1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia Mỹ cảnh báo viễn cảnh u ám vì Delta, hối thúc dân đi tiêm chủng

Thanh Thành

(Dân trí) - Các chuyên gia y tế Mỹ thúc giục người dân nước này đi tiêm vắc xin càng sớm càng tốt trong bối cảnh biến chủng Delta đang tàn phá nước này.

Chuyên gia Mỹ cảnh báo viễn cảnh u ám vì Delta, hối thúc dân đi tiêm chủng - 1

Giám đốc Viện Y tế Quốc gia (NIH) Mỹ, tiến sĩ Francis Collins (Ảnh: UPI).

Báo Guardian ngày 16/8 dẫn lời Giám đốc Viện Y tế Quốc gia (NIH) Mỹ - tiến sĩ Francis Collins - cảnh báo Mỹ có thể sẽ sớm chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại ở mức 200.000 ca mỗi ngày, mức cao chưa từng thấy kể từ những ngày tồi tệ nhất của đại dịch vào tháng 1 và tháng 2 năm nay.

Phát biểu trên kênh Fox News, tiến sĩ Francis Collins cho biết Mỹ hiện đang chứng kiến trung bình khoảng 129.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, tăng 700% so với đầu tháng 7, và con số này có thể tăng lên trong vài tuần tới.

"Tôi sẽ ngạc nhiên nếu chúng ta không vượt qua 200.000 ca mỗi ngày trong vài tuần tới và thật đau buồn vì chúng ta chưa bao giờ nghĩ sẽ rơi vào thảm kịch đó một lần nữa", ông nhấn mạnh.

Vì vậy, tiến sĩ Collins đã một lần nữa kêu gọi những người Mỹ chưa tiêm chủng ngừa hãy đi tiêm vắc xin, gọi họ là "những người dễ bị tổn thương" do biến chủng Delta đang tàn phá đất nước và không có dấu hiệu dừng lại.

"Đường cong lây nhiễm đang đi lên và chưa có dấu hiệu đạt đỉnh", ông Collins nhận định.

Giám đốc NIH cũng cho biết, vài tuần tới, Mỹ có thể sẽ quyết định về việc có tiêm mũi vắc xin thứ ba cho người dân trong mùa thu này hay không. Các quan chức y tế liên bang đã nỗ lực xem xét có cần phải tiêm thêm hay không cũng như nghiên cứu kỹ số ca bệnh ở Mỹ "gần như hằng ngày" và quan sát tình hình ở những nước khác như Israel.

Israel đã tiêm mũi tăng cường cho những người trên 60 tuổi và mới đây lại đi tiên phong tiêm liều thứ ba cho những người trên 50 tuổi.

Mỹ chưa có quyết định chính thức về việc này vì các kết quả nghiên cứu vẫn cho thấy, những người đã tiêm đầy đủ vắc xin Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson vẫn được bảo vệ cao khỏi Covid-19, bao gồm cả biến chủng Delta. Nhưng các quan chức y tế Mỹ nói rõ rằng họ đang chuẩn bị cho việc sớm mở chiến dịch tiêm vắc xin tăng cường.

Theo ông Collins, có nhiều lo ngại rằng vắc xin có thể bắt đầu suy yếu trước chủng Delta trong khi chủng nguy hiểm này vẫn hoành hành. "Sự kết hợp của hai điều đó có nghĩa là chúng ta có thể cần tiêm liều tăng cường, có thể bắt đầu trước cho lực lượng y tế cũng như những người ở viện dưỡng lão, và sau đó đến những người khác, chẳng hạn như những người Mỹ lớn tuổi", ông cho biết.

Ông cho biết vì Delta chỉ mới bắt đầu ảnh hưởng nặng nề đến Mỹ từ hồi tháng 7, nên trong vài tuần tới các giới chức sẽ đưa ra quyết định từ các số liệu phân tích cụ thể.

Hồi tuần trước, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép những người có hệ miễn dịch yếu tiêm liều tăng cường Pfizer hoặc Moderna để bảo vệ họ trước biến thể Delta.

Chủ tịch hãng Moderna, Stephen Hoge, cho biết việc ghi nhận các nhiễm đột phá (vẫn mắc Covid-19 sau khi tiêm vắc xin đầy đủ) gia tăng là điều bất ngờ và đáng lo ngại dù hầu hết các ca nhiễm đều nhẹ.

Ông nói với Fox News: "Tôi nghĩ rằng điều đó cho thấy chúng ta sẽ cần tiêm vắc xin tăng cường để vượt qua mùa đông khắc nghiệt sắp tới".

Tuần trước, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cho biết, những người có hệ miễn dịch suy yếu có thể tiêm thêm một liều vắc xin Pfizer hoặc Moderna để bảo vệ họ tốt hơn khi biến thể Delta tiếp tục tăng.

Hiện nay, trên 60% dân số Mỹ đã tiêm ít nhất một liều và gần 51% được tiêm chủng đầy đủ, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng hoành hành của Delta, chẳng hạn như Louisiana, Texas, Florida và Mississippi.