Moscow trong chiến sự ở Ukraine hiện tại.
Theo cây viết David P. Goldman, Nga được cho đang chia quân đội Ukraine ra thành các cụm để tiến hành "vây bọc".
"Quân đội Nga không có gì vội vàng. Họ sẽ khiến quân đội Ukraine co cụm lại thành từng khu vực rồi vây bọc. Sau đó họ sẽ có lợi thế để yêu cầu đàm phán. Đó là chiến thuật từ lâu đời", một chuyên gia chuyên phân tích thông tin tình báo quân sự châu Âu nói với Asia Times.
Theo chuyên gia trên, Nga đang chủ trương "vây bọc" ở 3 khu vực chính. Khu vực đầu tiên ở phía nam Ukraine, với các quân nhân Nga di chuyển tới Mariupol. Tại Donbass, lực lượng Nga và dân quân thân Nga vượt qua lớp cố thủ dày đặc của quân đội Ukraine ở đường giới tuyến kiểm soát - đường phân chia lãnh thổ giữa lực lượng chính phủ và phe ly khai. Động thái này được xem là sẽ gây ra đe dọa tới các công sự của Ukraine từ phía sau.
Trong khi đó, thủ đô Kiev dường như đang thật sự bị Nga "vây bọc", theo các chuyên gia. Hình ảnh trên vệ tinh cho thấy các con đường dẫn tới thủ đô ở phía tây sông Dnieper đã đóng lại, được cho là do các đoàn xe của Nga tạo nên. Ngoài ra, hình ảnh vệ tinh cho thấy các đoàn xe quân sự của Nga dàn hàng dài tới 64 km ngay gần phía bắc thành phố.
Tuy nhiên, Nga vẫn chưa tiến thẳng vào trung tâm Kiev. Các chuyên gia nhận định, quân đội Nga có thể vẫn cố gắng thực hiện các chiến thuật để giảm thiểu thương vong. Nga dường như cũng tránh di chuyển trực diện vào các vị trí cố thủ của Ukraine hoặc tránh kịch bản xảy ra tác chiến đô thị ở các thành phố lớn ở Ukraine. Ngoài ra, có thể do lo ngại sự chống trả quyết liệt từ Kiev, nên Nga có thể lựa chọn phương án tiến chậm.
Thay vào đó, Nga dường như đang muốn giành lấy các vị trí quan trọng, với mục tiêu "vây bọc" để cắt nguồn tiếp tế cho các đơn vị tốt nhất của Ukraine, theo các chuyên gia.
Theo các sử gia, quân đội Nga có thể hiểu rất rõ địa hình ở Ukraine. Vào Thế chiến 2, Ukraine từng là nơi diễn ra trận đánh với chiến thuật "vây bọc" lớn nhất trong lịch sử, theo Asia Times. Trận Kiev (1943) là một trong các trận đánh quan trọng nhất của chuỗi Chiến dịch Tả ngạn sông Dniepr trong Thế chiến 2. Nó đã giúp Liên Xô giành lại được quyền kiểm soát Kiev và làm tiêu hao sinh lực Đức quốc xã đáng kể.