1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyên gia lý giải việc Trung Quốc quyết bám trụ chiến lược "Không Covid"

Thành Đạt

(Dân trí) - Nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc cho rằng chiến lược "Không Covid" giúp nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới gần như không bị tổn hại, đồng thời bảo vệ người dân nước này.

Chuyên gia lý giải việc Trung Quốc quyết bám trụ chiến lược Không Covid - 1

Trung Quốc vẫn duy trì chiến lược "Không Covid" để đối phó với dịch bệnh (Ảnh: Getty).

Hãng thông tấn Xinhua ngày 13/11 dẫn lời nhà dịch tễ học, giáo sư Liang Wannian, người đứng đầu nhóm chuyên gia của chính phủ Trung Quốc về phòng chống Covid-19, cho biết Trung Quốc đã ngăn chặn hiệu quả các ca lây nhiễm trong cộng đồng và thành công trong việc hạn chế các ca bệnh nặng.

Ông Liang kiên quyết bảo vệ chiến lược "Không Covid" (Zero-Covid) của chính phủ Trung Quốc nhằm xóa sổ hoàn toàn Covid-19. Nhà dịch tễ học cho rằng đây là cách hiệu quả nhất để bảo vệ người dân Trung Quốc.

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên và cũng là quốc gia đông dân cuối cùng còn theo đuổi chiến lược đối phó không khoan nhượng với đại dịch Covid-19. Với việc theo đuổi chiến lược này, Trung Quốc vẫn còn áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để dập dịch gồm phong tỏa, truy vết tiếp xúc và xét nghiệm diện rộng.

Chỉ cần ghi nhận một hoặc một vài ca nhiễm, các nhà chức trách Trung Quốc có thể phong tỏa toàn bộ một khu vực, thậm chí một thành phố và tiến hành xét nghiệm khẩn cấp trên diện rộng để phát hiện các ca lây nhiễm. Trung Quốc cũng thực hiện hàng loạt biện pháp cứng rắn để dập tắt ổ dịch, từ hạn chế đi lại, yêu cầu học sinh học trực tuyến, dừng các dịch vụ phương tiện công cộng, đóng cửa các khu du lịch hoặc nơi tập trung đông người.

Giáo sư Liang cho biết chiến lược "Không Covid" nhằm cho phép Trung Quốc phát hiện sớm và phản ứng nhanh chóng để ngăn chặn sự lây lan rộng hơn của virus khi phát hiện ca nhiễm.

Tuy nhiên, chiến lược Zero Covid cho đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi. Các chuyên gia cho rằng, chiến lược này vẫn đang thành công trong việc khống chế virus, nhưng những biện pháp hạn chế được triển khai bất ngờ bắt đầu làm gián đoạn nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Tuy nhiên giáo sư Liang cho rằng, các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc không cản trở sự phát triển của nền kinh tế nước này, mặc dù đây là cách tiếp cận trái ngược với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới. Nhiều nước hiện đã chuyển dần sang chung sống an toàn với đại dịch, thay vì áp đặt các biện pháp chống dịch khắc nghiệt như Trung Quốc.

Trung Quốc đang trải qua đợt bùng phát dịch lan rộng nhất kể từ sau đợt dịch ở Vũ Hán hồi cuối năm 2019. Từ giữa tháng 10 đến nay, đợt dịch mới đã lan ra 21 khu vực cấp tỉnh tại Trung Quốc, tương đương 2/3 đất nước với ít nhất 1.000 ca nhiễm.

Mặc dù số ca nhiễm mới trong ngày tại Trung Quốc thấp hơn nhiều so với các nước khác trên thế giới, song Trung Quốc vẫn siết chặt các biện pháp chống dịch để ngăn virus lây lan.

Hàng chục nghìn sinh viên đang bị phong tỏa trong khuôn viên của trường đại học ở Đại Liên, sau khi thành phố phía đông bắc Trung Quốc trở thành điểm nóng mới nhất của đợt dịch mới. Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh cũng yêu cầu những người từ nơi khác vào thủ đô phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ.

Chính quyền thành phố Thành Đô tuần này đã tiến hành 30.000 xét nghiệm Covid-19 tại một trung tâm giải trí lớn. Trước đó, công viên giải trí Disneyland ở Thượng Hải hồi tháng 10 cũng xét nghiệm hơn 30.000 người, giữ du khách ở lại cho đến gần nửa đêm, sau khi một ca nhiễm được phát hiện từng đến công viên này.

Đơn vị tổ chức cuộc thi chạy marathon quốc tế Thượng Hải đã thông báo hoãn sự kiện dự kiến diễn ra vào ngày 28/11. Hồi cuối tháng 10, các cuộc thi marathon ở Vũ Hán, Thạch Gia Trang và Bắc Kinh cũng lần lượt bị hoãn để ngăn nguy cơ dịch bùng phát.