1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc "nói một đằng, làm một nẻo"

(Dân trí) - Trung Quốc vẫn cải tạo đất trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông trong tháng 9 này, hơn 4 tuần sau khi Bắc Kinh nói đã ngừng hoạt động như vậy, một chuyên gia Mỹ ngày 15/9 khẳng định.


Ảnh vệ tinh tố hoạt động cải tạo của Trung Quốc tại bãi đá Vành Khăn (Ảnh: CSIS)

Ảnh vệ tinh "tố" hoạt động cải tạo của Trung Quốc tại bãi đá Vành Khăn (Ảnh: CSIS)

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington, cho biết với hãng tin Reuters rằng các bức ảnh vệ tinh chụp hồi đầu tháng 9 đã cho thấy hoạt động nạo vét của Trung Quốc tại cả bãi Xu Bi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Các máy nạo vét tại Xu Bi có thể được nhìn thấy đổ cát lên các khu vực được bao quanh bởi các đập ngăn nước biển mới xây và mở rộng một lối đi cho các tàu thuyền vào khu vực bị bãi đá bao quanh.

Tại bãi đá Vành Khăn, một máy nạo vét được nhìn thấy mở rộng một con kênh để tạo đường tiếp cận cho tàu thuyền, có thể là phục vụ một căn cứ hải quân trong tương lai, bà Glaser nói.

Trước đó, vào ngày 5/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định Bắc Kinh đã ngừng hoạt động cải tạo đất ở Biển Đông.

Chuyên gia Glaser cho hay, hoạt động của Trung Quốc dường như tập trung vào việc xây dựng phục vụ mục đích quân sự.

Các bức ảnh vệ tinh chụp bãi đá Chữ Thập đã cho thấy một đường băng dài 3.000 m mới hoàn thành và sơn, các bãi đỗ, một vái vòm radar, một tháp giám sát và có thể là các cơ sở liên lạc vệ tinh, theo bà Glaser.

Các chuyên gia an ninh cho biết, một đường băng dài 3.000 m có thể tiếp đón hầu hết các máy bay quân sự của Trung Quốc.

Bắc Kinh thiếu thiện chí

Bà Glaser nói rằng việc Trung Quốc chuẩn bị xây dựng các đường băng tương tự trên bãi đá Xu Bi và Vành Khăn đã gây ra những câu hỏi về khả năng Bắc Kinh thách thức tự do hàng hải và hàng không trong tương lai.

"Việc tiếp tục hoạt động nạo vét, cũng như xây dựng và quân sự hóa trên các đảo nhân tạo đã cho thấy sự thiếu thiện chí của Bắc Kinh nhằm kìm chế căng thẳng và tìm kiếm các giải pháp ngoại giao nhằm giảm căng thẳng", bà Glaser nhấn mạnh.

Bà Glaser cho rằng, trước chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mỹ, Bắc Kinh dường như muốn gửi một thông điệp tới Tổng thống Barack Obama rằng Trung Quốc quyết tâm thúc đẩy các lợi ích của Biển Đông, cho dù việc này có làm gia tăng căng thẳng với Mỹ.

Hôm 14/9, chuyên gia Greg Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc CSIS, cũng cho biết 3 đường băng tại quần đảo Trường Sa sẽ cho phép Trung Quốc đe dọa toàn bộ giao thông hàng không trên các thực thể mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền ở đó.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 14/9 đã biện bạch rằng các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa và khu vực lân cận “đều nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc”. Ông Hồng còn ngang nhiên nói Trung Quốc có quyền thiết lập các cơ sở quân sự tại đó.

An Bình

 

Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc "nói một đằng, làm một nẻo" - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm