Chuyên gia chỉ ra "tử huyệt" của siêu tăng Abrams Mỹ viện trợ Ukraine
(Dân trí) - Chuyên gia chỉ ra điểm yếu chí mạng có thể khiến xe tăng M-1 Abrams của Mỹ viện trợ cho Ukraine trở nên dễ tổn thương trên chiến trường.
Đã hai tháng kể từ khi xe tăng M-1 của Mỹ đến Ukraine. Tới nay, chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy xe tăng này đã xung trận.
Theo Forbes, không rõ Ukraine đang tính toán gì với 31 chiếc Abrams đã được bàn giao, nhưng có một việc mà họ có thể cần phải làm: Bọc thép bổ sung cho các xe tăng để chống lại các cuộc tấn công của UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) gắn thuốc nổ của Nga.
UAV FPV xuất hiện dày đặc dọc theo chiến tuyến dài 1.000km của cuộc chiến kéo dài hơn 22 tháng giữa Nga với Ukraine. Giờ đây, cùng với mìn, UAV FPV được xem là mối đe dọa nghiêm trọng nhất với xe tăng của 2 bên.
Forbes dự đoán, việc Ukraine sẽ mất một số xe tăng M-1 nặng 68 tấn là điều khó có thể tránh khỏi. Những chiếc M-1A1SA cổ điển những năm 2000 mà Ukraine nhận được là một trong những loại xe tăng được bảo vệ tốt nhất trên thế giới, nhưng chúng không phải là vũ khí bất khả xâm phạm trước các cuộc tấn công.
Và chúng đặc biệt dễ bị tấn công bởi máy bay không người lái FPV, loại UAV có thể tấn công vào nơi có lớp giáp mỏng nhất của M-1: Trên đỉnh xe tăng và dọc theo hai bên.
Gabriel Silveira, một chuyên gia quân sự, cho biết: "Phần nóc xe tăng to và rất mỏng, chỉ dày khoảng 25mm. Một chiếc FPV ngay cả với thuốc nổ chống tăng cũ cũng có thể xuyên qua nơi này để tấn công một thành viên kíp lái. Vụ tấn công có thể làm hỏng nhiều bộ phận điện tử khác nhau bên trong tháp pháo hoặc đốt cháy và buộc kíp lái phải sơ tán".
Lớp giáp ở thân của M-1 cũng tồn tại vấn đề. Silveira giải thích: "Ở hai bên thân, Abrams có một số tấm giáp bên bằng vật liệu composite khá cũ. Tuy nhiên, phần còn lại của thân xe được bao phủ bởi các lớp thép đơn giản và lớp giáp cơ bản ở hai bên thân cũng được làm bằng thép".
Việc bảo vệ M-1 khỏi UAV FPV là có thể thực hiện được, theo Forbes. Ukraine đã tăng cường lớp giáp cho hầu hết xe tăng của họ, bổ sung lồng bảo vệ, giáp phản ứng nổ khi cần thiết để giảm thiểu những điểm dễ bị tổn thương của các loại xe tăng cụ thể.
Những chiếc xe Challenger 2 của Anh được gắn thêm các tấm giáp cho phần thân dưới phía trước. Những chiếc Leopard 2A4 do Đức sản xuất được trang bị lớp giáp phản ứng dày bao quanh, có khả năng phát nổ ra bên ngoài để làm chệch hướng thuốc nổ đang bay tới. Những chiếc Leopard 1A5 cũ hơn, cũng của Đức sản xuất, được cho là cũng đang được trang bị giáp phản ứng nổ.
Cách khắc phục nhanh nhất cho M-1 là các lồng bảo vệ được bắt vít sang một bên và bọc đỉnh tháp pháo.
Ông Silveira cho rằng, Ukraine không nên gắn thêm giáp phản ứng nổ lên M-1 cho tới khi thời tiết khô ráo hơn. Việc sử dụng giáp phản ứng nổ có thể làm tăng thêm hàng tấn trọng lượng cho xe tăng và có nguy cơ khiến nó bị sa lầy với địa hình mùa đông lầy lội.