Chuyến công du đầu năm tới "lục địa đen" của Ngoại trưởng Trung Quốc
(Dân trí) - Ngoại trưởng Trung Quốc tới thăm một loạt quốc gia châu Phi vào đầu năm 2021 giữa lúc dịch Covid-19 tàn phá nhiều nền kinh tế trong khu vực.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới châu Phi vào đầu năm 2020 diễn ra trong bối cảnh lạc quan với mối quan hệ phát triển chưa từng có giữa hai bên, với sự tăng trưởng và nguồn quỹ dồi dào cho Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh giúp xây dựng hàng loạt cao tốc, nhà máy thủy điện và mạng lưới đường sắt trên toàn "lục địa đen".
Chuyến thăm diễn ra trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát và tàn phá các nền kinh tế, khiến nhiều nước châu Phi rơi vào khủng hoảng nợ nần.
Tiếp nối truyền thống lâu đời của các ngoại trưởng Trung Quốc khi chọn châu Phi là điểm đến trong các chuyến công du đầu năm, Ngoại trưởng Vương Nghị tuần này sẽ có các chuyến thăm chính thức tới Nigeria, Congo, Tanzania, Botswana và Seychelles.
Tuy nhiên, chuyến đi lần này của ông Vương Nghị sẽ khác các chuyến đi trước đây. Lần này, ngoại trưởng Trung Quốc tới châu Phi khi dịch Covid-19 đẩy khu vực này vào đợt suy thoái kinh tế đầu tiên trong 25 năm. Nhiều nước trong khu vực đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng tài chính và đã nộp đơn xin giảm nợ từ nhóm các nước giàu G20, trong đó có Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin ngày 30/12 cho biết, chuyến thăm châu Phi của Ngoại trưởng Vương Nghị "thể hiện vai trò ngày căng tăng của Trung Quốc trong mối quan hệ với châu Phi". Ông Wang nói rằng Trung Quốc sẽ hỗ trợ các nước châu Phi trong việc đối phó với đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế cũng như thúc đẩy hợp tác thông qua sáng kiến "Vành đai và Con đường".
Trong chuyến thăm, Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ trao đổi quan điểm với lãnh đạo các nước châu Phi về việc chuẩn bị cho diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi, dự kiến được tổ chức tại Senegal vào cuối năm nay.
Ngoại giao vắc xin
Các nhà phân tích cho rằng động lực chính phía sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị đến châu Phi là chính sách ngoại giao vắc xin của Bắc Kinh cũng như việc Trung Quốc muốn đảm bảo với các quốc gia châu Phi rằng, nước này sẽ tiếp tục tài trợ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực giữa lúc nhiều nước chìm trong khủng hoảng nợ.
Tim Zajontz, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu châu Phi thuộc Đại học Edinburgh, cho rằng không phải ngẫu nhiên Ngoại trưởng Vương Nghị chọn thời điểm này để tới thăm châu Phi, khi các cuộc thảo luận xung quanh việc phân phối vắc xin Covid-19 toàn cầu đang là đề tài "nóng" thu hút sự quan tâm của cả thế giới.
"Cuộc chạy đua cung cấp và phân phối vắc xin Covid-19 ở châu Phi đã trở thành vấn đề địa chính trị. Đối với chính phủ Trung Quốc, việc cung cấp vắc xin với giá cả phải chăng mà không gây ra những thách thức về hậu cần được xem là cơ hội để gia tăng cường ảnh hưởng sức mạnh mềm ở châu Phi", chuyên gia Zajontz nhận định.
Theo chuyên gia Zajontz, chính sách ngoại giao vắc xin của Trung Quốc càng được thúc đẩy hơn trong bối cảnh các chính phủ phương Tây có khả năng thu mua toàn bộ vắc xin sẵn có trong vài tháng tới.
"Chính phủ Trung Quốc luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải cung cấp vắc xin cho người châu Phi càng sớm càng tốt", chuyên gia Zajontz cho biết.
Stephen Chan, giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế tại Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi thuộc Đại học London, cho rằng chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị "chắc chắn có liên quan tới chính sách ngoại giao vắc xin của Trung Quốc".
"Chuyến đi tới 5 quốc gia châu Phi là tín hiệu cho toàn bộ khu vực châu Phi cận Sahara rằng, Trung Quốc vẫn còn trong cuộc chơi và cuộc chiến thương mại với Mỹ không làm giảm cam kết của nước này với châu Phi", giáo sư Chan nhận định.
Theo chuyên gia Zajontz, chuyến đi của Ngoại trưởng Vương Nghị cũng nhằm khẳng định cam kết của Trung Quốc với châu Phi trong bối cảnh bất ổn kinh tế do đại dịch Covid-19. Ông Zajontz cho rằng các nền kinh tế giàu tài nguyên tại châu Phi như Congo và Nigeria phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của Trung Quốc để phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Theo báo cáo năm 2017 của công ty McKinsey (Mỹ), trên khắp châu Phi, có hơn 10.000 công ty do người Trung Quốc sở hữu và 1/3 trong số đó liên quan tới sản xuất. Báo cáo ước tính 12% tổng lượng sản xuất công nghiệp ở châu Phi - trị giá 500 tỷ USD/năm - do các công ty Trung Quốc quản lý.