1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Vắc xin Covid-19 - "vũ khí" hiệu quả khống chế quái vật Delta

Minh Phương

(Dân trí) - Các loại vắc xin Covid-19 hiện được xem là vũ khí hiệu quả nhằm ngăn chặn đà lây lan của biến chủng Delta, vốn đang hoành hành tại nhiều nước trên thế giới.

Vắc xin Covid-19 - vũ khí hiệu quả khống chế quái vật Delta - 1

Delta khiến nhiều nước vật lộn đối phó làn sóng Covid-19 mới (Ảnh: Reuters).

Delta nguy hiểm đến mức nào?

Biến chủng Delta được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ vào đầu năm nay và nhanh chóng lan ra hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Delta được đánh giá là dễ lây lan hơn và dễ "né" miễn dịch tạo ra nhờ vắc xin và nhiễm bệnh trước đó.

Tiến sĩ Loren Miller, phó giám đốc bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Harbour-UCLA, cho biết có một số bằng chứng cho thấy Delta có các đột biến giúp nó dễ dàng bám vào tế bào trong đường hô hấp của con người hơn.

Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, Delta dễ lây lan như bệnh thủy đậu, mỗi người nhiễm bệnh trung bình có thể truyền bệnh cho 8-9 người. Với các chủng ban đầu, mỗi người bệnh chỉ lây lan virus cho khoảng 2 người, tương tự bệnh cảm cúm thông thường.

Cũng theo CDC, biến chủng này có thể truyền từ những người đã tiêm phòng và có khả năng gây bệnh thể nặng hơn so với những biến chủng trước.

Với các biến chủng trước kia, lượng virus sản sinh ở cơ thể người nhiễm bệnh đã tiêm chủng thường ít hơn với ở người chưa tiêm chủng. Tuy nhiên, với Delta, nó sản sinh lượng virus như nhau ở người đã tiêm chủng và người chưa tiêm chủng. Điều khác biệt là, lượng virus ở người đã tiêm chủng giảm nhanh hơn với người chưa được tiêm chủng, nghĩa là thời gian có nguy cơ lây bệnh cho người khác sẽ rút ngắn lại.

Ngoài ra, tuy chưa thể khẳng định chắc chắn, nhưng giới chuyên gia cảnh báo, Delta có thể làm tăng nguy cơ bệnh nặng ở người nhiễm bệnh. Một nghiên cứu tại Scotland chỉ ra, Delta có nguy cơ gây bệnh nặng ở người chưa tiêm chủng cao gấp hai lần so với biến chủng Alpha phát hiện lần đầu ở Anh. Một nghiên cứu gần đây ở Singapore chỉ ra, Delta có mối liên hệ đáng kể đến sự gia tăng nhu cầu cung cấp ôxy, nhu cầu điều trị tích cực hoặc thậm chí là tử vong.

Tiến sĩ Inci Yildirim, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa và tiêm chủng thuộc Trường Y, Đại học Yale, cũng cho biết, hiện có các báo cáo về những triệu chứng khác biệt ở người nhiễm Delta so với người nhiễm chủng ban đầu. "Triệu chứng ho và mất khứu giác có vẻ ít gặp hơn, nhưng đổi lại, đau đầu, đau họng, chảy nước mũi và sốt phổ biến hơn", bà Yildirim cho biết dựa vào kết quả các khảo sát gần đây ở Anh, nơi hơn 90% ca mắc mới là do Delta.

Vắc xin vẫn là "vũ khí" tốt nhất

Vắc xin Covid-19 - vũ khí hiệu quả khống chế quái vật Delta - 2

Vắc xin vẫn là công cụ tốt nhất đối phó các biến chủng SARS-CoV-2 (Ảnh minh họa: Getty).

Sự xuất hiện của Delta - một biến chủng dễ lây lan hơn của virus SARS-CoV-2 đang thử thách giới hạn hàng rào phòng thủ của hệ thống y tế toàn cầu. Một tin tốt là, với hầu hết các trường hợp, vắc xin vẫn cho thấy hiệu quả giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong vì Covid-19, kể cả với người nhiễm biến chủng Delta. Hầu hết người nhiễm bệnh là người chưa được tiêm chủng.

Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, đối phó với Delta cần nhiều chiến lược khác nhau nhưng vắc xin được khẳng định là cách tốt nhất để đối phó các biến chủng.
Hiện chưa rõ Delta có gây thêm nhiều các ca nhiễm "đột phá" - người đã tiêm chủng nhưng vẫn nhiễm bệnh - hay không, nhưng chuyên gia dịch tễ học F. Perry Wilson thuộc Đại học Yale cho rằng: "Ít nhất với miễn dịch tạo ra nhờ vắc xin mRNA, đây có vẻ không phải vấn đề lớn".

Một phân tích của Cơ quan Y tế Cộng đồng Anh (PHE) cho thấy, các vắc xin hiện tại vẫn có hiệu quả cao với các biến chủng của SARS-CoV-2, trong đó có Delta. Trong đó, các vắc xin như Pfizer-BioNTech và AstraZeneca cho hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn nguy cơ bệnh nặng do Delta gây ra. Hãng Moderna cũng công bố kết quả nghiên cứu chưa qua bình duyệt cho thấy vắc xin của hãng hiệu quả trong việc ngăn chặn Delta và các biến chủng khác của SARS-CoV-2.

Sự xuất hiện của Delta cũng đặt ra câu hỏi liệu những người đã tiêm chủng có cần tiêm nhắc lại mũi thứ ba để tăng hiệu quả bảo vệ hay không. Một số chuyên gia cho rằng hiện còn quá sớm để khẳng định cần tiêm mũi thứ ba để chống lại các biến chủng, song cả hãng Pfizer và Moderna đều đang nghiên cứu và thúc đẩy việc tiêm bổ sung này.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, thế giới có thể cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển vắc xin thế hệ mới để đối phó nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn. Họ cảnh báo, nếu các nước không đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để mở rộng độ phủ vắc xin, nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới càng cao.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm