1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chuyên gia giải mã chiến thuật của Nga nhằm đối phó phòng không Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Sau khi Ukraine bắn rơi các khí cầu mà họ cáo buộc là của Nga, chuyên gia cho rằng Moscow có nhiều mục đích để thực hiện điều này, như làm cạn kiệt năng lực phòng không của Kiev.

Chuyên gia giải mã chiến thuật của Nga nhằm đối phó phòng không Ukraine - 1

Hình ảnh quả khí cầu bị Ukraine bắn rơi mà Kiev cáo buộc là của Nga (Ảnh: The Drive).

Ukraine ngày 15/2 tuyên bố đã bắn rơi một số khí cầu có gắn thiết bị phản xạ radar bay gần thủ đô Kiev mà họ cáo buộc là của Nga. Theo The Drive, đây có thể là một chiến thuật của Nga nhằm thu thập thông tin tình báo về khả năng phòng không của Ukraine cũng như đánh lừa để Kiev lãng phí đạn dược phòng không đắt đỏ và các nguồn lực khác.

Theo Cơ quan Quản lý Quân sự Thành phố Kiev (KCMA), các khí cầu này mang theo một số thiết bị có năng lực thu thập tin tức tình báo. KCMA tuyên bố bắn rơi hầu hết 6 quả khí cầu mà cơ quan này cáo buộc là của Nga.

Người phát ngôn Lực lượng Không quân Ukraine, Đại tá Yuri Ignat nhấn mạnh rằng những quả khí cầu không phải là thiết bị sử dụng công nghệ mới.

"Đó chỉ là một quả khí cầu bình thường, rộng khoảng 1,5m. Nó chứa đầy khí và bay lên. Các quả khí cầu có một tấm phản xạ ở góc và trạm định vị vô tuyến. Điều đó có nghĩa chúng là mục tiêu trên không và Ukraine phải triển khai năng lực phòng không", ông nói.

Theo The Drive, trong khi công nghệ cơ bản của khí cầu có thể đã lỗi thời nhưng điều đó không có nghĩa là những thiết bị này không hữu ích đối với Nga. Nga và Liên Xô trước đó có lịch sử lâu đời về việc sử dụng khinh khí cầu để giám sát và các mục đích khác.

Những quả khí cầu nhỏ có thiết bị phản xạ radar là một mục tiêu giá rẻ, dễ sử dụng nhưng hiệu quả trong việc buộc Ukraine kích hoạt hệ thống phòng không. Việc buộc Ukraine bật radar phòng không có thể giúp Nga có những thông tin có giá trị về năng lực phòng thủ của đối phương và cách Kiev bố trí trận địa.

Thông tin này hữu ích cho việc nhằm mục tiêu để tấn công phòng không Ukraine, hoặc đơn giản tránh né chúng trong tương lai. Trong lịch sử chiến sự thế giới, từng có những trường hợp mà khí cầu gắn thiết bị phản xạ radar được sử dụng để thu thập thông tin quan trọng về hệ thống phòng không đối phương.

Mặt khác, nếu các lá chắn này được kích hoạt để bắn rơi các quả khí cầu, giống như phản ứng của Kiev hôm 15/2, thì nó sẽ tiếp tục làm gia tăng áp lực cho Ukraine. Nếu Ukraine bắn rơi 6 khí cầu giá rẻ, họ sẽ phải dùng ít nhất 6 tên lửa phòng không đắt đỏ trong bối cảnh kho đạn dược của họ đang cạn kiệt vì các đợt tập kích tên lửa, máy bay không người lái trước đó của Nga.

Thêm vào đó, việc triển khai khí cầu có thể thu hút sự chú ý của hệ thống phòng không Ukraine, dẫn tới giảm tập trung để bảo vệ các mục tiêu có giá trị cao. Trước đó, giới chức Ukraine từng nói về việc Nga sử dụng tên lửa Kh-55 dùng đầu đạn không thuốc súng để đánh lừa phòng không Kiev, sau đó Moscow sử dụng các tên lửa để đánh vào các cơ sở quan trọng của đối thủ.

The Drive dự đoán, với các lợi thế kể trên, Nga có thể tăng cường sử dụng các khí cầu giá rẻ trong thời gian tới để "vắt kiệt" năng lực phòng không của Ukraine nhằm làm giảm năng lực phòng vệ của đối thủ trong một cuộc chiến tiêu hao.

Theo The Drive
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine