1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Các nước đồng loạt lên tiếng khi Nga đề xuất tính lại biên giới biển Baltic

Thành Đạt

(Dân trí) - Lãnh đạo các nước châu Âu đồng loạt lên tiếng phản bác Nga sau khi Moscow đề xuất điều chỉnh biên giới lãnh hải trên biển Baltic.

Các nước đồng loạt lên tiếng khi Nga đề xuất tính lại biên giới biển Baltic - 1

Các tàu chiến NATO trong một cuộc tập trận ở Bulgaria (Ảnh: Getty).

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson ngày 22/5 cho biết, Nga đã ký một công ước của Liên hợp quốc, trong đó có những quy định về phân định biên giới trên biển.

"Cả chúng tôi và Phần Lan đều cho rằng Nga - một bên ký kết công ước đó - phải tuân thủ nghĩa vụ theo công ước", ông Kristersson nói.

Tuyên bố của nhà lãnh đạo Thụy Điển được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Nga đề xuất điều chỉnh biên giới lãnh hải Nga trên biển Baltic.

Theo dự thảo nghị định của chính phủ Nga đề ngày 21/5, Bộ Quốc phòng Nga đề xuất điều chỉnh biên giới xung quanh các đảo của Nga ở phía đông Vịnh Phần Lan và xung quanh Kaliningrad.

Bộ Quốc phòng Nga viện dẫn một tài liệu năm 1985 được Liên Xô thông qua để lý giải cho đề xuất này.

Theo trang tin RBC, Nga dự định thay đổi tọa độ địa lý của các điểm xác định vị trí của các điểm cơ sở để đo chiều rộng lãnh hải, vùng lân cận gần bờ biển và các đảo của Nga.

Dự thảo nghị định không nêu rõ lý do Nga cần điều chỉnh biên giới trên biển Baltic, cũng như liệu nó sẽ được điều chỉnh như thế nào và nếu có thì việc tham vấn với các quốc gia khác xung quanh biển Baltic ra sao.

Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen nói rằng Nga nên tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.

"Nếu Nga thay đổi biên giới, Nga sẽ vi phạm công ước của Liên hợp quốc, và Nga sẽ vấp phải sự phản đối của cả thế giới", Ngoại trưởng Valtonen cho biết.

Tuy nhiên, nhà ngoại giao Phần Lan nhận định đây có thể là hành động thường lệ của Nga chứ không phải hành động khiêu khích.

Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb viết trên mạng xã hội X rằng Nga chưa liên lạc với Phần Lan về vấn đề này. "Phần Lan hành động như mọi khi: bình tĩnh và dựa trên thực tế", ông Stubb cho biết.

Cũng trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis khẳng định Nga đang "cố gieo rắc nỗi sợ hãi, sự bất ổn và nghi ngờ về ý định của họ ở biển Baltic". Lithuania rất lo ngại về những bước tiến mới nhất của quân đội Nga ở đông bắc Ukraine.

Lithuania đã triệu tập đại diện Nga để đề nghị giải thích chi tiết về dự thảo luật.

Tuy nhiên, hãng thông tấn Interfax của Nga đã trích dẫn một nguồn tin ngoại giao quân sự giấu tên cho biết Moscow không có ý định sửa đổi biên giới hoặc chiều rộng lãnh hải của mình.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng đề xuất của Bộ Quốc phòng Nga "không mang tính chính trị".

"Các bạn thấy căng thẳng và mức độ đối đầu đang leo thang như thế nào, đặc biệt là ở khu vực Baltic. Điều này đòi hỏi các bước đi thích hợp từ các cơ quan liên quan của chúng tôi để đảm bảo an ninh của chúng tôi", ông Peskov nói.

Các nước đồng loạt lên tiếng khi Nga đề xuất tính lại biên giới biển Baltic - 2

Bản đồ khu vực biển Baltic (Ảnh: Wikipedia).

Bộ Ngoại giao Nga từng lên án 3 nước Baltic vì cắt đứt hầu hết quan hệ, cho rằng "đường lối thù địch" của họ là nguyên nhân dẫn đến việc này. Moscow cảnh báo sẽ đáp trả bằng các biện pháp bất cân xứng.

Estonia đã cáo buộc Nga vi phạm các quy định về không phận quốc tế bằng cách can thiệp vào tín hiệu Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và các nước vùng Baltic nằm trong số những quốc gia "quan ngại sâu sắc" về các hoạt động mà họ gọi là hoạt động gián điệp của Nga.

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm