1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chuyện đời các phi công tự sát Nhật

Hơn 2.000 phi công Nhật đã thiệt mạng khi lái những chiếc máy bay liều chết đâm vào tàu chiến của đối phương trong Thế chiến II. Vì điều gì, hay vì ai mà những người này đã hy sinh mạng sống?

Theo Ngoại trưởng Nhật Taro Aso, họ làm vậy vì Hoàng đế. Và ông vẫn mong đến một ngày người đứng đầu đất nước mặt trời mọc mang tính biểu tượng - không phải những nhà lãnh đạo chính trị - đến và thể hiện lòng ngưỡng mộ tại Yasukuni, ngôi đền thờ những người Nhật đã chết trong chiến tranh, gồm cả 14 nhân vật tội bị coi là tội phạm chiến tranh.

Sự thực là Aso và những người theo chủ nghĩa dân tộc hiện đại khác cũng không biết gì hơn bất kỳ ai về việc những người đàn ông và phụ nữ đã nghĩ gì trước khi chết trong các cuộc chiến của Nhật vào thế kỷ 19 và 20.

Để được nghe lời giải thích chính thức, họ nên gặp Shigeyoshi Hamazono, người phi công liều chết đã sống sót nhờ chiếc máy bay của ông gặp trục trặc.

Khi đưa ra những bức ảnh đen trắng trong ngôi nhà của ông ở tại Kyusu, phía tây nam Nhật bản, Hamazono nhìn kỹ từng cm trên cơ thể những chàng phi công bảnh bao. Giờ đây, sau hơn 60 năm, ông đi lại chậm chạp nhưng dáng vẻ vẫn như một người lính. Vết sẹo trên mặt khiến ông trông như mỉm cười khi hồi tưởng lại những cuộc không chiến với máy bay chiến đấu của Mỹ trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến trên biển Thái Bình Dương.

Bức ảnh đó được chụp khi Hamazono mới 21 tuổi và được coi là kỷ vật cuối cùng ghi lại việc ông tham gia cuộc chiến tranh với tư cách một thành viên của phi đội đặc biệt, Tokkotai, phi đội cảm tử. Ông đã tình nguyện trở thành phi công cho hải quân ngay sau khi Nhật ném bom Trân Châu Cảng vào tháng 12 năm 1941, và ở Philippines cho đến cuối năm 1944 để chuẩn bị cho cuộc tấn công tự sát một tàu tuần dương của Anh.

Nhưng ngay lần xuất kích đầu tiên, chiếc máy bay không số đã làm ông thất vọng khi gặp vấn đề về nhiên liệu. Hamazono buộc phải quay lại một căn cứ khác ở Đài Loan và đợi cả một ngày để nạp nhiên liệu, chỉ đủ cho chuyến bay một chiều.

Khi Hamazono trở về Nhật Bản thì sự nghi ngờ về giá trị của những người đàn ông trong phi đội Tokkotai đã lan truyền: 2.000 phi công liều chết đã bỏ mạng trong giai đoạn cuối của cuộc chiến chỉ để đánh đắm 34 tàu địch. Dù vậy, cấp trên của Hamazono vẫn quyết định đưa anh vào chỗ chết.

“Họ thoát ra khỏi đám mây phía trên và tôi nhìn thấy họ quá muộn”, ông nói về những phi cơ chiến đấu của Mỹ mà ông phải đương đầu và sau đó bị đánh bại. Phi đội của Hamazono đã có cuộc hỗn chiến trong 35 phút để lại cho ông những vết cắt và bỏng nặng ở mặt và tay.

“Khi cuộc giao tranh kết thúc, tôi nhìn thấy họ tiến lại phía mình từ đằng xa và tôi chắc mẩm mình sẽ bị giết trong vài giây nữa. Nhưng khi đến gần hơn, họ lại nghiêng cánh và bay đi. Tôi vẫn không hiểu được tại sao họ làm như vậy”, Hamazono cho biết.

Khi màn đêm kéo xuống, Hamazono bay rề rề quay trở lại đất liền của Nhật cho tới khi nhìn thấy ánh đèn của Chiran, một căn cứ của các phi đội liều chết ở Kyushu. “Tôi bị bỏng khắp người và chỉ còn lại có 5 chiếc răng”, ông nói. "Phi vụ đã thất bại".

Khi chỉ còn vài tuần nữa là cuộc chiến kết thúc, Hamazono ở lại và đào tạo những phi công trẻ tuổi hơn. Những người này không giống với người giáo viên hay xúc động và kiệt sức của họ, họ vẫn háo hức được chết như những anh hùng. Giờ đây ở tuổi 81, Hamazono cho biết ông tiếc vì quá nhiều những người bạn của ông đã chết.

"Tôi sống và dành cuộc sống này của tôi cho họ, cho người vợ của tôi, và 11 đứa cháu của tôi”, ông nói.

Hamazono không còn tin tưởng rằng những thanh niên trẻ tuổi từng lao chiếc phi cơ liều chết vào tàu chiến của đối phương cảm thấy hạnh phúc được thể hiện lòng trung thành với Nhật Hoàng.

“Chúng ta cứ nói rằng điều đó là vì Nhật Hoàng, nhưng thực sự không phải như vậy”, ông nói. “Chúng ta sẵn sàng chết, nhưng là cho gia đình chúng ta và cho nước Nhật".

"Hành động đó giống như việc một người mẹ sẵn sàng vứt bỏ mọi thứ khi đứa con cần đến bà ta. Điều đó cũng giống như những phi công liều chết cảm thấy khi nghĩ về đất nước”, Hamazono nói.

Tháng 8 năm ngoái, lễ kỷ niệm lần thứ 60 ngày kết thúc Thế chiến II đã lại khơi dậy sự quan tâm về những phi công liều chết của Nhật. Một bộ phim tài liệu mô phỏng phong trào phản chiến mang tên "The Winds of God" sẽ được phát hành, và Shintaro Ishihara, vị thị trưởng mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của Tokyo, được cho là đang viết kịch bản cho một bộ phim nói về cuộc sống của những phi công liều chết ở Chiran.

Hamazono sung sướng khi thành nhân vật nổi tiếng tại bảo tàng hoà bình của thành phố, nơi lưu giữ những chiếc máy bay, quân phục, các bức ảnh, lá thư và những dụng cụ khác, những thứ được trao tặng cho các phi công cảm tử và khiến họ được coi như các á thần.

Ông ta dừng lại trước phần còn lại của chiếc máy bay mang nhãn hiệu Zero bị bắn rơi tại Chiran vào tháng 5 năm 1945, được phục hồi sau khi vớt lên từ đáy biển vào năm 1980. “Nó là một chiếc máy bay đáng yêu”. Ông nói . “Nó mang lại cho bạn một chút gì đó còn hơn cả sự tin tưởng”.

Ông chỉ vào bộ quân phục cũ của mình và chiếc kính bảo hộ trên giá trưng bày và nói: “ Khi tôi nhìn bộ trang phục này, tôi lại thấy mình như đang ngồi trên chiếc máy bay đó. Nhưng thời của những phi công như chúng tôi đã qua rồi. Bây giờ người ta ném bom vào những người dân vô tội từ một khoảng cách rất cao. Điều đó thật là khủng khiếp”.

Những phi công liều chết không tránh khỏi việc bị so sánh với những tên khủng bố Al-Qeada, những kẻ đã lao những chiếc máy bay vào toà tháp đôi World Trace Centre vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. Mặc dù vậy Hamazono cho biết ông thấy tức giận với ý kiến cho rằng ông và những người bạn phi công của ông là những hình mẫu của những kẻ đánh bom tự sát ngày nay.

“Chúng tôi hoàn toàn khác họ”, ông nói. “Chúng tôi làm như vậy vì những người đồng đội của mình, còn những kẻ khủng bố tự kết liễu cuộc đời chúng cho những lý do hoàn toàn ích kỷ. Tôi không cảm thấy tức giận khi nghe họ miêu tả chúng tôi như những kẻ lái máy bay đánh bom liều chết hiện đại ngày nay, nhưng điều làm tôi phiền muộn là họ làm thế vì niềm tin tôn giáo chứ không phải tình yêu khiến họ làm thế".

Ngày nay những kẻ đánh bom tự sát thường gọi tên đức thánh của họ trước khi tự huỷ diệt mình, còn những phi công liều chết ngày xưa thì sao? Hamazono cho biết ông đã nhìn thấy trước kết cục của nhiệm vụ mà ông làm, song từ mà ông kêu lên lại chẳng liên quan gì đến chủ nghĩa Thần đạo của Nhật trong thời kỳ chiến tranh hay Nhật Hoàng.

“ Mẹ… Đó là từ duy nhất”, ông nói . “Ý kiến cho rằng chúng tôi cười vào mặt thần chết chỉ là hoang đường”. 

Theo Ngọc Sơn

Vnexpress/Guardian