1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chuyến đi mở màn năm ngoại giao bận rộn của ông Kim Jong-un

(Dân trí) - Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã khởi động chính sách ngoại giao thượng đỉnh trong năm mới 2019 bằng chuyến công du tới Trung Quốc tuần này và một số cuộc gặp cấp cao dự kiến diễn ra sau đó.

Chuyến đi mở màn năm ngoại giao bận rộn của ông Kim Jong-un - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và phu nhân Ri Sol Ju ngày 7/1 duyệt đội danh dự trước khi rời Bình Nhưỡng để bắt đầu chuyến thăm kéo dài 4 ngày tới Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 8/1 xác nhận nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tới Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức kéo dài 4 ngày tới Trung Quốc. Một đoàn tàu đặc biệt chở ông Kim Jong-un đã tới nhà ga Bắc Kinh vào sáng hôm qua và an ninh đã được siết chặt tại thủ đô của Trung Quốc trong những ngày này.

Hiện mọi thông tin liên quan tới chuyến thăm của ông Kim Jong-un tới Trung Quốc đều rất hạn chế. Nhà lãnh đạo Triều Tiên được cho là đã có các cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vài giờ sau khi ông tới Bắc Kinh.

Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un hôm nay đã tới thăm một nhà máy dược nằm trong khu phát triển kinh tế - công nghệ ở Bắc Kinh. Một số nguồn tin cho biết ông Kim đã dành 20 - 30 phút để tham quan nhà máy do Tong Ren Tang, một hãng sản xuất thuốc với lịch sử hơn 300 năm, vận hành.

Đây là chuyến thăm thứ 4 của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Trung Quốc kể từ khi ông lên nắm quyền tại Triều Tiên vào cuối năm 2011 và là chuyến thăm đầu tiên trong năm 2019.

Kể từ đầu năm 2018, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã theo đuổi chiến lược ngoại giao thông qua các cuộc gặp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo thế giới. Năm 2019, ông Kim được cho là tiếp tục thực hiện chiến lược này, trong đó chuyến công du tới Trung Quốc là sự kiện mở màn.

Hàn Quốc hy vọng chuyến thăm Trung Quốc của nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

"Chính quyền Hàn Quốc hy vọng các cuộc trao đổi cấp cao và cuộc gặp thượng đỉnh giữa Triều Tiên và Trung Quốc, bao gồm cuộc gặp giữa Chủ tịch Kim Jong-un và Chủ tịch Tập Cận Bình, có thể đóng góp vào việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập nền hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên", Noh Kyu-duk, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, phát biểu trong cuộc họp báo hôm 8/1.

Chính sách ngoại giao mới 

Chuyến đi mở màn năm ngoại giao bận rộn của ông Kim Jong-un - Ảnh 2.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump gặp mặt tại Singapore hồi tháng 6/2018. (Ảnh: Reuters)

Giới chức Hàn Quốc nhận định chuyến thăm của ông Kim Jong-un tới Trung Quốc sẽ mở màn cho cuộc gặp sau đó giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên với Tổng thống Donald Trump. Năm ngoái, ông Kim Jong-un cũng tới Trung Quốc 3 lần và gặp ông Tập Cận Bình trước và sau khi ông tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore hồi tháng 6.

"Những phân tích đã chỉ ra rằng cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ sớm diễn ra", một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết.

Tổng thống Trump cũng đã lên tiếng xác nhận rằng cuộc gặp thứ hai của ông với nhà lãnh đạo Kim Jong-un sắp diễn ra. Ông chủ Nhà Trắng đã nói với các phóng viên rằng cả Mỹ và Triều Tiên đều đang đàm phán về địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần hai và thông báo sẽ được đưa ra trong thời gian sắp tới.

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng hy vọng có thể tổ chức hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, có thể tại thủ đô Seoul, trong vài tháng tới. Năm 2018, hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều đã có các cuộc gặp cấp cao lịch sử, mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai quốc gia trên bán đảo Triều Tiên.

Theo Yonhap, Nga cũng đang chờ đợi chuyến thăm của ông Kim Jong-un tới Moscow vào nửa đầu năm nay. Kang Jun-young, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nghiên cứu Đối ngoại Hankuk, cho rằng ông Kim Jong-un sẽ sớm tới thăm Nga.

"Việc tăng cường quan hệ 3 bên giữa Triều Tiên, Trung Quốc và Nga là điều có lợi cho ông Kim Jong-un", giáo sư Kang nhận định.

Trong bài diễn văn đón năm mới hôm 1/1, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đề xuất một diễn đàn đa phương để thảo luận các phương án nhằm thay thế thỏa thuận đình chiến hiện nay trên bán đảo Triều Tiên bằng một cơ chế hòa bình lâu dài. Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh do hai nước chưa ký hiệp định hòa bình sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Cũng trong bài diễn văn, mặc dù khẳng định Triều Tiên vẫn cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn dựa trên đối thoại, song ông Kim Jong-un cũng để ngỏ phương án B trong trường hợp Washington tiếp tục gây sức ép và trừng phạt Bình Nhưỡng. Việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un sử dụng cụm từ "con đường khác", khiến giới quan sát Triều Tiên cho rằng ông Kim có thể vẫn muốn theo đuổi cả hai mục tiêu là duy trì kho vũ khí hạt nhân và phát triển kinh tế.

Ông Kim Jong-un từng đề xuất hợp tác mạnh mẽ hơn với "các nước xã hội chủ nghĩa" để phát triển nền kinh tế Triều Tiên, bao gồm việc thu hút đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật từ Trung Quốc. Do vậy, ông Kim có thể tiếp nối truyền thống của cha, cố lãnh đạo Kim Jong-il, khi chọn tới thăm các khu công nghiệp và cơ sở nghiên cứu tại Trung Quốc.

"Chuyến thăm của ông Kim Jong-un tới Trung Quốc có lẽ sẽ tập trung vào việc tham vấn chính sách, từ chính sách đối ngoại cho tới chương trình cải cách trong nước. Ông ấy có thể sẽ tới thăm các khu vực khác ở Trung Quốc và học hỏi kinh nghiệm của Bắc Kinh trong việc cải cách và mở cửa", Shi Yongming, cựu nhân viên ngoại giao Trung Quốc hiện làm việc tại Viên Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, nhận định.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm