1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bị chỉ trích về chiến lược "Không Covid", truyền thông Trung Quốc đáp trả

Thành Đạt

(Dân trí) - Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đáp trả hoài nghi của một số báo Mỹ về chiến lược không khoan nhượng với Covid-19 của Bắc Kinh.

Bị chỉ trích về chiến lược Không Covid, truyền thông Trung Quốc đáp trả - 1

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại Bắc Kinh (Ảnh: Bloomberg).

Theo hãng thông tấn Xinhua (Trung Quốc), báo New York Times và một số kênh truyền thông khác của Mỹ đã chỉ trích chiến lược "Zero Covid" của Trung Quốc, nhằm mô tả "thực tế khắc nghiệt và cực đoan" về cuộc sống của người dân Trung Quốc khi phải tuân thủ các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt do các nhà chức trách Trung Quốc đặt ra.

Theo Xinhua, cũng như bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và các doanh nghiệp địa phương ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, báo này cho rằng sẽ là không phù hợp khi hoài nghi những nỗ lực của Trung Quốc trong việc xóa sổ virus, đặc biệt là đối với Mỹ, quốc gia có số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 nhiều nhất thế giới.

Trong khi nhiều nước trên thế giới đã chuyển dần sang chung sống an toàn với đại dịch , Trung Quốc vẫn kiên trì với chiến lược xóa sổ hoàn toàn Covid-19 hay còn gọi là "Zero Covid" (Không Covid). Trung Quốc là quốc gia đầu tiên và cũng là quốc gia đông dân cuối cùng còn theo đuổi chiến lược đối phó không khoan nhượng với đại dịch.

Với việc theo đuổi chiến lược này, Trung Quốc vẫn áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để dập dịch gồm phong tỏa, truy vết tiếp xúc và xét nghiệm diện rộng. Chỉ cần ghi nhận một hoặc một vài ca nhiễm, các nhà chức trách Trung Quốc có thể phong tỏa toàn bộ một khu vực, thậm chí một thành phố.

Tuy nhiên, chiến lược Zero Covid cho đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi. Các chuyên gia cho rằng, chiến lược này vẫn đang thành công trong việc khống chế virus, nhưng những biện pháp hạn chế bắt đầu làm gián đoạn sự phát triển của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Những hoài nghi về chiến lược Zero Covid càng gia tăng trong bối cảnh Trung Quốc đang trải qua đợt bùng phát dịch lan rộng nhất kể từ sau đợt dịch ở thành phố Vũ Hán vào cuối năm 2019. Từ ngày 17/10-5/11, khi đợt dịch mới bùng phát, Trung Quốc đã ghi nhận 918 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. 

Mặc dù vậy, báo Trung Quốc cho rằng nước này đã chứng minh tính khả thi của cách tiếp cận Zero Covid với thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh này.

Trong khi Covid-19 cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 5 triệu người trên toàn thế giới, chỉ riêng Mỹ đã có hơn 754.000 người tử vong, Trung Quốc đại lục không ghi nhận ca tử vong nào kể từ tháng 1. Báo trên cho biết nếu Trung Quốc thực hiện theo gợi ý của các kênh truyền thông Mỹ, áp dụng cách của Mỹ để đối phó với đại dịch, hậu quả sẽ còn "thảm khốc hơn".

Báo trên lập luận rằng, Trung Quốc có dân số lớn hơn Mỹ gấp 4 lần. Nếu Trung Quốc đối phó với đại dịch như cách Mỹ đã làm, số ca tử vong tại Trung Quốc sẽ lên tới hơn 3 triệu người. Trong khi đó, số người chết trên thực tế tại Trung Quốc đại lục cho đến nay là 4.636 người.

Một số ý kiến cho rằng cách chống dịch nghiêm ngặt khiến Trung Quốc phải trả giá đắt về kinh tế và sự phát triển của nước này. Tuy nhiên, Xinhua cho rằng điều đó cũng không hoàn toàn đúng và rằng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc vẫn mạnh mẽ bất chấp các biện pháp chống dịch. 

Báo Trung Quốc cảnh báo khi mùa đông đang đến và nhiều quốc gia không còn yêu cầu giãn cách xã hội cũng như đeo khẩu trang, rất có thể đại dịch sẽ bùng phát trở lại. Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo châu Âu có thể ghi nhận thêm 500.000 ca tử vong do Covid-19 trong 3 tháng tới, sau khi khu vực này nới lỏng các biện pháp chống dịch.

"Virus sẽ không tự biến mất. Điều tốt nhất vẫn là hy vọng ở việc tiêm chủng đầy đủ cho hầu hết người dân và các phương pháp điều trị hiệu quả cao, tuy nhiên cả hai cách này đều chưa hiệu quả. Vì vậy, hiện tại, các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt vẫn là cách tốt nhất để cứu sống các sinh mạng", Xinhua viết.