1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chuyên gia: Mỹ muốn ngăn chặn Hạm đội Baltic của Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Chuyên gia Nga cho rằng Mỹ đang tìm cách phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự của Moscow, đặc biệt là Hạm đội Baltic, khi Washington triển khai các vũ khí tầm xa ở Đức.

Chuyên gia: Mỹ muốn ngăn chặn Hạm đội Baltic của Nga - 1

Các tàu của Hạm đội Baltic diễn tập nhân Ngày Hải quân Nga (Ảnh: Sputnik).

"Đức rõ ràng chỉ là bước khởi đầu trong cấu trúc phối hợp của dàn tên lửa tấn công này. Với việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, mối đe dọa nhằm vào các Hạm đội Baltic và Phương Bắc sẽ càng tăng lên", Alexander Stepanov, giám đốc chương trình của Học viện Khoa học Chính trị và là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Mỹ Latinh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga (ILA RAN), nói với hãng tin Tass hôm 12/7.

Trong một tuyên bố chung vào ngày 10/7, Washington và Berlin thông báo sẽ bắt đầu triển khai tên lửa tầm xa của Mỹ ở Đức vào năm 2026.

Theo ông Stepanov, mục tiêu chiến lược đằng sau việc triển khai tên lửa tầm xa sẽ là phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự ở Nga tại châu Âu, đặc biệt là các cơ sở của Hạm đội Baltic ở vùng Kaliningrad, một vùng lãnh thổ của Nga trên Biển Baltic, cũng như các trung tâm công nghiệp và hệ thống lưới điện trên khắp vùng tây bắc và miền trung nước Nga.

"Có một điều rõ ràng: Mỹ đang cố gắng duy trì cấu trúc của liên minh NATO bằng mọi cách để thể hiện cam kết với liên minh và sẵn sàng đóng góp quan trọng vào việc kiềm chế phối hợp ở châu Âu", chuyên gia cho biết thêm.

Baltic là hạm đội lâu đời nhất của Hải quân Nga với tổng hành dinh được đặt tại thành phố Kaliningrad và chỉ cách đảo tiền tiêu Gotland của Thụy Điển khoảng 250km.

Biên chế của hạm đội này bao gồm ít nhất 42 tàu chiến mặt nước, một tàu ngầm tấn công lớp Kilo và nhiều tàu cung cấp hậu cần và hỗ trợ khác. Ngoài ra, hạm đội cũng được trang bị lực lượng không quân hải quân hùng hậu bao gồm các tiêm kích Su-30 và Su-27, cường kích Su-24, các trực thăng săn ngầm như Ka-27 và Ka-29 cũng như nhiều máy bay vận tải khác.

Chuyên gia: Mỹ muốn ngăn chặn Hạm đội Baltic của Nga - 2

Bản đồ vị trí vùng biển Baltic (Ảnh: FT).

Theodore Postol, giáo sư về khoa học, công nghệ và chính sách an ninh Quốc gia tại Viện Công nghệ Massachusetts, cũng nói với Tass rằng kế hoạch được Washington và Berlin công bố nhằm triển khai vũ khí mới của Mỹ ở Đức là "sự leo thang vô cùng nghiêm trọng của Mỹ" liên quan đến các mối đe dọa hạt nhân đối với Nga.

"Đối với tôi, rất khó để hiểu làm thế nào chính phủ Nga có thể bỏ qua sự leo thang cực kỳ nghiêm trọng như vậy của Mỹ trong mối đe dọa hạt nhân đối với Nga", chuyên gia Mỹ cho biết.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cảnh báo kế hoạch của Mỹ sẽ làm tăng khả năng xảy ra một cuộc chạy đua tên lửa và có thể dẫn đến leo thang căng thẳng không kiểm soát. Ông cho rằng, với việc triển khai vũ khí của Mỹ ở Đức, Washington và Berlin đang "ném tiền qua cửa sổ".

Theo tuyên bố chung do Nhà Trắng công bố, Mỹ sẽ "bắt đầu triển khai từng đợt vũ khí tầm xa của lực lượng đặc nhiệm ở Đức vào năm 2026, như một phần trong kế hoạch duy trì hoạt động của các vũ khí này trong tương lai".

Các hệ thống vũ khí được triển khai tới Đức sẽ bao gồm tên lửa phòng không SM-6, có tầm bắn lên tới 460km và tên lửa hành trình Tomahawk, được cho là có thể tấn công các mục tiêu ở cách xa hơn 2.500km.

Nhà Trắng cho biết "vũ khí siêu vượt âm đang phát triển" cũng sẽ được đặt ở Đức và sẽ có "tầm bắn xa hơn đáng kể so với các vũ khí trên đất liền hiện nay ở châu Âu".

Những loại vũ khí dự kiến được Mỹ triển khai, bao gồm hệ thống SM-6 và Tomahawk, đã bị cấm ở châu Âu cho đến khi Washington rút khỏi một hiệp ước mang tính bước ngoặt từ thời Chiến tranh Lạnh vào năm 2019.

Theo Tass