1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyến công du châu Phi bộn bề khó khăn của Obama

(Dân trí) - Trở lại châu Phi sau nhiều năm vắng mặt, nơi Trung Quốc đã chiếm được vị thế dẫn đầu, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama được dự báo đang gặp phải không ít khó khăn.

Tổng thống Obama tới châu Phi trong bộn bề khó khăn.
Tổng thống Obama tới châu Phi trong bộn bề khó khăn.

Chuyến thăm châu Phi của ông Obama kéo dài 8 ngày, từ 26/6 - 3/7, tới Senegal, Nam Phi và Tanzania. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Obama tới châu lục này kể từ khi tái cử nhiệm kỳ hai năm 2012 và là chuyến thăm thứ hai kể từ khi lên cầm quyền năm 2009.

Theo kế hoạch, trong chuyến thăm, Tổng thống Obama sẽ đề xuất một số sáng kiến về thương mại và y tế, kêu gọi đầu tư cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp của châu Phi và có thể sẽ giải thích câu hỏi tại sao sự can dự của Mỹ ở lục địa Đen dưới thời của ông lại tụt sau Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự quan tâm thực sự của Tổng thống Obama đối với châu Phi vẫn còn là vấn đề cần được kiểm chứng và đang gây hoài nghi lớn trong người dân nơi đây, khi mà trong suốt nhiều năm qua, ông đã vô tình hay hữu ý để cho Trung Quốc vượt lên dẫn đầu tại lục địa giàu tài nguyên này.

Nếu so với các thời Tổng thống Mỹ trước đây, có thể nói ông Obama đã tự đánh mất rất nhiều điểm.

Trong thời gian 8 năm cầm quyền, Tổng thống Bill Clinton đã thăm 10 quốc gia châu Phi và đã ký Luật phát triển và cơ hội của châu Phi (AGOA), trong đó dỡ bỏ các hạn chế thương mại đối với hơn 6.000 mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ từ 35 quốc gia châu Phi.

Còn dưới thời của người tiền nhiệm George W. Bush, số nước châu Phi được đón tiếp vị Tổng thống thứ 43 của Mỹ lên tới con số 11 nước.

Ngoài ra, ông Bush cũng thúc đẩy hỗ trợ trực tiếp cho chương trình y tế được phát động vào năm 2003, nhằm giúp đỡ 4 triệu người châu Phi chống lại dịch HIV/AIDS. Ông cũng đã thành lập cơ quan viện trợ nước ngoài có nhiệm vụ cung cấp viện trợ của Mỹ cho các nước châu Phi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về quản lý hiệu quả.

Tuy nhiên, dưới thời ông Obama, các sáng kiến Mỹ-Phi mà chính quyền Bush và Clinton theo đuổi đã tụt lại phía sau các sáng kiến Trung-Phi. Kim ngạch thương mại giữa người khổng lồ châu Á và châu Phi đã tăng vọt từ mức 10 tỷ USD năm 2000 lên 200 tỷ năm 2012. Không chỉ vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi, Trung Quốc còn đầu tư mạnh tay vào châu lục này với số tiền lên tới hơn 75 tỷ USD và cứ 5 năm một lần, Bắc Kinh lại tổ chức Hội nghị Trung-Phi quy tụ gần 50 nhà lãnh đạo châu Phi để thúc đẩy quan hệ với châu lục này.

"Chúng tôi đang chứng kiến một cuộc rút lui từ từ và liên tục của Mỹ khỏi châu Phi. Chúng tôi không hiểu nổi điều đó. Mỹ là một người bạn tuyệt vời trong quá khứ, nhưng ngay khi châu Phi chứng tỏ một sự vươn lên thì Mỹ lại rời xa châu lục này", ông Mo Ibrahim, một nhà tài phiệt trong lĩnh vực viễn thông của Xudan, than thở.

Tất nhiên ai cũng hiểu ông Obama cũng có những cái khó riêng, khi ông lên nắm quyền vào thời điểm nước Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái 1930-1933 và đang phải dốc toàn lực cho việc chấm dứt hai cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan.

Vì vậy, trước khi ông Obama lên đường tới châu Phi, chính quyền Obama đã kịp thực hiện hai việc quan trọng trong chính sách đối với châu lục này. Đó là việc bổ nhiệm bà Linda Thomas-Greenfield làm Trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề châu Phi và cựu Thượng nghị sĩ Russ Feingold vào vị trí Đặc phái viên tại vùng Các hồ lớn đang bất ổn (bao gồm Uganda, Ruanda, Burundi và miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo).

"Chuyến công du được lên kế hoạch nhằm giải tỏa một số nhận định và quan ngại, với mong muốn tái thiết lập một đường lối can dự của Mỹ vào châu Phi trong vài năm tới", cố vấn về chính sách đối ngoại của Nhà Trắng Ben Rhodes giải thích về mục đích chuyến thăm khi được hỏi “Tổng thống Mỹ đã ở đâu trong những năm qua”.

Với những sự điều chỉnh bước đầu này, cộng thêm khoản chi phí “dắt lưng” dự kiến từ 60-100 triệu USD , Washington hy vọng chuyến thăm sẽ tái khởi động quan hệ hợp tác tích cực giữa Mỹ với châu Phi, nơi được Mỹ đánh giá sẽ nổi lên thành khu vực bùng nổ về phát triển kinh tế và mang lại nhiều cơ hội béo bở cho các doanh nghiệp Mỹ.

Tuy nhiên, hy vọng của ông Obama có trở thành hiện thực hay không lại là một câu chuyện khác.

Sau lần thất vọng cách đây 5 năm trong chuyến thăm chớp nhoáng của ông Obama tới Ghana năm 2009, các nhà lãnh đạo châu lục Đen giờ đây không còn quá ảo tưởng về một sự quan tâm đặc biệt từ ông chủ da màu đầu tiên của Nhà Trắng, nhất là khi chuyến thăm lại diễn ra đúng thời điểm các cáo buộc gián điệp, vi phạm sự riêng tư và tự do báo chí đang làm rung chuyển chính quyền của ông Obama trong những tuần qua.

Đức Vũ