Chuyến đi “thực địa” của Donald Rumsfeld
Đến Trung Quốc lần đầu tiên (18/10/2005) kể từ khi nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Donald Rumsfeld đã được tiếp đón trọng thị, được đến thăm một số cơ quan trọng yếu thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc và được phát biểu tại Trường Đảng Trung ương. Chuyến công du của Bộ trưởng Rumsfeld thật ra nhằm mục đích gì?
“Nhiều nước đã đặt câu hỏi về tiến độ và phạm vi mở rộng quân sự của Trung Quốc” - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld phát biểu tại Trường đảng Trung ương Trung Quốc - “Sự phát triển tiềm lực Trung Quốc đã khiến nhiều quốc gia đặt nghi vấn về mục tiêu (Trung Quốc) đồng thời (họ) cũng điều chỉnh lại cách ứng xử trong chừng mực nào đó và chính sách này hoàn toàn có thể hiểu được”.
Donald Rumsfeld (đến Trung Quốc lần đầu tiên hồi năm 1974 với tư cách Đổng lý Văn phòng của Tổng thống Gerald R. Ford) cũng đề nghị Trung Quốc công khai hơn (về chương trình quân sự), nhắc lại bản báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết, Trung Quốc có thể chi 90 tỉ USD cho ngân sách quốc phòng 2005, gấp 3 ngân sách mà Trung Quốc công bố chính thức.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Cao Gangchuan tất nhiên đã phản bác ông Rumsfeld. Ông Cao nói: “Chúng tôi không thể tăng đầu tư cho khả năng quốc phòng, dù ngân sách 30,2 tỉ USD không bao gồm các dự án lớn chẳng hạn chương trình nghiên cứu không gian Thần Châu”.
Chuyến công du của ông Rumsfeld (lần thứ ba với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong 10 năm - mở đường cho chuyến kinh lý của Tổng thống George W. Bush vào tháng 11) được thực hiện trong khuôn khổ loạt thao tác ngoại giao Mỹ - Trung gồm chuyến viếng thăm của Chủ tịch Quỹ Dự trữ liên bang Hoa Kỳ Alan Greenspan cùng Bộ trưởng Tài chính John Snow (trước ông Rumsfeld vài ngày), trong bối cảnh quan hệ song phương tiếp tục tồn tại “đôi chút hiểu lầm”.
Sự “hiểu lầm” ở đây có thể được hiểu là những e ngại tiềm ẩn giữa Washington và Bắc Kinh. Như lời Wu Jianmin (Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại giao Trung Quốc) nói, Mỹ hiện thời vẫn chưa có một đánh giá chính xác và trọn vẹn về Bắc Kinh. Wu Jianmin phát biểu: “Có ba luồng tư tưởng chính: những người xem Trung Quốc là mối đe dọa; những người xem Trung Quốc là bạn; và những người - chiếm đa số - nhìn Trung Quốc bằng thái độ “chờ - xem”.
Về động thái Mỹ (liên quan vấn đề quốc phòng), có thể nói Mỹ đã đi trước một bước. Tờ Christian Science Monitor cho biết khi cuộc chiến Iraq 2003 bắt đầu, Lầu Năm Góc đã cho phép một phóng viên Trung Quốc tháp tùng 5 ngày trên Hàng không mẫu hạm USS Kitty Hawk. Ngoài ra, sĩ quan quân đội Trung Quốc cũng từng được mời bay trên chiến đấu cơ Mỹ, có mặt trên tàu ngầm hạt nhân, dự thính lớp học tại Trường Quân sự West Point và thậm chí đến Trung tâm chiến lược quốc phòng Mỹ ở núi Cheyenne.
Do đó, lần này, Bộ trưởng Donald Rumsfeld có chuyến viếng thăm chưa tiền lệ đến Trung tâm chỉ huy hệ thống tên lửa quốc phòng Trung Quốc. Đây có thể được xem là hành động đáp lễ của Bắc Kinh nhưng cũng có thể là cách Trung Quốc thể hiện thực lực mình.
Ni Lexiong - Giáo sư Quân sự học Đại học Thượng Hải - bình luận rằng, việc Trung Quốc cho phép ông Rumsfeld đến Trung tâm chỉ huy hệ thống tên lửa là nhằm gửi thông điệp mang nội dung, Mỹ không nên “đi quá xa” (trong việc gây sức ép ở nhiều vấn đề), rằng Trung Quốc có đủ “đồ chơi” để “tiếp” Mỹ nếu có thể. “Chúng tôi quyết định cho ông ấy (Rumsfeld) thấy gì và không thấy gì” - Ni Lexiong nói - “Bất cứ gì chúng tôi cho ông ấy thấy đều có ý nghĩa quan trọng”.
Theo báo cáo của Lầu Năm Góc công bố tháng 7/2005, quân đội Trung Quốc hiện lớn thứ tư hoặc thứ ba thế giới. Trung Quốc có một chiến lược hạt nhân mạnh nhất nhì châu Á và hải quân nước này đang có mặt ngoài khơi khu vực. Hai năm qua, Trung Quốc đã công bố thế hệ tàu ngầm tấn công mới và thế hệ tàu chiến cơ động (gây ngạc nhiên cho tình báo Mỹ). Cần nhắc lại, từ năm 2002 đến nay, Trung Quốc đã tổ chức tập trận quy mô với Kyrgyzstan, Pakistan, Anh, Pháp, Ấn Độ và Nga.
Giới chức quân sự Mỹ nhấn mạnh rằng, Trung Quốc nên công khai hóa chương trình quốc phòng nhằm hạn chế khả năng xảy ra đụng độ trong tình huống khủng hoảng. Mục đích cốt lõi chuyến đi của ông Rumsfeld thật ra cũng là nhằm tạo quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, với hy vọng có thể được chia sẻ thông tin quốc phòng, điều mà lâu nay Mỹ hầu như chỉ đoán già đoán non. Hơn nữa, hợp tác cũng là một cách để giám sát.
Trao đổi thông tin quân sự Mỹ - Trung từng có lúc phát triển. Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khoảng 80 chuyên gia Mỹ đã có mặt tại Trung Quốc để giúp xây dựng lực lượng không quân. Mỹ cũng hỗ trợ nâng cấp hệ thống kiểm soát không lưu dân sự lẫn quân sự cho Trung Quốc. Bang giao quân sự hai nước bắt đầu hạn chế từ giữa thập niên 90 thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI, khi Trung Quốc bắn thử nghiệm tên lửa ở eo biển Đài Loan vào đúng thời điểm lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy đến Mỹ (lần này, ngay lúc ông Rumsfeld hội đàm với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, ông Lý Đăng Huy cũng có mặt tại Washington với tư cách thường dân).
Năm 2001, sau khi một chiến đấu cơ Trung Quốc buộc máy bay do thám Mỹ EP-3 hạ cánh xuống Hải Nam (ngay đầu nhiệm kỳ I của Tổng thống Bush), quan hệ quân sự hai nước bắt đầu băng giá. Giờ đây, với sự phát triển phi mã của Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực, Mỹ buộc phải chủ động tìm cách tiếp cận đối phương, trên tinh thần chính sách “biết mình biết người”. Do đó, dù bóng gió nặng nhẹ về vấn đề nhân quyền Trung Quốc, ông Rumsfeld cũng phải lùi lại một bước khi tái khẳng định ủng hộ chính sách “một quốc gia” của Trung Quốc quanh vấn đề Đài Loan
Theo M.K
An ninh thế giới