1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Chuyên gia Mỹ lo ngại khi Trung Quốc thay đổi chiến thuật trên Biển Đông

Đông Phong

(Dân trí) - "Tham vọng của Trung Quốc đã vượt lên trên cả luật quốc tế lẫn nhu cầu hòa bình, ổn định ở khu vực", ông Cronin nhấn mạnh.

Chuyên gia Mỹ lo ngại khi Trung Quốc thay đổi chiến thuật trên Biển Đông - 1

Một tàu của Cảnh sát biển Trung Quốc hoạt động ở vịnh Bột Hải hồi tháng 9/2020 (Ảnh minh họa: CFP).

Trung Quốc đã ban hành quy định mới về việc xử phạt hành chính ngư dân nước ngoài hoạt động trong vùng biển mà họ gọi là "thuộc quyền tài phán" của nước này. Theo các chuyên gia quốc tế, quy định này có thể khiến ngư dân các nước Đông Nam Á gặp nhiều khó khăn hơn nữa khi hoạt động ở các ngư trường truyền thống trên Biển Đông, đồng thời đe dọa đến hòa bình và ổn định tại khu vực.

Quy định mới, tên là "Tiêu chuẩn tùy nghi xử phạt hành chính nghề cá trên biển", đã có hiệu lực từ ngày 26/11/2021, song chỉ được công bố trên cổng thông tin của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc hôm 23/12. Nếu ngư dân nước ngoài đánh bắt trong khu vực Trung Quốc coi là "lãnh hải" hoặc sát bờ biển nước này, họ có thể bị phạt tới 500.000 nhân dân tệ (78.500 USD) và bị tịch thu tàu thuyền.

Trao đổi với Dân trí, tiến sĩ Zachary Abuza, giáo sư về chính trị và an ninh Đông Nam Á tại Đại học Chiến tranh Quốc gia (Mỹ), nhận định rằng Trung Quốc làm vậy để "ngăn cản các nước khác tiếp cận, khai thác tài nguyên thiên nhiên thông qua thực thi pháp luật nội địa, thay vì hành động quân sự".

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đơn phương đưa ra các quy định về quản lý nghề cá ở Biển Đông. Tháng 11/2013, tỉnh Hải Nam của Trung Quốc đã âm thầm ban hành quy định trong đó yêu cầu các tàu nước ngoài đi vào vùng biển do tỉnh này quản lý để hoạt động nghề cá hoặc thăm dò tài nguyên cần phải xin phép cơ quan có thẩm quyền thuộc chính phủ Trung Quốc. Ngư dân nước ngoài có thể bị phạt đến 500.000 nhân dân tệ, cũng như có thể bị tịch thu tàu thuyền. Những quy định này thực chất là củng cố Luật Nghề cá được Bắc Kinh thông qua năm 2004.

Trong những năm qua, Trung Quốc đã sử dụng luật nội địa một cách chiến lược để tạo ra sự mơ hồ về tính hợp pháp của các tuyên bố chủ quyền trên biển và mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với các vùng biển tranh chấp.

"Trung Quốc tiếp tục xây dựng giàn giáo pháp lý mà dựa vào đó họ có thể kiểm soát các vùng biển, bao gồm hầu hết khu vực Biển Đông", Patrick Cronin, chuyên gia hàng đầu về an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Hudson (Mỹ), nói với Dân trí.

Giới phân tích cho rằng vấn đề cơ bản của việc Trung Quốc áp dụng luật nội địa cho các vùng biển tranh chấp là thuật ngữ luật nội địa của Trung Quốc được giải thích một cách mơ hồ, không phù hợp với định nghĩa luật quốc tế.

Quy định mới nhất được Bộ Nông nghiệp và Nông thôn cùng Hải cảnh Trung Quốc thông qua đề cập đến "vùng biển thuộc quyền tài phán" của Trung Quốc. Đây cũng là phạm vi áp dụng của Luật Hải cảnh mà Trung Quốc lần đầu tiên thông qua hồi đầu năm 2021. Trong cả hai trường hợp, Trung Quốc đều không đưa ra định nghĩa rõ ràng về cái gọi là "vùng biển thuộc quyền tài phán" này.

Tuy nhiên, theo các tài liệu lâu nay của Trung Quốc, Bắc Kinh đơn phương tuyên bố có "quyền tài phán" đối với không gian đại dương rộng hơn 3 triệu km2, thường được gọi là "quốc thổ xanh". Khái niệm này bao trùm Bột Hải, một phần lớn Hoàng Hải, một phần biển Hoa Đông xa đến tận trũng Okinawa và toàn bộ vùng biển nằm trong "đường lưỡi bò" phi pháp ở Biển Đông. Hơn một nửa diện tích không gian đại dương này chồng lấn với yêu sách của các nước khác.

Những thuật ngữ có thể diễn giải tùy tiện đã được Bắc Kinh sử dụng làm cơ sở pháp lý cho các yêu sách vốn vượt ra ngoài quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Chúng cho phép Trung Quốc duy trì sự mập mờ về ranh giới chính xác của các tuyên bố chủ quyền trên biển, nhất là sau khi yêu sách "đường lưỡi bò" của họ ở Biển Đông đã bị tòa quốc tế tuyên bố là không có cơ sở pháp lý vào năm 2016.

Gây khó khăn cho ngư dân các nước Đông Nam Á

Trên thực địa, việc Trung Quốc đơn phương ban hành và thực thi luật pháp có thể dẫn đến những hệ quả khó lường, theo giới quan sát. Một trong những nhận định được các chuyên gia đồng tình là Trung Quốc hoàn toàn có khả năng áp dụng luật trong thực tế nếu muốn. Song bất cứ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm củng cố quyền tài phán tại các vùng biển tranh chấp đều có thể dẫn đến sự kháng cự mạnh mẽ.

"Trung Quốc có nhiều tàu hải cảnh và dân quân biển hoạt động ở Biển Đông, vì vậy họ có thể thi hành luật nếu họ chọn làm vậy", Murray Hiebert, chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington (Mỹ), nói với Dân trí.

Theo vị chuyên gia, quy định mới của Trung Quốc có thể khiến ngư dân các nước Đông Nam Á gặp thêm khó khăn khi đánh bắt tại các ngư trường truyền thống lâu nay. Nếu các tàu cá này được hộ tống bởi các tàu chấp pháp thì hai bên có nguy cơ đụng độ dẫn tới đối đầu quân sự.

"Những quy định mới này có khả năng làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông", ông Hiebert nói. "Tuy nhiên, chuyện này sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc thực thi quyết liệt tới mức nào".

Đồng quan điểm, chuyên gia Cronin của Viện Hudson lưu ý rằng Trung Quốc giờ đây đã là nước có lực lượng hải quân, hải cảnh và dân quân biển lớn nhất thế giới. Do đó, Bắc Kinh "có phương tiện để thực thi luật và bắt nạt các nước láng giềng nếu họ muốn".

Hồi tháng 1/2021, Bắc Kinh đã thông qua Luật Hải cảnh gây tranh cãi. Luật này cho phép các hạm đội thực thi pháp luật trên biển của Trung Quốc sử dụng vũ lực đối với các tàu nước ngoài hoạt động trong vùng biển "thuộc quyền tài phán của Trung Quốc". Luật đã bị hầu hết các nước trong khu vực phản đối.

"Tham vọng của Trung Quốc đã vượt lên trên cả luật quốc tế lẫn nhu cầu hòa bình, ổn định ở khu vực", ông Cronin nhấn mạnh.

Trong hơn một thập niên qua, Trung Quốc đã ngầm biểu thị rằng họ không cần phải gây chiến để đạt được mục đích của mình. Trung Quốc đã sử dụng cách tiếp cận xung đột cường độ thấp hoặc cưỡng bức cường độ thấp, trong đó Bắc Kinh từng bước mở rộng quyền kiểm soát phi pháp trên thực tế đối với các khu vực ở Biển Đông.

Chuyên gia Cronin cho rằng, hơn bao giờ hết, các quốc gia ven Biển Đông cần phải xây dựng một bộ quy tắc ứng xử rõ ràng và có thể thực thi, nhằm ngăn cản những thay đổi tùy ý và đơn phương đối với trật tự hàng hải như đã được ghi nhận trong UNCLOS.

Mỹ ngày 12/1 đã công bố một tài liệu gồm 47 trang trong đó bác bỏ các yêu sách chủ quyền đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, về cả cơ sở địa lý và lịch sử. Tài liệu của Cục Đại dương và Môi trường Quốc tế và Khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, Bắc Kinh không có bất cứ cơ sở nào theo luật pháp quốc tế để đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi pháp tại Biển Đông. 

Trước đó, nhiều nước như Anh, Pháp, Đức, Australia, Nhật Bản cũng đã lên tiếng phản đối các yêu sách chủ quyền đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm