1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia hiến kế giúp châu Á đánh bại đại dịch Covid-19

Thanh Thành

(Dân trí) - Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, đã chỉ ra 3 cách hợp tác để các quốc gia trong khu vực có thể phục hồi nhanh chóng sau đại dịch.

Chuyên gia hiến kế giúp châu Á đánh bại đại dịch Covid-19 - 1

Người đi mua sắm trên đường phố Seoul, Hàn Quốc (Ảnh: Reuters).

Bà Kwakwa cho rằng, các nước ở Đông Á-Thái Bình Dương sẽ cùng hưởng lợi nếu bắt tay hợp tác trong 3 mục tiêu: triển khai tiêm vắc xin, tái sinh các lĩnh vực của nền kinh tế khu vực và xây dựng nền tảng hội nhập chặt chẽ trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo bà Kwakwa, trong nhiều thập niên, khu vực Đông Á-Thái Bình Dương duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, giúp hàng trăm triệu người thoát cảnh đói nghèo. Trong năm 2020, một số nước trong khu vực trở thành hình mẫu chống dịch hiệu quả. Nhưng giờ đây, khi triển vọng phục hồi nhanh chóng sau đại dịch toàn cầu đang bị lung lay, khu vực này đang đứng trước nguy cơ thất thế.

Covid-19 tiếp tục tấn công mạnh mẽ, đánh vào nền kinh tế và đời sống người dân, đồng thời đẩy các nước vào cuộc đua khó nhằn: đóng cửa hay mở cửa trở lại. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế cũng không đồng đều giữa các quốc gia và trong các lĩnh vực. Một số nước chậm triển khai tiêm vắc xin do thiếu hụt nguồn cung và các hạn chế về công tác hậu cần.

Nhưng bà Kwakwa lạc quan cho rằng, Đông Á- Thái Bình Dương là khu vực có triển vọng phục hồi rất đáng kể. Theo chuyên gia này, các nước cần quan tâm đến yếu tố quan trọng nhất: thúc đẩy hợp tác khu vực. Bà Kwakwa đã chỉ ra 3 mục tiêu hợp tác chính.

Thứ nhất, chấm dứt đại dịch. Các nước có thể hợp tác sản xuất vắc xin để tăng nguồn cung và thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng. Bà Kwakwa ca ngợi một số quốc gia như Việt Nam, Indonesia, Thái Lan đã và đang xem xét việc mở rộng năng lực sản xuất vắc xin.

Ngoài vắc xin, các nước có thể bắt tay sản xuất các nguồn cung y tế thiết yếu khác như thiết bị bảo hộ cá nhân, khẩu trang và bộ dụng cụ xét nghiệm, hay cùng chia sẻ các phương pháp chống dịch tốt nhất để ngăn chặn, kiểm tra và truy vết hiệu quả.

Bà Kwakwa nhấn mạnh, khi các nước càng tăng cường chung tay nỗ lực chấm dứt đại dịch, toàn bộ khu vực có thể mở cửa trở lại nhanh hơn.

Thứ hai, hợp tác phục hồi kinh tế. Tỷ lệ nghèo đói đã tăng vọt ở Đông Á-Thái Bình Dương kể từ đầu năm 2020 khi toàn bộ các lĩnh vực và ngành công nghiệp, bao gồm cả du lịch, vẫn đóng cửa. Chính phủ các nước đã tung ra các gói kích thích tài khóa và các chương trình bảo trợ xã hội, nhưng những nỗ lực này vẫn như "muối bỏ biển" vì các nền kinh tế phải vật lộn để đối phó với những đợt bùng phát dịch gần đây. Vì vậy, theo bà, các quốc gia trong khu vực và trên toàn cầu cần có cơ chế phối hợp tốt hơn về các chính sách tài khóa và tiền tệ.

Khi đã an toàn, các quốc gia có thể xem xét mở cửa theo kiểu "hộ chiếu vắc xin" và giấy chứng nhận xét nghiệm, để hồi sinh ngành du lịch và khách sạn. Một khi quá trình phục hồi diễn ra mạnh mẽ, các nền kinh tế đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động có thể tìm cách thu hút lao động ở các nước láng giềng, đồng thời cải thiện điều kiện sức khỏe và an toàn cho họ để tránh bất kỳ đợt bùng phát dịch nào nữa.

Tuy nhiên, những chính sách như vậy sẽ phụ thuộc một phần vào sự hồi sinh của các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Trong khi đầu tư công chỉ giảm nhẹ, đầu tư tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Đông Á - vốn đã thấp so với các khu vực khác (ở mức 2% so với mức trung bình 20% đối với các nước đang phát triển trên toàn cầu ngoại trừ Trung Quốc) - đã giảm 75% trong năm 2020, so với năm 2019. Trong tương lai, các nước trong khu vực cần có những cam kết mạnh mẽ từ cả khu vực nhà nước và tư nhân để mở rộng cơ sở hạ tầng bền vững.

Thứ ba, hội nhập khu vực sâu rộng hơn. Khi đại dịch bùng phát, người ta đã nói nhiều về sự gián đoạn của chuỗi giá trị toàn cầu, do nhập khẩu bị gián đoạn và một số nước đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, cú sốc Covid-19 trên thực tế khiến hội nhập thương mại trong khu vực sâu rộng hơn.

Cuối cùng, bà Kwakwa nhấn mạnh, khi cùng chung tay hợp tác, Đông Á-Thái Bình Dương sẽ an toàn hơn và sinh kế của người dân sẽ được đảm bảo. Đông Á-Thái Bình Dương có thể duy trì vị thế với tư cách là một trong những khu vực năng động, sáng tạo và kết nối với nhau nhất trên thế giới.